Mã Viện dựng cột đồng ở đâu?

Chia sẻ Facebook
11/12/2022 13:28:53

Năm 41 sau công nguyên, nhà Đông Hán cử Mã Viện đem quân sang Giao Chỉ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Đây là cuộc nam chinh thứ ba kể từ khi Tần Thủy hoàng thống nhất nước Tàu.

Hai Bà Trưng khởi nghĩa. (Tranh dân gian)

Lần thứ nhất vào năm 218 trước công nguyên, nhà Tần cử Đồ Thư đem quân vượt núi Ngũ Lĩnh chinh phục Bách Việt.

Hơn 100 năm sau, nhà Tây Hán cử Lộ Bác Đức đem quân sang chiếm Nam Việt, chấm dứt nhà Triệu, đổi Nam Việt ra Giao Chỉ bộ và mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Hai cuộc nam chinh này khó chuyển vận lương thực vì trục tiến quân phải vượt qua núi Ngũ lĩnh. Do đó lương thực lần này được Mã Viện cho chuyển vận bằng đường biển.

Để thủy bộ phối hợp được đồng bộ , Mã Viện phải tiến quân theo ven biển. Vừa đi vừa mở đường, riêng việc khai quang, quân sĩ đã phải đốn 1.000 dặm cây rừng.

Mã Viện là một kiện tướng được phong chức Phục ba tướng quân (chức cao tột cùng, chỉ có 2 người được phong là Lộ Bác Đức và Mã Viện). Quân số gồm 8.000 chính quy và 12.000 phụ lực nhưng đều tinh nhuệ. Khi xuất phát là mùa đông, mùa hè năm 42 Mã Viện mới tới Giao chỉ.

Phần vì mệt mỏi trên đường tiến quân, phần vì không quen khí hậu nhiệt đới nên trận đầu giao chiến, Mã Viện bị Hai Bà đẩy lui ở Lãng Bạc.

Chỉnh đốn lại quân ngũ, Mã Viện đánh bại Hai Bà. Thế yếu vì không đồng sức, Hai Bà lui dần, cuối cùng Chị Em trầm mình ở sông Hát Giang.


Tháng chạp năm 44 Mã Viện gửi biểu về trình vua Hán: “Thần xâm nhập đất Giao chỉ, quân số có 12,000 quân phụ lực, kể cả quân chính quy là 20.000 và 100 chiến thuyền, công việc đã hoàn thành.”

Cho quân nghỉ ngơi hết năm ấy, Mã Viện đem quân vào Cư Phong thuộc quận Cửu Chân để truy diệt tàn quân của Hai Bà. Sau đó Mã Viện xâm nhập Lâm Ấp để phô trương thanh thế nhà Đông Hán.


Theo “An Nam chí lược” của Lê Tắc, Mã Viện dựng trụ đồng ở Khâm Châu có khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” ( cột đồng gãy thì Giao Chỉ không còn). Khâm Châu gần Lạng Sơn ngày nay.


Theo “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, Mã Viện dựng cột đồng ở Lâm Ấp.

Sử gia Trần Trọng Kim không nói cột đồng dựng ở đâu nhưng nói người Giao Chỉ đi qua đó đều ném gạch đá vào chân cột để cột đồng khỏi gãy đổ, lâu ngày thành gò rồi mất dấu.


“Khâm định Việt sử chính biên” chép rằng năm 1272 đời Trần Thánh Tông, nhà Nguyên cho Ngột Lương Hợp Thai sang hỏi nơi Mã Viện dựng cột đồng, vua sai Lê Kính Phụ đi hội khám. Kết quả không tìm ra. Năm 1345 đời Trần Dụ Tông, nhà Nguyên lại sai sứ sang hỏi nơi dựng cột đồng, vua cho Phạm Sư Mạnh sang biện giải. Từ đó việc ấy không nói đến nữa.


Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” , lời nguyền “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là do người đời sau khẩu truyền, không có căn cứ.


Học giả Đào Duy Anh có viết một bài bằng tiếng Pháp đăng trên “Bulletin des Amis du Vieux Hué” ngày 10-11-1943 nói về cột đồng Mã Viện (Les colonnes de bronze de Ma Vien). Bài này được Nhất Thanh dịch sang tiếng Việt và đăng trên “Tập san Sử địa” số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn.

Chúng tôi tóm lược những điểm chính của tác giả như sau.

Theo “Quảng châu ký” , xưa có truyền thuyết Mã Viện dựng cột đồng.

Sách “Ngô lục” của Trương Bột viết: “Ở Tượng Lâm, ngoài khơi có hòn đảo nhỏ có vàng, từ đảo theo hướng bắc xuống nam chừng 30 dặm thì tới Tây thuộc. Dân cư tự nhận là Hán tộc. Ở đây có những cột đồng mà người ta nói để phân định đất Hán.”

“Thủy kinh chú” viết rõ hơn: “Mã Viện dựng những cột bằng kim khí để đánh dấu phía nam của đất Hán”. Câu này được Du Ích Kỳ và Hàn Quang Bá phụ chú: “Mã Viện dựng 2 cột đồng trên bắc ngạn Lâm Ấp và để lại đó hơn chục gia đình quân lính không muốn trở về. Họ định cư trên nam ngạn (cước chú 1) Thọ Linh, đối mặt với đồng trụ. Họ là tộc đảng Mã, kết hôn với nhau, nay lên tới 200 gia đình. Người Giao Chỉ coi họ như tù nhân phương xa bị đày ải tới và gọi họ là Mã lưu. Ngôn ngữ và ẩm thực của họ nay còn giống với người Hán. Cuộc dâu bể đã đưa những cột đồng ra khơi chỉ còn lại bọn Mã lưu làm chứng tích”.

Theo “Lâm ấp ký” , Mã Viện dựng cột đồng ở nam Tượng Lâm (cước chú 2) để phân ranh đất Hán với Tây Đồ.

Mã Viện đánh đuổi tàn quân của Hai Bà Trưng tới Cư Phong thuộc quận Cửu Chân. Cư Phong nằm bên sông Lương Giang (nay là sông Chu thuộc Thanh hóa).

Theo “Thủy kinh chú” , Mã Viện chia ra 2 cánh quân, một cánh tới Cư Phong , một cánh tới Vô Biên . Vậy là Mã Viện có đặt chân tới Nghệ An.

Theo Du Ích Kỳ và Hàn Quang Bá, cột đồng được dựng ở bắc ngạn Lâm Ấp (xin xem lại đoạn 3) nhưng khi ấy Lâm Ấp chưa lập thành nước, vậy tương ứng với bắc ngạn sông Thọ Linh.

Người Lâm Ấp nguyên là dân cư ở nam Hoành Sơn gồm những bộ lạc thuộc giống Nam Dương (Indonesian) và Mã Lai (Malayo-Polynesean), trong số này có một chủng tộc gọi là Tây Đồ di (xin xem lại đoạn 4).

Mã Viện đã đặt chân tới Nghệ An, vậy cột đồng được dựng ở bắc Hoành Sơn . Cách Vinh (thuộc Nghệ An) 10 km về tây nam có một ngọn đồi cô lập cao 169m nằm trên tả ngạn sông Lam Giang, tục gọi là núi Thành hay núi Lam Thành và còn gọi là núi Đồng Trụ . Đỉnh đồi còn di tích thành cũ của Trương Phụ. Trong thành có một đống đá có lẽ là nơi Trương Phụ dựng cột cờ nhưng truyền thuyết trong dân địa phương cho đó là nơi dựng cột đồng.

Đoạn này làm sáng tỏ đoạn 2 và 3 kể trên. Vùng ven biển Nghệ Tĩnh chỉ có một hòn đảo gọi là Hòn Niêu . Từ Hòn Niêu hướng xuống tây nam là cửa sông Lam Giang , cũng gọi là Cửa Hội . Ngược dòng sông này chừng 35 km tới Núi Thành . Nếu tính đường thẳng chim bay, khoảng cách này chỉ bằng 20 km tương đương 30 dặm (cước chú 3), tương ứng với khoảng cách của câu số 2 của Trương Bột. Vùng này gọi là Tây thuộc vì đó là đất của người Tây Đồ nói ở đoạn 4 và 8.

Đoạn này làm sáng tỏ thêm đoạn 3 kể trên. Ngày nay ở hữu ngạn sông Lam Giang thuộc phủ Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh có làng Nam Ngạn . Sông Lam Giang chảy theo hướng tây-đông ra biển, nên nam ngạn cũng là hữu ngạn.

Tuy không tìm thấy cột đồng nhưng từ sự diễn giải các sử liệu trên đây, học giả Đào Duy Anh quyết đoán: Mã Viện dựng cột đồng trên núi Thành cũng gọi là núi Đồng Trụ cách Vinh 10km về phía tây nam.

Ngoài học giả Đào Duy Anh, ông Phù lang Trương Bá Phát cũng luận giải về cột đồng của Mã Viện.


“Tập san Sử địa” số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn có đăng bài “Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam” , tác giả là Trương Bá Phát. Bài này có một đoạn nói về cột đồng của Mã Viện.


Tác giả cũng tham khảo sách “Thủy kinh chú” như Đào Duy Anh nhưng trích đoạn khác như sau:


“Đi từ dòng nước chảy xiết Nam Lĩnh, người ta đến dân tộc Mán ở Nam Giới và đi tiếp người ta tới Hoành Sơn”.

Tác giả cho rằng dân tộc Mán là giống người sau này gọi là Lâm Ấp, vậy Nam Giới là ranh giới giữa Giao Chỉ và Lâm Ấp. Theo tác giả nếu xác định được Nam Giới ở đâu là người ta biết nơi đó Mã Viện đã dựng cột đồng.

Nhân đọc truyện Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, tác giả gặp một đoạn như sau:


Cửa Nam Giới nay gọi là Cửa Sót ở phía nam núi Hồng Lĩnh thuộc phủ Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh . Bờ nam có núi tên là núi Nam Giới . Từ đời Lý về trước, cửa này là cửa bể lớn cuối cùng của nước Nam ta. Có lẽ Nam Giới lấy nghĩa của sự ấy”.

Từ 2 đoạn văn trên đây, tác giả suy ra cột đồng của Mã Viện được dựng trên núi Nam Giới ở bờ nam của Cửa Sót thuộc Hà Tĩnh.

Bản đồ trong sách “Le Lin-Yi” Lâm Ấp.


Để suy luận của mình được chặt chẽ hơn, tác giả tham khảo bản đồ trong sách “Le Lin-Yi” của R. A. Stein xuất bản tại Bắc Kinh năm 1947. Theo bản đồ này, sông Nam Lĩnh nói trong đoạn “Thủy kinh chú” trên đây là sông Hà Tĩnh chảy vào Cửa Sót.

Coi tập bản đồ hành chính Việt Nam của Nhà xuất bản bản đồ phát hành năm 2002, chúng tôi thấy Cửa Sót ở về phía nam của Cửa Hội.

Sông Lam Giang chảy ra Cửa Hội và là con sông ở phía nam núi Đồng Trụ. Cửa Hội và Cửa Sót cách nhau chừng 35 km.

Như vậy suy đoán của Đào Duy Anh và Trương Bá Phát không xa nhau bao nhiêu.

Năm 982 vua Lê Đại Hành thân chinh đi đánh Chiêm Thành không vì tham vọng chiếm đất nhưng muốn trừng phạt vua nước này về vụ bắt giữ 2 sứ giả được phái sang giao hiếu.

Để mở mang trục lộ giao thông, vua cho vét Tân Cảng và đắp đường từ cửa Nam Giới tới ranh giới châu Địa Lý của Chiêm Thành.

Như vậy từ thời Hai Bà Trưng cho tới đời Tiền Lê, nước ta đã lấn dần từ Cửa Nam Giới tới Địa Lý mà không cần gây chiến .


Chỉ tới năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành; Chế Củ bị bắt giải về Thăng Long, phải xin chuộc mạng bằng 3 châu Địa Lý , Bố ChínhMa Linh .

Cuộc Nam tiến bằng xương máu bắt đầu từ đó.


Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên ( www.dslamvien.com )


Tham khảo :

“Việt nam sử lược” của Trần trọng Kim. “Việt sử tân biên” của Phạm văn Sơn. “Lịch sử các kinh thành có trước Hà Nội” của Nguyễn quang Lục. “Tập san Sử địa” số 19-20 năm 1970 của Đại học sư phạm Sài Gòn.


Cước chú :

(1) Để chỉ hướng của bờ sông người xưa dùng 4 phương đông-tây-nam-bắc. Người Âu châu chỉ hướng của bờ sông bằng cách dùng tay phải-trái và mặt hướng theo chiều sông chảy ra biển, thí dụ: Hà Nội ở nam ngạn tức hữu ngạn sông Hồng.

(2) Tượng Lâm là huyện cực nam của quận Nhật Nam thời Bắc thuộc.


(3) Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Viện ngôn ngữ, một dặm xưa bằng 444.44 mét.

Chia sẻ Facebook