Mắc Covid-19 xong tắt kinh,lãnh cảm chuyện ấy, cô gái trẻ tìm đủ cớ trốn chồng

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 22:28:25

Chồng mắc Covid-19 phải cách ly 1 tuần, tuần tiếp theo đến lượt Trang phải cách ly. Hai tuần mới được “giao ban”, chồng thì hừng hực khí thế nhưng vợ lại đơ như khúc gỗ.

Theo BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) -  Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và đời sống tình dục của các cặp đôi. Trên toàn thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dịch bệnh ảnh hưởng tới đời sống tình dục của cả nam và nữ.

Đối với nữ giới, BS Phan Chí Thành cho biết dịch Covid-19 gây rối loạn chức năng tình dục của nữ giới.

"May mắn hơn nam giới, chưa có các bằng chứng Covid-19 gây tổn thương tại buồng trứng ở phụ nữ. Đã có nghiên cứu tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm trên bệnh nhân nữ mắc Covid-19 cũng cho kết quả tích cực”, BS Phan Chí Thành thông tin.

Ảnh minh hoạ

Đồng tình với quan điểm này, BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về rối loạn kinh nguyệt đối với phụ nữ sau khi mắc Covid-19.

Theo đó các nghiên cứu nhiều nhất tập trung vào nam giới, ảnh hưởng đến tinh trùng, gây viêm tinh hoàn, ảnh hưởng testoterol sau khi các quý ông mắc Covid-19 còn đối với chị em thì chưa có nghiên cứu nhiều.

“Các nghiên cứu nhỏ lẻ này cũng cho thấy không phát hiện nhiều thay đổi  ở buồng trứng nhưng có ảnh hưởng đến bánh rau. Dó đó, với những phụ nữ đang mang thai ở những tuần thai nhỏ thì có ảnh hưởng, gây ra nguy cơ sảy thai, thai lưu. Khuyến cáo, nếu mắc Covid-19 hoặc tiêm vắc xin thì phải chờ 3- 6 tháng sau mới thụ thai”, BS Kim Dung cho hay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia sản phụ khoa với thâm niên hơn 40 năm gắn bó với ngành sản khoa cho hay, Covid-19 có ảnh hưởng đến đời sống tình dục của chị em. Nhiều chị em sau khi mắc Covid- 19 sức khoẻ xuống dốc (tình trạng mất ngủ, mệt mỏi kéo dài) khiến họ cũng không còn thiết tha với “chuyện ấy”.

Đó là Trang, cô gái mới cưới chồng chưa đầy 3 tháng. Những ngày Hà Nội đỉnh dịch, cô cũng như bao người trở thành 2 vạch sau quá trình dài cẩn trọng phòng dịch.

“Vợ chồng em đang lên kế hoạch sinh em bé nên cả hai đều rất cẩn trọng phòng dịch nhưng cuối cùng thì lần lượt chồng bị trước. Sau khi chồng âm thì đến lượt em lại dương”, Trang than phiền.

Điều cô gái trẻ này băn khoăn nhất đó là bị rối loạn nội tiết tố. Trước đây khi tiêm xong 3 mũi vắc xin, cô đã bị chậm kinh 2 tháng. Đến giờ, cô lại rơi vào tình trạng rất khó để giãi bày với chồng.

“Chồng em sau 1 tuần bị cách ly thì có vẻ như đã ổn. Sau đó lại phải “nhịn” thêm 1 tuần do em ốm, mệt và cách ly. Cuối cùng thì sau 2 tuần, hai vợ chồng cũng được ngủ chung. Nhưng trái với sự nồng nàn, vắt kiệt sức nhau trong hạnh phúc như hồi mới cưới thì giờ đây em không còn ham muốn gì cả.

Em chỉ thèm ngủ, dù chồng có cố gắng khởi động cỡ nào… em cũng cứ đơ ra như khúc gỗ. Chồng em vốn người hay ghen, trước khi đến với chồng em cũng từng có người yêu đã tính đến chuyện cưới.

Vì thế, sợ chồng buồn lại nghi ngờ em nhớ người cũ thành ra em cứ phải “giả vờ” để chiều chồng. Nhưng  không thể vì người cứ đơ ra, khô hạn… khiến chồng hì hục, vần vò chán chê mà đành… bất lực.

Hiện giờ em đang viện lý do vừa ốm dậy nên vẫn chưa lại sức nhưng em rất lo. Nếu tình trạng này kéo dài thì chồng có thông cảm hay không?”, Trang lo âu.

Theo BS Phan Chí Thành, hiện nay các bằng chứng rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới thường liên quan đến căng thẳng xã hội, dịch bệnh, mất việc làm, stress… đôi khi làm họ có cảm giác không có lối thoát.

“Riêng stress, căng thẳng kéo dài khiến phụ nữ giảm ham muốn nên không còn cảm xúc khi gần gũi chồng. Một bệnh nhân từng chia sẻ với tôi rằng sau khi khỏi Covid-19, những lúc gần chồng là để cho chồng vui, chứ họ không có cảm xúc gì", bác sĩ Thành nói.

Bác sĩ Thành lý giải thêm, stress, căng thẳng "triệt tiêu" ham muốn tình dục ở cả nam và nữ. Nghiêm trọng hơn, khi một trong hai người suy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ, giảm chất lượng giao hợp thì sẽ ảnh hưởng đến người còn lại, khiến người kia cũng khó tìm được ham muốn và đạt cực khoái như mong đợi.  Nếu tình trạng này kéo dài, lâu dần sẽ tạo ra khoảng cách và đe dọa hạnh phúc gia đình.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo chị em chẳng may rơi vào tình cảnh này thì cần hồi phục lại sức khoẻ. Điều đầu tiên đó là phải giảm được các triệu chứng hậu Covid-19, giải phóng được những lo âu, mất ngủ... chỉ khi tâm lý thoải mái, thể trạng tốt nhất thì chị em mới có thể thăng hoa trong chuyện yêu.

Để làm được điều này, các quý ông cũng là một trong những "thầy thuốc" tốt nhất hỗ trợ, an ủi, chia sẻ với chị em. Đừng vì những ích kỷ cá nhân mà "đá thúng, đụng nia", khi không được thoả mãn nhu cầu tình dục. Điều ấy chỉ làm vợ thêm áp lực khiến khoảng cách giữa hai người càng trở nên cách xa.


H. Phong

Chia sẻ Facebook