Mạc Kính Điển: Cây cổ thụ chèo chống nhà Mạc (P3)
Khiêm vương Mạc Kính Điển giúp nhà Mạc biến nguy thành an. Sau khi ông mất, hậu duệ của ông lại tiếp tục giúp nhà Mạc duy trì ở Cao Bằng...
Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Khiêm vương Mạc Kính Điển là trụ cột chèo chống cho nhà Mạc, giúp nhà Mạc nhiều lần biến nguy thành an. Sau khi ông mất, hậu duệ của ông lại giúp nhà Mạc duy trì ở Cao Bằng thêm hơn nửa thế kỷ nữa.
Tiếp tục ngăn cản quân Nam triều, chủ động tấn công
Năm 1562, vua Mạc Tuyên Tông mất, Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi lên ngôi Vua. Vì Vua còn nhỏ cần người ở bên cạnh, mà Mạc Kính Điển quá bận việc bên ngoài, nên ông để em mình là Mạc Đôn Nhượng làm Nội Phụ chính giúp Vua những việc ở trong Triều. Bản thân Mạc Kính Điển thì lo việc quân cơ bên ngoài, thực chất mọi việc vẫn đều do ông Phụ chính.
Năm 1563, Trịnh Kiểm lại cho quân tấn công ra bắc. Thay vì chỉ thủ, Mạc Kính Điển cho quân tiến đánh Thanh Hóa của Nam triều. Trịnh Kiểm nhanh chóng sai Lộc quận công đưa quân tiến nhanh về trước còn mình thì theo sau.
Lộc quận công về Thanh Hóa trước, hợp với quân nhà Lê ở đây tiến đánh quân Mạc ở Du Trường. Mạc Kính Điển cho quân giả thua rồi bỏ chạy. Quân nhà Lê đuổi theo và rơi vào trận địa mai phục được chuẩn bị trước. Quân nhà Mạc bao vây chặt thành mấy lớp, quân Nam triều tử trận rất nhiều, Lộc quận công bị quân Mạc đâm chết trên lưng voi. Các tướng còn lại cố liều chết phá vây chạy thoát vào núi.
Lúc này Trịnh Kiểm cùng toàn quân sắp về đến, Mạc Kính Điển cũng cho quân rút vì đã đạt được mục tiêu trong kế hoạch.
Sau đó Mạc Kính Điển cùng Nguyễn Quyện nhiều lần tiến đánh Thanh Hóa, Nghệ An, khiến quân Nam triều điêu đứng, nhiều danh tướng Nam triều tử trận, như tướng hàng đầu là Trịnh Mô bị Nguyễn Quyện giết chết.
Những cuộc tấn công của Mạc Kính Điển khiến quân Nam triều chỉ lo cố thủ và không còn đủ sức để tấn công ra bắc nữa.
Mạc Kính Điển mất, nhà Mạc suy yếu
Năm 1580, Mạc Kính Điển mất, thời điểm này nhà Mạc mạnh hơn nhà Lê rất nhiều, cả về kinh tế cũng như quân đội. Thế nhưng sau khi ông mất, nhà Mạc ngày càng suy sụp.
Mạc Đôn Nhượng vốn được cử làm Nội Phụ chính nhưng không quản giáo được Mạc Mậu Hợp khiến Vua càng lớn càng hư hỏng. Mạc Đôn Nhượng cũng chẳng màng việc Triều chính, nhiều người có tâm huyết gửi tấu sớ lên nhưng không có hồi âm.
Nhằm ngăn quân Nam triều hồi phục sức mạnh, Mạc Đôn Nhượng cũng nhiều lần cho quân tấn công, tuy nhiên Mạc Đôn Nhượng không có tài cầm quân như Mạc Kính Điển, nên khi thì bị phục binh đánh thua, khi thì hết lương thảo phải kéo quân về.
Từ năm 1583 thì nhà Mạc không còn nam tiến nữa, nhà Lê – Trịnh càng có cơ hội phát triển mạnh. Trong khi đó Vua Mạc Mâu Hợp thì suốt ngày ăn chơi sa đà tửu sắc, Mạc Đôn Nhượng thì không lo chính sự.
Năm 1592, Trịnh Tùng ra bắc chiếm được Thăng Long, Mạc Mậu Hợp bỏ chạy nhưng bị bắt và bị khép vào tội chết.
Hậu duệ lên ngôi làm chủ Cao Bằng
Trước đây Tây Quốc Công Nguyễn Kính là người có công lớn với nhà Mạc nên các con ông đều được ban quốc tính mang họ Mạc. Một người con của ông là Nguyễn Ngọc Liễn được ban họ Mạc, lấy tên là Mạc Ngọc Liễn, cũng là hôn phu của công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm.
Khi nhà Mạc thua, Mạc Ngọc Liễn bỏ trốn. Tháng 3/1593, Ngọc Liễn tìm người con trai của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lập làm Vua.
Đến năm 1594 thì Mạc Ngọc Liễn mất, trước khi mất để lại bức thư dặn Mạc Kính Cung rằng: ”Khí số nhà Mạc đã hết, nhà Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta vô tội mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế. Ta nên lánh mình ngoài cõi, dấu tiết đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được…”
Mạc Kính Cung cầm cự với quân nhà Lê trong hoàn cảnh nhà Mạc đã rất yếu. Dù Mạc Kính Cung đã lấy lại được Thăng Long vào năm 1600 nhưng sau đó không giữ được. Nhớ lời dặn của Mạc Ngọc Liên, ông liền rút đến Cao Bằng vào năm 1621.
Từ đó Mạc Kính Cung trấn giữ vùng đất ở Cao Bằng, mang lại nhiều lợi ích cho dân chúng. Vua khuyến khích phát triển nông nghiệp, thương mại giúp kinh tế phát triển. Vua cũng cho xây dựng thành trì, đồn lũy nhằm ngăn chặn quân nhà Lê. Vua cũng cho mở khoa thi nhằm có được hiền tài phụng sự Xã Tắc. Nhờ đó nhà Mạc ở Cao Bằng còn trụ ở nơi đây mãi đến năm 1677 mới chấm dứt.
Tài năng và đức độ của Mạc Kính Điển khiến người nhà Mạc tôn kính, người theo nhà Lê cũng kính nể. Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư do các sử gia nhà Lê đã chép rằng: “Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành”.
Cuốn “Đại Việt thông sử” của Lê Qúy Đôn có ghi lại rằng: “Kính Điển là người nhân hậu, linh mẫn, dũng cảm có thừa” và “ông tiếp đãi quan liêu có lễ độ, đối với quân sĩ có ân nghĩa, từng trải qua biết bao sự gian hiểm, mà vẫn cần lao trung thành, thời bấy giờ tựa vào ông làm trọng. khi ông chết, lòng người trong nước đều dao động!”
Trần Hưng
Mời xem video :