Mặc tranh cãi, Em Và Trịnh sẽ là phim Việt đầu tiên đạt 100 tỷ trong năm 2022?

Chia sẻ Facebook
22/06/2022 04:48:42

Doanh thu ngày của phim Em và Trịnh hiện cao hơn những suất chiếu đầu.


Với kinh phí xấp xỉ 50 tỷ đồng, Em và Trịnh được xếp vào hàng ngũ phim bom tấn của điện ảnh Việt. Sau hơn một tuần chiếu sớm và sau ba ngày chính thức phát hành, tác phẩm thu về hơn 60 tỷ đồng, trái ngược với nhiều dự đoán phim sẽ khó có doanh thu cao vì chất lượng không xuất sắc.

Có thể nói, thành công ban đầu của dự án khai thác cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh là tín hiệu tốt cho thị trường phim nội địa, đồng thời cũng là một "case study" (nghiên cứu điển hình) cho các nhà phát hành trong tương lai.

Em và Trịnh gây tranh cãi từ những suất chiếu sớm.


Doanh thu cao dù phim gây tranh cãi


Em và Trịnh là dự án gây ồn ào từ khi lên kế hoạch sản xuất. Cận ngày phát hành, ê-kíp lại gây bất ngờ khi thông báo không chỉ có một mà đến hai bản phim được giới thiệu: Em và Trịnh có thời lượng 136 phút và Trịnh Công Sơn dài 95 phút.

Điều này tạo ra không ít hoang mang cho khán giả. Nhiều người không hiểu rõ mục đích và nội dung của hai bản phim là gì, có điểm gì giống và khác nhau. Trong khi đó, nhà sản xuất chỉ thông báo rằng hai bản phim có nội dung độc lập.


Từ poster đến trailer của Em và Trịnh đều giới thiệu lịch chiếu chính thức là ngày 17/6. Tuy nhiên, ê-kíp quyết định mở những suất chiếu sớm (sneakshow) từ ngày 10/7, tức trước một tuần.


Thống kê của Box Office Vietnam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập – cho thấy dự án có doanh thu không thực sự ấn tượng trong ngày đầu chiếu sớm (chỉ hơn 2 tỷ đồng). Con số này kém xa so với 5 tỷ của Lật mặt 5 và 9 tỷ của Bố già .

Phim hiện có doanh thu hơn 60 tỷ đồng.


Song, Em và Trịnh vẫn là phim Việt có doanh thu sneakshow ngày đầu cao nhất trong năm nay. Chưa kể, con số bắt đầu tăng dần ở những ngày tiếp theo và đến ngày thứ ba thì doanh thu đã đạt gấp đôi (hơn 4 tỷ đồng).

Ban đầu, phim chỉ định chiếu sớm trong vòng ba ngày như nhiều dự án khác. Tuy nhiên, trước sự đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả, các suất chiếu sớm đã được kéo dài liên tục đến tận ngày chiếu chính thức.

Đặc biệt, theo Box Office Vietnam, doanh thu phim ở ngày đầu tuần (thứ ba) cao hơn hẳn cuối tuần (chủ nhật). Cụ thể, phim chạm mốc 5 tỷ đồng ở ngày chiếu sớm thứ 5 (14/6). Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử thống kê của đơn vị vì thông thường, các dự án khác sẽ có doanh thu đầu tuần thấp hơn.


Trong suốt tuần chiếu sớm, bộ đôi Em và TrịnhTrịnh Công Sơn liên tục "gây bão" trên mạng xã hội với hàng loạt bài đánh giá khác nhau. Không chỉ gây tranh cãi về cách phát hành, tác phẩm tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược về kịch bản phim, lối kể chuyện của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, cách xây dựng hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Dao Ánh,…

Khán giả liên tục để lại bình luận tại Fanpage của phim trên Facebook, chia sẻ cảm xúc ở trang cá nhân. Các meme (ảnh chế), câu thoại trong phim được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Chỉ riêng hashtag #emvatrinh đã đạt hơn 150 triệu lượt xem trên Tik Tok.

Ý kiến khen chê của khán giả là khác nhau, nhưng phần nào trở thành ngòi nổ kích thích sự tò mò của những người chưa xem phim. Mạng xã hội bỗng trở thành công cụ tiếp thị truyền miệng (word of mouth) hiệu quả và tiết kiệm hơn hẳn so với cách thức truyền thống.


Theo thông tin từ Box Office Vietnam, sau hai ngày chiếu sớm thì tổng doanh thu của hai phim cũng ngót nghét gần 10 tỷ đồng, trong đó Em và Trịnh thu hơn 8,5 tỷ đồng còn Trịnh Công Sơn chưa được 1 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút của bản phim gốc vẫn mạnh mẽ hơn bản phim cùng tên cố nhạc sĩ.


Trong khi tỷ lệ lấp đầy của Em và Trịnh ngày càng tăng, Trịnh Công Sơn khá lận đận với vài suất chiếu. Thậm chí ở nhiều suất chiếu, lượng người đặt vé chưa thể vượt quá con số 10.


Sau những ngày đầu tiên, hàng loạt thông tin từ phía người xem phim nghi ngờ cách phát hành hai bản phim chỉ là cách để nhà sản xuất tận thu. Thực tế Trịnh Công Sơn chỉ là bản phim rút gọn của Em và Trịnh với thời lượng ngắn hơn, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ, có thêm một hai cảnh quay nhưng không đáng kể, không đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, phần lớn ý kiến khuyến cáo xem bản dài để tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc.


Trước sự thờ ơ của khán giả, ê-kíp quyết định rút bản phim Trịnh Công Sơn khỏi rạp vào ngày 16/7, đúng một ngày trước khi Em và Trịnh chính thức công chiếu. Điều này biến phim trở thành tác phẩm đầu tiên của Việt Nam bị "khai tử" ngay từ giai đoạn sneakshow.

Nhà phát hành cho biết phim hiện cháy vé ở các rạp Hà Nội, TP.HCM.


Như vậy, về cơ bản, những suất chiếu sớm đã thực hiện được hết mục đích đặt ra: vừa kích thích sự tò mò của khán giả, vừa thăm dò thị trường. Khi áp dụng với một tác phẩm kể về nhân vật được yêu thích như Trịnh Công Sơn, nó trở thành một nước cờ thông minh.


Giờ đây, khi Trịnh Công Sơn chẳng còn thì khán giả cũng không phải phân vân nên xem phim nào. Vì thế, lượng vé cũng đổ dồn vào một bản phim.


Theo thông tin từ nhà phát hành, tất cả suất chiếu Em và Trịnh đều trong tình trạng cháy vé, bất kể thời tiết ở hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM đều mưa kéo dài. Tỷ lệ lấp đầy rạp của các suất chiếu rất cao, thậm chí nhiều khán giả sẵn sàng ngồi ở những hàng ghế sát màn hình để được thưởng thức phim. Điều đó khiến một số rạp phim đã thông báo tăng thêm suất chiếu khuya lúc 0h00 sáng để phục vụ người hâm mộ.


Doanh thu cuối tuần của Em và Trịnh đạt mức trên 25 tỷ đồng với hơn 7.500 suất chiếu. Con số này được tính từ ngày thứ sáu đến hết ngày chủ nhật, vừa đúng ba ngày công chiếu chính thức, tức trung bình mỗi ngày phim thu về hơn 8 tỷ đồng.

Nhiều khả năng trở thành phim Việt đầu tiên đạt 100 tỷ trong 2022


Với kinh phí sản xuất 50 tỷ đồng, bộ phim cần đạt 100 tỷ đồng mới giúp nhà sản xuất hòa vốn. Theo dự đoán của đại diện một nhà phát hành, Em và Trịnh có thể đạt được con số 100 tỷ đồng. Trước mắt, dù hòa vốn hay không, doanh thu của Em và Trịnh cũng là tín hiệu tốt dành cho thị trường phim nội địa, nhất là khi gần đây các tác phẩm Việt đều rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề, không đủ sức để cạnh tranh phim ngoại.


Trước Em và Trịnh , có đến ba phim Việt bị khán giả phớt lờ tại phòng vé là: Kẻ thứ ba (đạo diễn Park Hee Jun), 578 – Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) và Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần). Cả ba phim đều có kinh phí rất cao, trong đó hai phim đầu sở hữu nhiều yếu tố để hút khách lẫn khai thác truyền thông.

Các chuyên gia dự đoán phim có thể đạt 100 tỷ đồng.


Kẻ thứ ba có kinh phí khoảng 33 tỷ đồng, là dự án do Lý Nhã Kỳ sản xuất, từng được giới thiệu từ nhiều năm trước. Dự án gây chú ý nhờ sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk – nổi tiếng qua các phim truyền hình như Người mẫu (1997), Giày thủy tinh (2002),…


Là phim hành động được đầu tư đến 60 tỷ, 578 – Phát đạn của kẻ điên có sự tham gia của hoa hậu H'Hen Niê và ê-kíp nước ngoài, từ nam chính Alexandre Nguyễn đến đạo diễn hành động Oh Sea Young – từng làm nhiều phim nổi tiếng của Hàn Quốc.


Trong khi đó, Maika có kinh phí sản xuất khoảng 30 tỷ đồng dù là phim thiếu nhi. Khi công chiếu, cả ba tác phẩm đều thất bại tại phòng vé, khiến nhà sản xuất rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề.


Quay trở lại với dự án Em và Trịnh, hình thức phát hành gây ồn ào cùng những tranh cãi về phim đã mang lại hiệu quả truyền thông tốt, kích thích khán giả ra rạp sau một thời gian phim Việt ế ẩm.


Bên cạnh đó, sự phục hồi của rạp phim sau Covid-19 cũng là yếu tố tích cực tác động đến doanh thu của Em và Trịnh . Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết lượng khán giả đến rạp phim hiện đạt 95% so với trước đại dịch.


Chưa kể thời điểm này, không có nhiều phim bom tấn Hollywood cũng như phim nội địa cạnh tranh với Em và Trịnh .

Do đó, theo nhận định của các đại diện nhà phát hành, với tình hình hiện tại, khả năng ê-kíp vượt mục tiêu hòa vốn là rất cao.


Nguồn ảnh: NSX

Chia sẻ Facebook