Mạc Can cô độc ở phòng trọ 10m2: "Đàn bà đến với tôi nhiều lắm nhưng tôi sợ đàn bà"
Căn phòng trọ chừng 10m2 ở Bình Trị Đông được Mạc Can thuê trọ 2 năm nay từ khi dịch bệnh bùng phát.
Thu nhập của Mạc Can 2,5 triệu/tháng được nhà nước trả cùng một sức khỏe như vạt nắng cuối ngày đong đưa trên cánh lục bình miền sông nước. Nỗi cô đơn căng mút chỉ cộng với tuổi già bất lực và khát khao được yêu đến cháy bỏng nhưng cuộc đời ông lại bi ai như câu hát của Trịnh Công Sơn:
"Từng người tình bỏ ta đi mãi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...".
Viết bao kịch bản phim, đóng vài chục vai diễn, hàng trăm bài báo nhưng Mạc Can chưa bao giờ nghĩ có ngày ông là nhân vật chính trong một cuộc chia ly mà mới đây người tình của ông sau khi dứt áo ra đi không một lần liên lạc trở lại, với lời nhắn tuyệt tình: "Ông Can! Ông đừng có tới nhà tôi nữa, đừng có tìm kiếm tôi ở bất cứ đâu nữa...".
Cuộc trò chuyện với Mạc Can, khá vất vả vì ông mệt không ngồi lâu được. Lúc ông xin phép nằm, lúc lại đỡ ông ngồi dậy. Nhưng cả khi nằm hay ngồi, gương mặt ông đều thảng thốt cô đơn và sợ khách sẽ về sớm, sợ sẽ lại ở một mình trong căn phòng trọ nho nhỏ này hết đêm sang ngày.
Chú hề gánh hát Mạc Can năm xưa ấy chỉ học 3 năm, đó là tất cả con đường sự nghiệp kiếm tìm con chữ của ông. Khi tôi hỏi ông "học 3 năm thì ông học hết lớp mấy?". Mạc Can lắc đầu mỏi mệt:
"Tôi không nhớ đâu vì ngày đó học trường dòng, sau đó tôi bỏ học theo gánh hát của cha tôi. Biết đọc biết viết thôi à. Con đường văn chương hay phim ảnh của tôi đều từ bẩm sinh chứ chẳng qua sự đào tạo của trường lớp nào".
Khi đọc xong "Tấm ván phóng dao" với gánh hát của một gia đình sống nhờ vào tiết mục mạo hiểm bằng cách đặt tấm ván và phóng con dao vào trúng tâm. Nhưng nếu như vậy thì chẳng có gì là thu hút công chúng, gia đình nhân vật gánh hát đó đã lấy chính đứa con gái út của họ để "đánh cược" trước mũi dao nhiều năm trời.
Mũi dao lao vun vút đi trước mặt đứa bé với ánh mắt nhìn trân trân như thể nguy hiểm kia đã là một thói quen. Tôi ám ảnh với câu chuyện nhưng trong tôi có linh tính rằng Mạc Can đã đưa một câu chuyện có thật từ gia đình ông đi vào tiểu thuyết: Tấm ván phóng dao.
Sau khi chia sẻ với ông về cảm xúc ngột ngạt khi đọc cuốn tiểu thuyết đầy chất tự sự ấy, ông bỗng dưng mở lòng: "Cô em gái tôi chính là nhân vật có thật trong cuốn tiểu thuyết ấy, cô ấy bị trúng dao trong một lần anh hai tôi biểu diễn. Con dao nó không phi vào tấm ván, nó đã trúng vào em gái tôi".
Giọng ông trùng xuống như cả trời ký ức đen tối hiện về, ông kể tiếp: "Em gái tôi hiện giờ vẫn còn sống nhưng những năm tháng thay vì được chơi búp bê hay sống vô tư với lũ trẻ cùng trang lứa, em gái tôi cứ đứng trước mũi dao mỗi ngày như thế, nó bị tâm thần. Nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần khiến em gái tôi bây giờ vẫn mang tâm hồn của một đứa trẻ".
Ông theo gánh hát, lúc buồn đọc sách nhưng đọc có chọn lọc. Sự trải nghiệm cùng gánh hát trong bộ dạng chú hề giữa những phiên chợ người ấy khiến Mạc Can như một kho tàng đời sống ngồn ngộn dữ liệu.
Sau này, ông chuyển tải qua văn chương, kịch bản phim và những vai diễn: Ông Ba Phi (phim Đất Phương Nam, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), Ông chủ song bài (phim Người đẹp Tây Đô, đạo diễn Lê Cung Bắc).
Cát-xê ông nhận được ở phim là tùy tâm, có đạo diễn trả mười mấy triệu một phim, có đạo diễn thì vài triệu. Ông đóng phim nhưng chẳng qua trường lớp nào đào tạo cả, cứ bê nguyên xi cái ông Mạc Can ngoài đời vô diễn.
Như vai diễn ông Ba Phi trong phim Đất Phương Nam, ông bảo đạo diễn Vinh Sơn là bạn ông, ông Sơn mời tôi vô vai Ba Phi, vai phụ và ít đất diễn thôi mà hóa ra lại nhiều người nhớ đến. Đi theo đoàn phim ròng rã cả tháng nhưng diễn chỉ vài phân cảnh mà thôi.
Sau khi em gái trúng dao, ông bỏ nghề gánh hát đi đạp xích lô. Cái nghề bạc như vôi mà trời mưa là không có khán giả, cả gia đình ông lại phải húp cháo loãng cầm hơi.
Cuộc hôn nhân của ông đứt gánh sớm, vợ cũ của ông cũng già yếu bệnh tật đang sống cùng cô con gái đã gần lục tuần. Đứa con trai của ông cũng qua đời vì nhậu xỉn.
Nghe ông tua lại cuộc đời mình, đôi mắt và nét mặt ông thảng chút hoảng hốt, thảng chút nổi nênh và xuyên suốt cuộc trò chuyện lúc ngả lưng tạm xuống giường hay gắng ngồi dậy ấy là việc ông hiểu đời hiểu người nhưng mà bất lực trước bàn tay sắp đặt của định mệnh.
Đàn bà thấy tôi đóng phim, viết kịch bản… nghĩ phải lắm tiền
Tôi cứ nghĩ hình ảnh cánh lục bình chỉ là một hình tượng trong tiểu thuyết của ông dù ông nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách ông viết. Hóa ra, văn chính là người, đời ông đa tài thật đấy mà lại không thể điều khiển nổi trái tim mình nó bớt đào hoa, bớt chông chênh phù phiếm.
Yêu thật nhiều mà đọng lại chỉ là những cơn mưa ngâu buồn bã, những lời chia tay của đàn bà, người thì "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng", người thì dứt khoát như 1 + 1 = 2 vậy.
Không thể tin nổi người đàn ông chuyên trị vai chú hề, beo béo lùn lùn với cái miệng móm mém đậm chất "ông già Nam Bộ" kia lại... nhiều gái theo đến thế. Ông nhắc đi nhắc lại với tôi: "Không nhớ hết đã có bao nhiêu người đàn bà đến và đi trong đời, đến mức sau này những cuộc chia tay không còn làm ông phải giãy dụa vì tổn thương nữa".
Sau vợ ông là người phụ nữ hiện đang sống ở Mỹ, có với ông một đứa con gái. Người đàn bà này được ông nhận xét là: "Một tay buôn bán gây dựng cơ đồ và cô ấy thương tôi thật lòng.
Lúc nào cũng muốn tôi sang Mỹ sống hẳn với bà ấy và con. Nhưng chắc duyên của tôi với bà ấy chỉ có vậy. Mới đây bà ấy về Việt Nam có ghé thăm tôi".
"Đàn bà đến với tôi nhiều lắm nhưng tôi sợ đàn bà" – ông bỗng thốt ra một câu không rõ là chua chát do tổn thương hay đã thấy chán ngấy những mối tình không bền vững.
Nhưng khi được hỏi, giờ gần 80 tuổi rồi, ông còn muốn tìm một tình yêu đích thực, ở bên ông nốt phần đời còn lại không? Mạc Can gật đầu không một phút nghĩ suy "trái tim tôi cô đơn lắm!".
Người nghệ sĩ đã ở tuổi gần bát thập nhưng tâm hồn vẫn còn đang trên đường tìm kiếm một mối tình mà dù thế nào cũng lặng lẽ ở bên ông, dù con người ông như ông nói: "Giờ giấc của tôi kỳ lắm, người ta ngủ là tôi thức mà người ta thức là tôi ngủ".
Người tình gần đây nhất rời xa ông là người phụ nữ kém ông 26 tuổi. Nghe ông nói là chị vẫn còn trẻ đẹp lắm và đã ở bên ông 10 năm. Một thời gian gần đây, ông nghe chị nói chuyện với ai đó rất lâu, ông đã linh cảm chẳng lành.
Định là người "mở lời chia tay" trước, ai dè một ngày chẳng ra làm sao, chị sắp quần áo vào va li rồi nói với ông mấy câu: "Ông Can, ông đừng đến nhà tôi tìm tôi nữa. Ông đừng tìm kiếm tôi ở bất cứ đâu nữa".
Người phụ nữ ấy đã được ông dạy viết báo, kịch bản phim và đã từng mến mộ ông vô cùng nên mới gắn bó với ông cả chục năm trời như thế.
Khi ông còn tung tăng đi lại được, khi làm báo, viết văn, kịch bản phim, đóng phim... các bóng hồng tìm đến ông và đến ở với ông như một lẽ thường tình. Họ nghĩ một người như ông phải rất giàu, tiền gửi nhà băng nhiều lắm.
Nhưng những ai đến với ông vì sự nhầm tưởng ấy thì họ cuốn chiếu đi rất nhanh, thậm chí không có lời chào từ biệt. Còn người đến với ông vì mến tài, thì gắn bó với ông lâu hơn nhưng cuối cùng vẫn chọn ra đi.
Tôi hỏi ông sao tuổi già phải đi thuê nhà, con cái ông có qua lại chăm ông thường xuyên không? Ông bảo ông có nhà riêng nhưng sang tên cho con cháu. Còn ông đi ở thuê. Chuyện ăn của ông đơn giản lắm, mỗi ngày 3, 4 muỗng cơm.
Việc này hàng xóm cùng khu trọ giúp ông bữa ăn và qua lại thăm nom ông mỗi khi ông có việc cần nhờ. Con cái thì thi thoảng họ mới đến vì họ còn chăm sóc vợ cũ của ông cùng cuộc sống mưu sinh.
Mạc Can – chú hề có cái miệng móm mém và không ai nghĩ đa tình lại có một đời sống tình ái mà theo ông đến giờ ông không nhớ hết tên của những người phụ nữ đã đến bên đời. Số năm họ chung sống với ông thì càng không nhớ. Nhớ được vợ ông và hai người yêu sau này là đã cố gắng lắm rồi!
Đọc văn Mạc Can đi rồi sẽ thấy, cánh lục bình cô đơn nổi nênh lúc vạt nắng cuối ngày còn sót lại, làm mặt nước hắt lên chút lấp lánh của một thời vang bóng. Nơi Mạc Can đã bước ra từ tiểu thuyết, phim ảnh vào đời thực để rồi chông chênh:
"Từng người tình bỏ ta đi mãi như những dòng sông nhỏ/Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...".
Theo Mạc Can
Pháp Luật và Bạn đọc