Mắc nhiều sai phạm, Vietnam Airlines bị phạt 170 triệu đồng
HVN công bố nhiều thông tin không đúng hạn, không đảm bảo cơ cấu tối thiểu 2 thành viên HĐQT độc lập đồng thời chưa thuyết minh chi tiết thù lao HĐQT, Ban Giám đốc.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP ( Vietnam Airlines - HoSE: HVN).
Theo đó, hãng hàng không này bị phạt 50 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật một số tài liệu như báo cáo thường niên năm 2020, BCTC quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại hãng Hàng không Cambodia Angkor Air từ công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.
Vietnam Airlines còn bị phạt thêm 100 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu tối thiểu hai thành viên HĐQT độc lập đối với công ty có từ 6 đến 8 thành viên HĐQT. Theo đó, nhiệm kỳ 2021-2025, công ty có 7 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập. Cụ thể, HĐQT Vietnam Airlines hiện có 7 thành viên, với ông Đặng Ngọc Hòa làm Chủ tịch, 5 Thành viên HĐQT và một Thành viên độc lập là ông Trương Văn Phước.
UBCKNN cũng phạt tiền 20 triệu đồng với Vietnam Airlines theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021 do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Trong Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán, Vietnam Airlines chưa thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Ban Tổng Giám đốc.
Tổng mức phạt là 170 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/7.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines diễn ra tháng 6 vừa qua, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đánh giá sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc đối với ngành hàng không Việt Nam. Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng cho rằng việc giá nhiên liệu bay tăng mạnh trong suốt thời gian vừa qua đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khôi phục lại hoạt động của hãng đặc biệt là các mục tiêu về tài chính.
Bên cạnh việc giá dầu tăng, ông Lê Hồng Hà cũng chỉ ra những yếu tố khác có tác động tiêu cực đến việc khôi phục sản xuất kinh doanh như xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát…
Ngoài ra, sự tăng trưởng chậm của thị trường hàng không châu Á, ví dụ Trung Quốc vẫn hướng đến zero-Covid hay Hàn Quốc và Nhật Bản mở cửa từ từ ngăn cản tốc độ phục hồi của hàng không trong nước...
Về tình hình kinh doanh, quý đầu năm nay, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 11.683 tỷ đồng, tăng khoảng 55%, tương ứng 4.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng của hãng hàng không này cũng tăng mạnh từ mức 10.400 tỷ đồng lên 13.200 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Chi phí bán hàng trong quý của Vietnam Airlines giảm xuống còn 364 tỷ đồng song các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 528 tỷ đồng và 390 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 2.621 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp hàng không này lỗ gần 30 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết hiện tại số lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến hơn 1 tỷ USD. "Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có khoảng thời gian khá dài", ông nói .