Mai Chí Thọ - vị lãnh đạo của lòng dân

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 02:57:23

Sáng 12-7, Thành ủy TP.HCM và Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học "Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM".

Ông Mai Chí Thọ (thứ 5 từ phải qua) thăm nông dân ở vườn rau Tân Thắng, Tân Bình - Ảnh tư liệu


Trong tập "Hồi ức Mai Chí Thọ" mà chính ông đã "hối hả lao vào viết, sửa đi sửa lại, gọt giũa mãi" vừa được tái bản và gửi tặng đến các đại biểu tham dự hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Mai Chí Thọ có một chương mang tựa đề "Đồng bào đồng chí ơi, con tạ ơn người mãi mãi".


Đọc lên nghe như một lời gọi, một tiếng lòng và tiếng lòng ấy chính là tiếng lòng của ông Mai Chí Thọ xuyên suốt cuộc đời, từ lúc là một chiến sĩ cách mạng nơi bưng biền, một người tù chính trị qua bao nhiêu nhà ngục khét tiếng, hay lúc là chủ tịch rồi bí thư TP.HCM, hay đại tướng, bộ trưởng Bộ Nội vụ...

Tôi chỉ tìm cách gỡ khó khăn cho sản xuất. Là chủ tịch thành phố, tôi có trách nhiệm và quyền hạn của mình. Việc gì trong phạm vi của tôi thì tôi quyết định, hỏi tới hỏi lui còn gì là chủ tịch nữa...

Ông Mai Chí Thọ


Từ gương mặt mẹ...

Những thuộc cấp của ông Mai Chí Thọ, những đồng chí đi sau thế hệ ông, những người có may mắn được làm việc, được tiếp xúc đã gửi đến hội thảo hôm nay hơn một trăm bản tham luận cùng rất nhiều câu chuyện và hầu hết đều xoay quanh chữ "Dân" trong cuộc đời ông.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, người đã dành một phần trong sự nghiệp của mình để bám sát những cuộc phỏng vấn với nhân vật Mai Chí Thọ, ghi lại hẳn một tập ký sự riêng về ông, nhắc lại một câu chuyện mà theo bà là "chạm vào trái tim": một nỗi ân hận, day dứt của ông với mẹ mình.

Bà đã cho độc giả cơ hội nghe ông bộc bạch: "Ấy là năm 1954, tôi đóng giả sĩ quan liên lạc, đi máy bay của phía miền Nam ra Hà Nội. Chúng tôi đang xây dựng mạng lưới tình báo phía Nam. Có cơ hội được về thăm mẹ sau 15 năm xa cách. Mẹ ngồi trong mùng nhìn con lặng lẽ khóc. Mình lại cố cứng rắn: Mẹ đừng khóc, còn bao gia đình tan nát. Mẹ hỏi với niềm hy vọng trông chờ: Con về chuyến này ở luôn? Không, con còn đi. Đất nước thế này ở nhà sao được, nước mất nhà cũng tan. Mẹ yên tâm, con đi rồi sẽ về...".

Câu trả lời cứng cỏi, lý lẽ ấy đã nằm lại trong tim ông cả đời với sự ân hận. "Thiếu tình cảm, không thấu đáo", ông tự trách mình. Mẹ ông có tới ba người con trai đã đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo cao nhất trong thời chiến tranh, biết bao nhiêu năm bà thắt tim chờ đợi trong khi con lao vào hòn tên mũi đạn, chịu đựng những hung tin các con lần lượt bị bắt, bị tù đày. "Mình nói vậy là không được", ông Mai Chí Thọ đã day dứt mãi.

Đi làm cách mạng, một đời sống với dân, với Mai Chí Thọ đâu cũng là quê hương, đâu cũng là nhà, và bà mẹ nào cũng luôn sẵn sàng nhường cho ông cùng đồng đội chỗ ngủ duy nhất, chiếc mùng duy nhất, nắm gạo cuối cùng. Có lẽ vì vậy mà sau này khi đã hòa bình, đã làm lãnh đạo, dù là chính quyền hay công an, ông hình thành thói quen đi chợ. Đến công tác bất kỳ chỗ nào, ông cũng đều đi chợ đầu tiên. Đi chợ để nhìn ngắm những gương mặt các mẹ, các chị, soi xem nỗi buồn, niềm vui trong ấy, chợ là tiêu biểu cho sinh hoạt, mức sống xã hội và cả văn hóa nữa.

Và những năm đầu tiên của hòa bình ấy, trong vai chủ tịch TP.HCM, lạ thay, ông Mai Chí Thọ nhìn đâu cũng thấy những nỗi niềm. Niềm vui hòa bình đã đi đâu mất? "Có được chiếc xe hơi mới mừng lắm. Tôi đi từ trung tâm thành phố theo đường Trần Hưng Đạo xuống tuốt nhà thờ Cha Tam. Đường phố lớn vậy mà nhà nhà đóng cửa im ỉm không ai buôn bán, thành phố như chết đi mấy phần. Buồn hết sức".

Ấy là sau thời kỳ cải tạo tư sản. Rồi ra Hà Nội công tác, "cái chợ mùa đông miền Bắc rất ấn tượng vì tôi quen ở phương Nam luôn nắng tràn trề. Trời u ám màu chì. Con người chen chúc, ăn mặc nâu sồng xám xịt, gương mặt cũng xám, ai cũng âu lo, chẳng hề thấy một nét rạng rỡ...". Ấy là khi thời bao cấp đã quá kéo dài.

Những ánh nhìn cứa lòng ấy đã khiến ông Mai Chí Thọ cùng với ông Võ Văn Kiệt và những lãnh đạo TP.HCM bấy giờ đi đến những nước đi táo bạo để sửa sai, để phá rào cho nền kinh tế được hồi sinh. Các ông ngược xuôi tìm cách xuất khẩu, đổi hàng, chở gạo, tìm phương sống cho người dân, kể cả đánh cược với sinh mạng chính trị của mình. Những biệt danh ông "chủ tịch gạo", "chủ tịch hộ khẩu"... ra đời từ đó. Kể cả khi Mai Chí Thọ trở thành bộ trưởng Bộ Nội vụ, cách nhìn vấn đề trên gương mặt và nồi cơm người dân của ông vẫn không hề suy suyển.

Ông Võ Viết Thanh kể câu chuyện về người thủ trưởng của mình: "Lần ấy chú Năm Xuân bảo tôi bố trí đi thăm một số nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đến từng cụm dân cư, ông đều gửi tặng cá mắm, cá khô. Đồng bào rất mừng. Ông đến xem chỗ ngủ và bếp của họ. Bếp chỉ có khoai, bắp treo giàn sấy khô. Nhà nào khá thì có vài tấm đắp bằng dù pháo sáng từ thời chiến tranh, những nhà khác chỉ có tấm vải mong manh chắp vá...

Ông nhận định: "Đời sống đồng bào dân tộc còn kéo dài như thế này thì Tây Nguyên có thể vẫn còn bất ổn". Những diễn biến sau này cho thấy nhận định của ông hoàn toàn chính xác".

Ông Mai Chí Thọ dự khai giảng năm học 1977 - 1978 ở Trường Lý Tự Trọng, TP.HCM - Ảnh tư liệu


Chức vụ chẳng thể bằng giá trị

Đồng đội của ông vẫn còn nhớ những câu: "...Nhất tướng công thành vạn cốt khô/ Núi xương sông máu dựng cơ đồ/ Đồng bào chiến sĩ hy sinh thế/ Quan bé quan to nhớ nhớ cho". Ấy là bài thơ "Phong tướng" mà ông viết khi được phong làm đại tướng đầu tiên của lực lượng công an năm 1989. Ông viết trước hết là để tự nhắc mình. "Chức vụ nào thì ăn thua cũng là ở giá trị, chất lượng công việc có xứng đáng hay không", ông bảo vậy, và xuyên suốt công việc của mình, ông chứng minh vậy.

Những người đi tiên phong tìm đầu mối xuất nhập khẩu đổi hàng hóa trong giới doanh nghiệp người Hoa những năm cuối của thập niên 1970 ấy như ông Phan Chánh Dưỡng vẫn còn nhớ "đèn xanh" của ông Mai Chí Thọ đã được bật từ các con đường chuyển hàng ngoài quốc lộ đến tận phao số 0 cập mạn tàu nước ngoài.

Còn Mai Chí Thọ thì đã trả lời các lãnh đạo khi bị hỏi đến: "Tôi chỉ tìm cách gỡ khó khăn cho sản xuất. Là chủ tịch thành phố, tôi có trách nhiệm và quyền hạn của mình. Việc gì trong phạm vi của tôi thì tôi quyết định, hỏi tới hỏi lui còn gì là chủ tịch nữa...".

TP.HCM những năm ấy trăm khó ngàn khó nhưng may thay đã có được những lãnh đạo hết lòng vì dân như Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp... Ông Hồ Hữu Nhựt, người đã có cơ hội làm việc với ông Mai Chí Thọ từ những ngày chiến tranh cho đến hòa bình, hôm nay vẫn tâm đắc bài học lãnh đạo số 1 mà ông Thọ đã truyền lại: "Phải phát hiện ra cái sai, cái khuyết điểm thì mới tìm được biện pháp khắc phục, tìm ra cách làm đúng được".

Bài học ấy ông đã rút ra từ bao nhiêu suy nghiệm và chiêm nghiệm trong những bước đường cách mạng mình đã đi, những gương mặt người dân mà mình đã tìm kiếm, ngắm nhìn...


Tỏa sáng từ tâm

Khi về hưu, ông đã sống rất thanh thản, tích cực. Có lần ông nói rất sung sướng khi ra phố dạo chợ được mọi người chào mời, tiếp đón bình dị. Chúng tôi luôn thấy ông sảng khoái, tràn đầy năng lượng tích cực, đầy sáng tạo tươi mới và bận rộn một cách đáng nể cho đến tận những ngày sức khỏe suy yếu lúc cuối đời. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ông thực sự là một người đã nghỉ hưu.

Phải chăng khi có tâm trong sáng, khi trí tuệ đủ lớn và khi trải nghiệm cuộc đời với đức tin và lý tưởng, tình cảm nhân văn mãnh liệt thì con người ta sẽ luôn tỏa sáng khỏe mạnh, vững vàng ở mọi hoàn cảnh, mọi trở ngại...


PHAN THỊ THANH XUÂN (con gái, đại diện gia đình)

Chia sẻ Facebook