Mắc kẹt trong ổ buôn người

Chia sẻ Facebook
01/08/2023 12:34:30

Bà Mechelle Moore - điều hành tổ chức chống buôn người Global Almes có trụ sở chính tại Myanmar, cho biết tổ chức của mình đã hỗ trợ hơn 450 trường hợp là nạn nhân buôn người, trong đó khoảng 90% tìm đến cơ quan kiểm soát di trú để được về nhà càng sớm càng tốt.

Nạn nhân của nạn buôn người bị các băng nhóm lừa đảo dụ dỗ với những hứa hẹn về công việc có lương cao trong sòng bạc. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, rất ít trường hợp nộp đơn trình báo chính thức rằng họ là nạn nhân buôn người. 'Có rất nhiều vụ án không được ghi nhận. Chúng ta không thể hình dung vấn nạn này có quy mô lớn đến mức nào' - bà Moore nói.

Thời gian qua, bẫy “việc nhẹ lương cao” ở một số nước Đông Nam Á và châu Á nói chung đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Những lời chào mời hấp dẫn trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác đã đánh trúng tâm lý của nhiều lao động. Bà M.Sabino - người phát ngôn của nhóm phòng chống tội phạm mạng thuộc Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines cho biết, hầu hết các nạn nhân khi đến nơi làm việc sẽ buộc phải học quy trình để thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng. Họ phải trò chuyện với những người nước ngoài về cơ hội kinh doanh, thậm chí thiết lập các mối tình online.

Lao động phải làm việc 14 giờ mỗi ngày. Làm nhiều giờ nhưng lao động được nhận với mức lương thấp và bị cấm rời khỏi khu nhà, thậm chí không được phép nói chuyện với người cùng phòng. Nhiều người cho biết cố gắng thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị bắt phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác.

Tháng 6 vừa qua, Cảnh sát Philippines đã tổ chức một cuộc đột kích lớn, giải cứu hơn 2.700 lao động từ 18 quốc gia, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Indonesia cũng giải cứu gần 2.000 nạn nhân của các vụ buôn bán người. Tuy nhiên các quan chức Indonesia cảnh báo đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi ngày càng có nhiều người trở thành con mồi của bẫy “việc nhẹ, lương cao”.

Cơ quan bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia (BP2MI) cho biết, trong số các nạn nhân có 65,5% là lao động nhập cư; 26,5% bị ép làm mại dâm; 6,6% dưới độ tuổi lao động và hầu hết bị ép buộc làm các công việc bất hợp pháp. Nhiều người còn bị ép phải bán nội tạng.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở thị trấn Labuan Bajo vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước ASEAN đưa ra hành động trừng phạt thích đáng nhằm vào những kẻ phạm tội. Lãnh đạo các nước ASEAN cũng đã ra tuyên bố về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ. Tài liệu dài 4 trang kêu gọi khu vực xác định và giải quyết các lỗ hổng trong khung pháp lý và hệ thống, bao gồm cả vấn đề di cư và quản lý biên giới. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh cần phản ứng và hỗ trợ ngay lập tức cho các nạn nhân và phối hợp đẩy mạnh các nỗ lực chống lại tội phạm buôn bán người.

Surachate Hakparn - một quan chức cảnh sát Thái Lan cho rằng, buôn người đã trở thành vấn nạn. Các sòng bạc hoạt động ở các khu vực biên giới và đặc khu kinh tế xuất hiện nhiều ổ buôn bán người. Trong khi đó, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã cảnh báo về khủng hoảng buôn người toàn cầu quy mô lớn, liên quan đến lừa đảo việc làm.

Theo đó, nạn nhân thường bị dụ dỗ bởi các quảng cáo việc làm đơn giản, nhẹ nhàng với mức lương cao. Sau khi sập bẫy, họ bị bắt cóc và buộc phải thực hiện hàng loạt những hành vi phạm pháp của giới tội phạm. Để giải quyết mối đe dọa này, Interpol kêu gọi trao đổi thông tin tình báo nhiều hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tình báo tài chính và các công ty thuộc khu vực tư nhân có liên quan để hỗ trợ giải cứu các nạn nhân và phá bỏ các hoạt động rửa tiền tạo điều kiện cho hình thức phạm tội này.

“Chúng ta không thể để các ổ tội phạm mọc lên và hoành hành. Cũng không thể để người lao động bị lừa gạt phải sống khổ sở trong những ổ buôn người và bị ép buộc tham gia những hoạt động phi pháp rồi chính họ cũng trở thành tội phạm” - đại diện Interpol nói.

Chia sẻ Facebook