Mặc khải về những bài học từ các đại dịch trong lịch sử nhân loại

Chia sẻ Facebook
07/07/2023 08:25:06

Những người sống sót trong đại dịch quá khứ đã ra đi, nhưng chua chát làm sao, bài học không ở lại, hay nói đúng hơn là bị quên lãng...


Nhìn về thế giới ngày hôm nay với đầy những vấn nạn, hỗn loạn và nguy cơ ngoài tầm kiểm soát, nhân loại đã trở thành nạn nhân của những tham vọng mù quáng từ chính chúng ta. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán chỉ là một giọt nước tràn ly, ở đâu đó, những người còn chút lương tri vẫn đang nhắc tới những điều mang tính chất lâu dài hơn: các cuộc chiến tranh dai dẳng, thảm họa ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt nguồn tài nguyên, v.v.. Thế hệ này của thế giới chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì giống như đại dịch hiện tại. Những người sống sót trong đại dịch quá khứ đã ra đi, nhưng chua chát làm sao, bài học không ở lại, hay nói đúng hơn là bị quên lãng.


Lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy rằng con người chỉ bắt đầu nhận ra nhiều điều trong thời khắc khổ đau nhất sau khi đâm đầu vào bụi rậm, chứ không chịu tiếp nhận con đường mà những thế hệ đi trước đã dùng sinh mệnh để quét rửa. Chẳng phải nhân loại đã từng có nhiều bài học trong đại dịch sao? Đại dịch cúm 1918 , Cái chết đen (1331-1353), Dịch hạch Justinian (541-750 SCN)… Chúng ta có quá nhiều dữ kiện để mà chiêm nghiệm, để mà mặc khải ra, vậy nhưng nhân loại mãi vẫn chưa học được bài học về bổn phận và trách nhiệm của một sinh mệnh trong thế gian rộng lớn này.

Bức “Plague in an Ancient City”, mô tả cảnh dịch bệnh xảy ra tại một thành phố cổ đại, 1652-1654, họa sĩ Michiel Sweerts. (Public Domain)

Kiếp nạn không dừng lại ở làn sóng thứ nhất

Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta đã nghe tới truyền thuyết về hành trình người Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập và tìm về miền đất Hứa. Mà nổi bật trong câu chuyện này chính là 10 đại kiếp nạn giáng xuống Ai Cập vì Pharaoh của họ đã không chấp nhận lời thỉnh cầu giải thoát cho người Do Thái của Moses. Những kiếp nạn này không cùng lúc xảy ra, mà là nối tiếp nhau đến, trước sự cố chấp của người Ai Cập.


Moses đã cố gắng thuyết phục Pharaoh bằng nhiều phép lạ, như biến cây gậy ông cầm thành rắn, biến dòng sông Nile thành biển máu, và diệt trừ nạn ếch nhái đang hoành hành tại Ai Cập. Tuy nhiên, Pharaoh vẫn kiên quyết không thay đổi ý định của mình. Cũng chính vì thế, thảm họa lần lượt xảy ra: dịch muỗi, ruồi mòng, châu chấu, dịch lệ tiêu diệt hết súc vật, dịch ghẻ, mưa đá, sấm sét, v.v.. Cuối cùng, chỉ sau khi tai nạn thứ 10 ập đến với lời răn nặng nề: “Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ai Cập đều chết, từ thái tử của Pharaoh ngồi trên ngai, cho đến con cả của người tôi đòi ở sau cối xay,” Pharaoh mới đồng ý nhượng bộ cho người Do Thái được tự do theo bước Moses.

Trong lịch sử Ai Cập, vị Pharaon kế vị khoảng 1.200 năm TCN xác thực không phải là con trai trưởng. Một số tài liệu khảo cổ học cho thấy, thời Ai Cập cổ đại đã xảy ra rất nhiều kiếp nạn tự nhiên ứng với miêu tả trong Kinh Do Thái.

Kiếp nạn sẽ không dừng lại ở làn sóng thứ nhất. Ngay cả các đại dịch trong lịch sử cũng là như vậy. Đậu mùa, thương hàn, dịch hạch, v.v.. đã từng lan tràn trên thế giới, cướp đi hàng chục triệu, hàng trăm triệu sinh mạng. Chúng không xảy ra một lần, mà xảy ra trong một thời gian dài, theo nhiều chu kỳ khác nhau. Thậm chí đến ngày nay, một số vẫn cướp đi cuộc sống của hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người mỗi năm.

Bởi vậy, chúng ta không nên hy vọng rằng đại dịch hay kiếp nạn sẽ qua khi con người chưa học được bài học mà Thiên Thượng muốn gửi gắm. Cũng như Pharaoh Ai Cập cố chấp xưa kia, nghĩ rằng thiên tai sẽ không thể khiến ông ta sụp đổ.

Vài suy nghĩ về nhân quả


Mọi chuyện ắt phải có nhân quả. Người Do Thái bị người Ai Cập nô dịch, đàn áp suốt 400 năm. Pharaoh từng hạ lệnh giết chết toàn bộ những bé trai người Do Thái mới sinh. Vậy nên khi Thiên Chúa phán bảo Moses từ bụi gai đang bốc cháy, đã dự báo rằng kết cục của người Ai Cập là “con trai trưởng (niềm tự hào lớn nhất của người Ai Cập bấy giờ) bị giết chết”.


Kỳ thực rất nhiều kiếp nạn, rất nhiều đại dịch trong lịch sử nhân loại đều là có nhân quả, từ mức độ nhỏ đến mức độ lớn. Mức độ nhỏ, giới hạn thì có rất nhiều, chẳng hạn loạn luân thì con cái bị dị dạng; HIV-AIDS, giang mai… là nhắm vào chuyện con người phóng túng tình dục, “giải phóng” tình dục; v.v.. Bệnh tật đều là có lý do của nó.


Trong lịch sử đế quốc La Mã, việc đàn áp tín đồ Cơ Đốc đã song hành cùng các đại dịch Antonine (165 SCN) và Cyprian (249 SCN), những điều này cũng được ghi chép lại trong sử sách.

Năm 64 sau CN, Nero đốt thành La Mã và đổ tội cho tín đồ Cơ Đốc, đây là lần đàn áp tín đồ Cơ Đốc đầu tiên trong lịch sử đế quốc La Mã. Sau Nero, còn có nhiều hoàng đế khác đàn áp tín đồ Cơ Đốc, từ năm 64 sau CN đến đầu thế kỷ thứ 4, tổng cộng đã xảy ra hơn mười lần đàn áp như thế. Hình phạt khủng khiếp dành cho các tín đồ có thể kể đến như: đóng đinh vào giá chữ thập, khoác da thú để ác thú cắn chết, đóng đinh họ vào cột làm đuốc dần dần thiêu chết… Các tín đồ Cơ Đốc hoặc là lựa chọn hối lỗi, hoặc lựa chọn cái chết. Rất nhiều tín đồ không từ bỏ đức tin bị giết. Nhưng cũng trong quá trình này, đế quốc La Mã bắt đầu liên tiếp phải chịu hậu quả từ thiên tai và dịch bệnh, tình hình kinh tế không ngừng xấu đi, đi đến bước đường suy vong.

Bức “Nero’s torches”, mô tả cảnh tín đồ Cơ Đốc bị treo lên làm “đuốc thịt” mua vui cho vua quan La Mã, 1876, họa sĩ Henryk Siemiradski. (Public Domain)

Còn có người hỏi, vậy vì sao không chỉ những cá nhân ra lệnh và thi hành đàn áp, mà cả những người dân thường cũng phải chịu cảnh báo ứng?

Khi những tín đồ Cơ Đốc bị đem ra làm thú vui trong đấu trường, thì ai là những người cổ vũ và hứng khởi trên ghế khán giả? Khi những tín đồ Cơ Đốc bị lùng bắt và bị giết vô đạo, thì có ai dám đứng ra nói lời ngay chính thay cho họ? Thờ ơ trước cái ác và bán đứng lương tri liệu có phải là một điều không kém phần tàn ác?


Những tín đồ Cơ Đốc đã bất chấp hiểm nguy, tiếp tục truyền dạy giáo lý Cơ Đốc trong sự đàn áp, làm dấu thánh cứu người trong đại dịch, kêu gọi người dân La Mã thức tỉnh. Họ để lại rất nhiều câu chuyện đẹp , nhưng hầu hết trong số họ đều là các vị Thánh “tử vì đạo”, bị bức hại đến chết. Trong quá trình đó, biết bao nhiêu người dân La Mã có thể đứng ở phía chính diện đây?

Tương tự như vậy, trong sự kiện ở Ai Cập, mỗi một mệnh lệnh tàn bạo của kẻ cầm quyền, bao gồm việc nô dịch người Do Thái, giết hại con trai trưởng của người Do Thái, đều do toàn bộ người dân Ai Cập thực thi triệt để nên mới trở thành tội ác. Từ linh mục, quan viên cho tới thường dân tại Ai Cập, từ người có quyền có thế tới kể bần tiện nghèo hèn, từ trên xuống dưới, không một người Ai Cập nào không phục tùng quyền lực của Pharaoh dưới danh nghĩa tận hết chức trách và lòng trung thành. Dẫu không tham gia hành ác, nhưng họ cũng có những ngôn từ hoặc tư tưởng phụ họa, hoặc là thờ ơ. Họ không những không cảm thấy xấu hổ vì đã nô dịch người Do Thái, mà còn cười nhạo Moses, phỉ báng Thiên Chúa.

Bức “Seventh Plague of Egypt” mô tả cảnh thảm họa thứ 7 giáng xuống người Ai Cập, 1823, họa sĩ John Martin. (Public Domain)

Moses đã dạy tất cả cách bôi máu dê lên xà ngang, khung cửa, nhưng đa số người Ai Cập lại chế giễu, châm chọc điều này. Tại cùng một quốc gia, hai nơi liền kề nhau, dẫu là nạn ếch nhái, rận rệp, hay ruồi nhặng, đều không truyền nhiễm cho người Do Thái. Khi khắp mặt đất tối đen như mực, duy nhất chỉ có nhà người Do Thái có ánh sáng. Khi gặp mưa đá, ôn dịch, gia đình người Do Thái đến một cái móng ngựa cũng không hao tổn. Con đầu của toàn bộ người Ai Cập và gia súc đều bị giết, nhưng gia đình người Do Thái cả người và vật đều bình yên.

Nhưng rốt cuộc, sự cố chấp cố hữu, định kiến của con người đã khiến họ bỏ qua hết cơ hội này đến cơ hội khác.


Nhìn vào một thời kỳ lịch sử còn dài hơn, chúng ta lại tiếp tục thấy được bánh xe nhân quả. Báo ứng có hiện báo, sinh báo và hậu báo. Các đại dịch Antonine (165 SCN), Cyprian (249 SCN) có thể nói là ứng vào hiện báo và sinh báo. Còn hậu báo như Justinian (541 SCN) lại là trầm trọng mà khó nhận biết nhất. Nhưng không phải là không thể. Phần đế quốc La Mã (đế quốc Byzantine) mà Constantine Đại Đế (272-337 SCN) sùng đạo đặt định cơ sở tại Byzantium thì trường tồn thêm 1000 năm, trong khi phần đế quốc còn lại thì đoản mệnh.

Vì sao lại có hậu báo ư? Người già phương Đông vẫn có câu rằng: Tổ tiên làm, con cháu chịu. Đó là bởi vì sự luân hồi của một cá nhân, sinh mệnh dài đằng đẵng đó, là không dứt. Nhà Phật vẫn giảng về luân hồi, nhưng con người luân hồi thì đi đâu? Chính là ở trên mảnh đất ấy thôi, ở trong nền văn minh ấy thôi. Tổ tiên làm, con cháu chịu, đồng thời cũng chính là mình làm, mình chịu.

Bức “The Plague of Ashdod”, mô tả cảnh dịch bệnh tại một thành phố cổ đại, 1628-1630, họa sĩ Nicolas Poussin. (Public Domain)

Nói đến chuyện hậu báo và đàn áp Cơ Đốc này, người Do Thái chẳng phải cũng vì giết Chúa Jesus mà tha hương, chịu đủ loại cay đắng khốc liệt, có lúc phải đối mặt với họa diệt chủng, rốt cuộc mong mỏi bao nhiêu năm để chờ ngày Israel phục quốc tại Jerusalem đó sao?


Nhà sử học John ( John of Ephesus : 507-588) trong quá trình ghi chép về cảnh tượng thảm khốc “xác chết rải rác”, “thi thể chất đầy bờ biển, giống như những thứ trôi nổi trên sông trôi theo dòng ra biển lớn” mà ông chứng kiến tại Constantinople trong đại dịch Justinian (541-542 SCN) đã mặc khải thế này:

“Khi một kẻ bất hạnh là tôi đây muốn ghi chép lại những sự kiện này vào tài liệu lịch sử, có rất nhiều lần dòng tư duy của tôi bị tê liệt. Hơn nữa, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, tôi muốn quên đi tất cả: bởi vì đây xem như là tất cả những lời tôi muốn nói, cũng là những lời khó mà kể được; ngoài ra, còn bởi vì khi cả thế giới đều quay cuồng, đi đến bước đổ sập, khi mà thời gian sinh tồn của một thế hệ người đang bị rút dần đi, xem như là có thể ghi chép lại một phần nhỏ những sự kiện này, thì có tác dụng gì chứ? Còn người ghi tại tất cả mọi thứ thì là đang ghi chép lại cho ai đây?”

“Thế nhưng, tôi lại nghĩ, dùng ngòi bút của tôi, để thế hệ sau của chúng tôi biết được một phần nhỏ trong vô số những sự kiện mà Thượng Đế trừng phạt chúng tôi, thì hẳn là không sai đâu. Có lẽ trong những năm tháng còn lại của thế giới sau chúng tôi, thế hệ sau sẽ cảm thấy kinh hoàng và hoảng sợ với tai họa đáng sợ mà chúng tôi phải chịu do tội của chính chúng tôi, đồng thời có thể trở nên sáng suốt hơn vì sự trừng phạt mà những kẻ bất hạnh như chúng tôi phải chịu, từ đó có thể cứu được chính họ khỏi sự phẫn nộ của Thượng Đế cũng như tương lai đau khổ của họ.”

Chỉ tiếc là hậu thế không hiểu được nỗi khổ tâm ấy…

Sự kỳ lạ của đại dịch và bài học gửi tương lai

Cũng có khá nhiều việc kỳ lạ diễn ra trong dịch bệnh. Như nhà sử học John đã viết về đại dịch ở La Mã:

“Có khi người ta đang nói chuyện với nhau thì đột nhiên bắt đầu run lên rồi ngã xuống đường hoặc trong nhà. Khi một người đang làm đồ thủ công, có thể anh ta sẽ ngã lăn sang bên cạnh và chết.”

“Có người ra chợ mua ít nhu yếu phẩm, khi đang đứng đó nói chuyện hoặc trả giá, cái chết sẽ đến với cả người mua và người bán một cách rất đột ngột, hàng hóa và tiền vẫn nằm đó nhưng không còn ai nhặt lên nữa.”

“Có người đã thoát ly nơi thành phố bị nhiễm bệnh, hơn nữa bản thân họ còn rất khỏe mạnh nhưng chính họ lại truyền bệnh cho những người không bị nhiễm bệnh. Cũng có một số người thậm chí là sống giữa những người bệnh, không chỉ ở cùng với người bệnh mà còn tiếp xúc với những người đã chết nhưng họ hoàn toàn không bị lây nhiễm.”

“Cũng có người vì mất đi con cái và người thân nên chủ động muốn chết theo, hơn nữa họ còn gần gũi hơn với người bệnh để mong cho chết mau hơn, nhưng dường như căn bệnh lại từ chối ý muốn đó, dù cho họ có làm cách nào thì vẫn cứ khỏe mạnh như trước.”

Những mô tả này, dù nguyên nhân khoa học đằng sau là gì đi nữa, chẳng phải vừa khớp với những gì chúng ta đã và đang chứng kiến trong kiếp nạn của chính chúng ta hay sao?


Lịch sử lặp lại, con người ngày nay cũng có bao nhiêu người hy vọng giống như John, “có thể trở nên sáng suốt hơn vì sự trừng phạt mà những kẻ bất hạnh như chúng ta phải chịu” , từ đó có thể cứu được chính họ khỏi sự phẫn nộ của Thượng Đế cũng như tương lai đau khổ? Và có bao nhiêu người biết rằng Thượng Đế đã luôn cảnh báo chúng ta?

Nhìn lại thế giới ngày nay, không ít người vì kiên định với tín ngưỡng của bản thân mà đang bị đàn áp mạnh mẽ, bị bắt nhốt vào trại giam và trại giáo dưỡng chịu tra tấn, có rất nhiều người bị giết, và có vô số người bị ép phải bỏ nhà đi… Cũng có không ít người trẻ tuổi kiên định niềm tin vào tự do và lẽ phải mà bị đàn áp. Nếu như thật sự có sự tồn tại của Thần linh, vậy thì các Thần trên trời kia liệu có thể khoan dung được hành vi trái lẽ trời này? Nhân loại đã để cho những sự việc này xảy ra, thờ ơ với chúng. Điều các quốc gia trên thế giới làm nhiều nhất chỉ là lên án bằng miệng, chỉ vậy mà thôi! Vậy thì nhân loại cần phải thực sự tỉnh lại và lên tiếng, và hành động. Dịch bệnh ở đâu đều là sự cảnh tỉnh đối người con người, nếu như con người còn không tỉnh ngộ thì cảnh tượng tàn khốc năm đó ở đế quốc La Mã rất có khả năng sẽ lại xảy ra.


“Trời không tuyệt đường của con người” , Trời vẫn rất thương xót con người, vẫn còn đang đợi con người tỉnh ngộ, nhưng thời gian còn bao lâu? Cũng giống như 10 lần kiếp nạn tại Ai Cập, con người chúng ta tuyệt đối đừng đợi đến khi tai họa thật sự giáng xuống thì mới thức tỉnh, khi đó thì mọi thứ đều đã quá muộn màng.


Nhìn rõ con đường dịch bệnh lan ra trên toàn cầu, hãy chiêm nghiệm. Trái đất đang thanh lọc, đại dịch đang thanh lý và làm lộ rõ tất cả những thứ phản Thần đang ẩn nấp bí mật xung quanh chúng ta, từ chính trị tới thương nghiệp, từ khoa học tới văn hóa, từ bộ óc tới tâm hồn của chúng ta. Phía đối lập với Thần chính là thứ học thuyết Vô thần không cho phép con người tin vào Thần. Có bao nhiêu người trong chúng ta, vì tìm kiếm lợi ích và hư vinh, đã lấy lòng thể chế Vô Thần Luận kia, khiến nó có quyền lực rộng khắp trên thế giới? Có bao nhiêu người từng làm những việc bất chính, hòa hoãn với ma quỷ? Thuyết Vô Thần, tôn giáo nhà nước, và chế độ độc tài gây ra bao thảm họa tín ngưỡng kia là nguyên nhân căn bản gây hiểm họa diệt vong cho chúng ta. Không ít tờ báo , không ít chính trị gia , không ít tín đồ đều đang nói: nó là hiểm họa của nhân loại. Dù nguyên nhân họ nói như vậy là gì đi nữa, thì cũng có một lý do cốt lõi: nó khiến chúng ta bị ngăn cách với ân điển của Thần.

Chỉ có giã từ sự vô minh và sám hối, nhìn lại, đối diện, sửa chữa và trừng phạt những sự việc phản nhân loại, vô nhân tính, vô thần, thì mới có thể đắc cứu. Phương pháp rất đơn giản, ân điển là vô lượng, nhưng chỉ có thể giúp được những người có lòng tin. Thực tâm hối cải, Thần sẽ biết, bởi lẽ Thiên Thượng đang chờ đợi sự hối lỗi của con người.


Minh Nhật

Chia sẻ Facebook