Mặc cho sức mua giảm, Digiworld vẫn đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu

Chia sẻ Facebook
19/02/2023 17:14:14

Năm 2023, ban lãnh đạo Digiworld kỳ vọng yếu tố vĩ mô sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay, theo đó mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ được hoàn thành.

Mới đây, Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld – mã chứng khoán: DGW) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 25.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 14% và 15% so với thực hiện năm 2022.

Đồng thời, trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo của Digiworld, với các chuyên viên phân tích về triển vọng kinh doanh năm 2023 nói chung và quý I/2023 nói riêng, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết ban lãnh đạo công ty đều kỳ vọng yếu tố vĩ mô sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay.

Bên cạnh đó, doanh thu toàn thị trường di động đi ngang, chủ yếu bởi giá bán bình quân gia tăng nhờ xu hướng cao cấp hóa của sản phẩm. Doanh nghiệp kỳ vọng doanh số sản phẩm Xiaomi đi ngang, trong khi đó, doanh số sản phẩm Apple sẽ gia tăng.

Mục tiêu kết quả kinh doanh của Digiworld (Nguồn: DGW, BVSC).

Riêng quý I/2023, DWG đặt mục tiêu giảm nhẹ hơn so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế còn 130 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 38% từ mức nền cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo BVSC, mục tiêu doanh thu này cho thấy niềm tin người tiêu dùng vẫn còn yếu, trong khi biên lợi nhuận ròng giả định đạt 3,25% trong quý I/2023 so với 3,01% trong quý I/2022, được hỗ trợ bởi cơ cấu bán hàng cải thiện.

Digiworld hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực buôn bán và sản xuất thiết bị, linh kiện, phần mềm công nghệ thông tin. Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, DGW đã được 30 thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới lựa chọn là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường và phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam.

Hai lĩnh vực chủ chốt của công ty là phân phối các lại máy tính bảng và máy tính xách tay thương hiệu HP, Dell, Asus… (chiếm tỉ lệ 35% doanh thu) và phân phối điện thoại di động thương hiệu Xiaomi, iPhone (chiếm tỉ lệ 35% doanh thu). Hiện nay, công ty có hệ thống 16.000 đại lý phân phối trên toàn quốc.

Về bức tranh tài chính, tại quý IV/2022, DWG ghi nhận doanh thu đạt 4.075 tỷ đồng, giảm tới gần 50% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn đã giảm từ 7 tỷ đồng của năm ngoái xuống 3 tỷ đồng trong quý IV năm nay, nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn giảm 23% còn 469 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Digiworld gần như đi ngang nhưng chi phí tài chính tăng gấp 3,4 lần, lên 74 tỷ đồng. Chi phí quản lý giảm không đáng kể, quanh quẩn 40 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 5% lên đến 223 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Digiworld chỉ đạt 156 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, sau thời gian bùng nổ nhu cầu xu hướng học tập và làm việc tại nhà, lượng cầu mảng mảng máy tính xách tay và máy tính bảng bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Trong đó, mảng điện thoại di động giảm 50% và mảng thiết bị văn phòng giảm 15% so với quý IV/2021.

Luỹ kế cả năm 2022, Digiworld ghi nhận 22.059 tỷ đồng doanh thu và 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty mới hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 86% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong đó, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đã mang về 7.027 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022, hoàn thành 72% kế hoạch đề ra. Riêng bán điện thoại di động, doanh số trong năm của công ty này cũng lên đến 10.759 tỷ đồng, tăng 9% so với kết quả 2021 và cũng là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho Digiworld.

Còn lại là ngành hàng thiết bị văn phòng, thiết bị gia dụng và ngành hàng tiêu dùng thu nhập kém hơn, lần lượt thu về 3.876 tỷ đồng và 397 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 36% và 5,6% so với doanh số năm 2021.

Diễn biến cổ phiếu DWG trong vòng 1 năm qua (Nguồn: TradingView).

Công ty cũng đưa ra dự báo, tình hình chung của thị trường với nhiều khó khăn và sẽ còn tiếp diễn đến ít nhất giữa năm 2023 nên người tiêu dùng vẫn sẽ có xu hướng thắt chặt tiêu dùng, nguồn cầu với các mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, máy tính bảng, laptop có thể đi xuống đáng kể.

Thêm vào đó, năm 2023 vẫn sẽ còn nhiều khó khăn với các ngành hàng cốt lõi của Digiworld khi đỉnh điểm tiêu dùng hàng ICT như mùa Covid đã đi qua. Do đó, DGW cho biết đang tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào mảng F&B, phân phối độc quyền bia ABInBev qua kênh bán hàng hiện đại (Modern trade) vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Digiworld đạt 6.355 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với đầu kỳ. Trong đó khoản mục hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 51% với số dư cuối kỳ lên đến 3.254 tỷ đồng, tăng 366 tỷ đồng so với đầu năm. Thời điểm cuối năm 2022, DWG đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 190 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của DWG trong năm 2022 đạt 3.932 tỷ đồng, giảm 12% so với 2021, mục này còn chiếm 62% trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh nhất, lên đến 71%, đạt 1.914 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng 36% trong năm 2022, đạt 2.423 tỷ đồng.


Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, giá cổ phiếu DGW của Digiworld giảm 1,85%, đạt 39.900 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu DGW đạt hơn 647.000 đơn vị .

Chia sẻ Facebook