Mạc Kính Điển: Cây cổ thụ chèo chống nhà Mạc (P2)

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:14:04

Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Khiêm vương Mạc Kính Điển là trụ cột chèo chống cho nhà Mạc, giúp nhà Mạc nhiều lần biến nguy thành an. Sau khi ông mất, hậu duệ của ông lại giúp nhà Mạc duy trì ở Cao Bằng thêm hơn nửa thế kỷ nữa.

Tiếp theo phần 1

Thủ vững kinh thành

Cho rằng thời cơ tốt đã đến, Trịnh Kiểm chỉ huy quân Nam triều phối hợp cùng quân chúa Bầu của Vũ Văn Mật phía bắc tiến đánh. Nhà Mạc lâm nguy trong khi quân tướng vẫn chưa yên sau biến cố lớn. Mạc Kính Điển đốc thúc quân trấn giữ các nơi.

Tranh vẽ thủy quân Nam Bắc triều giao chiến. (Ảnh: Wazin Kyle, Wkikipedia, Public Domain)

Trịnh Kiểm cho quân qua sông Thao đến núi An Lạc. Còn quân Chúa Bầu và Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang từ ba hướng bắc nam tiến đánh Thăng Long. Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân Nam triều, quân nhà Mạc liên tiếp thua trận. Ba cánh quân Nam triều cùng Vũ Văn Mật từ bắc – nam tiến về Thăng Long.

Mạc Kính Điển cho người tin cẩn phò tá vua Mạc Tuyên Tông rời Kinh thành đến Kim thành (Hải Dương), còn ông ở lại quyết chiến với quân Nam triều. Ông cho đắp lũy đất từ Bồ Đề (ở xã Lâm Hạ) kéo dài ra phía bắc để phòng thủ, lại xếp đặt thủy chiến để quân thủy bộ hỗ trợ được cho nhau. Ông cũng ổn định lòng quân, ra kỷ luật nghiêm ngặt.

Khi quân Nam Triều đến, Mạc Kính Điển cùng quân sĩ một lòng chống cự, đẩy lui quân Nam triều hết lần này đến lần khác. Quân Nam triều có kế họach đưa vua Lê vào Kinh thành Thăng Long, nên cũng quyết chiến tiến vào Kinh thành. Tuy nhiên dù giao chiến đã lâu nhưng quân nhà Mạc vẫn giữ vững các phòng tuyến dẫn vào Kinh thành.

Trịnh Kiểm thấy lực lượng nhà Mạc còn nhiều, lòng dân vẫn hướng về nhà Mạc, nhất là từ sau giai đoạn 10 năm thịnh trị thời Mạc Thái Tông. Cho rằng thời cơ lớn chưa đến, Trịnh Kiểm đành ngậm ngùi cùng Lê Bá Ly rút về Thanh Hóa. Ở phía bắc quân của Vũ Văn Mật bị chặn đứng cũng rút về Tuyên Quang. Thấy quân Nam triều rút, Mạc Kính Điển chia quân lấy lại các vùng đã mất.

Mời gọi Nguyễn Quyện

Lúc này từ Ninh Bình ra bắc là thuộc nhà Mạc, từ Thanh Hoá vào nam là Nam triều nhà Lê. Nhận thấy Nam triều ngày càng mạnh, để lâu sẽ mang đến tai họa, Mạc Kính Điển nhiều lần cho quân nam tiến, dù không diệt được nhà Lê nhưng những cuộc chiến khiến nhà Lê không yên ổn phát triển.

Nhà Lê ở Nam triều từ khi có Lê Bá Ly cùng cha con Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện theo về thì rất mạnh.

Năm 1557, cả Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến đều mất vì tuổi cao. Mạc Tuyên Tông thấy con của Nguyễn Thiến và cũng là con rể của Lê Bá Ly là Nguyễn Quyện rất có tài, lập nhiều chiến công khi đối đầu quân Mạc nên muốn tìm cách kéo Nguyễn Quyện theo về nhà Mạc như xưa.

Biết Nguyễn Quyện là học trò Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Tuyên Tông nhờ Trạng Trình giúp đỡ. Trạng Trình hẹn gặp và nói chuyện với anh em Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn. Sau đó hai anh em quay lại theo nhà Mạc.

Thấy anh em Nguyễn Quyện theo về với mình, Mạc Kính Điển rất vui mừng. Ông gả luôn hai con gái của mình cho anh em Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn. Từ đó Nguyễn Quyện trung thành với nhà Mạc đến tận cuối đời.

Tháng 9 năm 1557, Trịnh Kiểm thống lĩnh 5 vạn quân tiến đánh nhà Mạc. Quân Nam triều thắng lớn rồi tiến thẳng đến Sơn Nam. Nguyễn Quyện nhận lệnh chặn quân Nam triều, cuộc chiến diễn ra ở sông Giao Thủy. Quân Nam triều bị đánh bại, tướng sĩ phải nhảy xuống sông, bỏ thuyền lên bờ tháo chạy.

Mạc Kính Điển đưa quân chặn đường về của quân Nam triều khiến quân Nam triều thảm bại, vài chục chiến tướng tử trận/ Trịnh Kiểm rút về đến nơi thì chỉ còn lại non nửa quân số.

Tài cầm quân giúp nhà Mạc vượt qua phong ba bão táp

Tháng 9/1559, Trịnh Kiểm cho tinh binh trấn giữ các vùng biển trọng yếu, còn mình xuất 6 vạn đại quân quyết diệt nhà Mạc. Biết phía nam nhà Mạc có tuyến phòng thủ chặt chẽ, Trịnh Kiểm tiến quân ra Sơn Tây. Quân chúa Bầu cũng đánh hội với quân Nam triều, nhờ chúa Bầu giúp đỡ mà quân Nam triều có nguồn lương thảo dồi dào có thể đánh lâu dài. Quân hai bên vượt sông đánh chiếm Lạng Sơn, Kinh Bắc.

Cuối năm 1559, đầu năm 1560, Trịnh Kiểm cho quân tiến đánh Khoái Châu, Hồng Châu, các huyện Siêu Loại, Văn Giang, Nam Sách, Tiên Hưng và đều giành thắng lợi.

Mạc Kính Điển đốc thúc quân chặn các tuyến đường vào Kinh thành Thăng Long, quân Nam triều tấn công nhưng không sao phá được. Trịnh Kiểm liền cho quân đánh phá các vùng Đông Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, An Dương. Quân Nam triều đã chiếm được vùng đất phía bắc sông Hồng.

Quân Nam triều cố đánh vào Thăng Long nhưng bị Mạc Kính Điển cho quân phòng thủ chặn lại. Dù Trịnh Kiểm đánh mãi đến sang năm 1561 nhưng quân Nam triều vẫn không sao tiến được. Trịnh Kiểm đành cho quân tiếp tục đánh chiếm các vùng đất phía đông.

Nhận thấy quân Nam triều tấn công phía bắc. Tháng 3/1561, Mạc Kính Điển cho quân tiến thẳng vào Nam triều, tấn công Thanh Hoá, khiến quân Nam triều ở đây bị đánh bại phải bỏ chạy.

Trịnh Kiểm nghe tin Thanh Hóa bị đánh thì vội rút quân trở về, Mạc Kính Điển cũng cho quân rút về.

Với cuộc tấn công vào Nam triều, Mạc Kính khiến quân nhà Lê đang ở thế chủ động tấn công phải lo rút trở về phòng thủ, nhờ đó mà giải nguy cho Kinh thành Thăng Long.


(Còn nữa)


Trần Hưng


Mơi xem video:

Chia sẻ Facebook