"Ma trận" phương thức xét tuyển gây khó cho thí sinh

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 19:58:37

Nhầm mã ngành, nhầm phương thức xét tuyển, thậm chí đỗ thành trượt đại học... quá nhiều cách thức xét tuyển gây khó khăn cho thí sinh.


Còn 2 ngày nữa là kết thúc đợt 1 kỳ tuyển sinh Đại học 2022 . Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển chưa đúng với nguyện vọng, cơ hội vẫn còn với các em khi nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung. Điều này là cơ hội cho các thí sinh và cũng là cơ hội cho các trường để tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng trước đó, việc xét tuyển vào Đại học năm nay đã bộc lộ bất cập.


Nhầm mã ngành, nhầm phương thức xét tuyển là tình trạng của rất nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay. Nguy cơ không được xét tuyển đợt 1, thậm chí là đỗ thành trượt đại học. Không ít em đã rơi vào tình trạng như ngồi trên đống lửa, phải gửi thư kiến nghị về Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc nhờ các trường hỗ trợ giải quyết.

Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh trong đợt xét tuyển vừa qua có hơn 300 trường hợp sai lệch thông tin mã ngành Nhầm lẫn là khó tránh khỏi khi năm nay lần đầu tiên toàn bộ quy trình tuyển sinh được làm trực tuyến nhưng việc chưa nắm vững quy trình đăng ký của thí sinh không phải là nguyên nhân duy nhất.

GS.TS.BS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng: "Nếu chúng ta có nhiều phương thức xét tuyển quá chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và thí sinh sẽ bối rối khi đăng ký nguyện vọng. Hơn nữa, nhiều trường nhiều phương thức xét tuyển khác nhau thì khi làm chung trong hệ thống lọc ảo rồi xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ gặp khó khăn và dễ sai sót".

Để giúp đa dạng hóa nguồn tuyển và nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 20 phương thức xét tuyển, trong đó nội dung cuối cùng khá "mở". Thế nhưng "phương thức khác" khi triển khai thực tế lại được nhiều trường áp dụng thành quá nhiều phương thức phức tạp, hoặc nhiều phương thức cho cùng một ngành học.


Việc tổ chức thêm nhiều phương thức xét tuyển cũng là thêm vất vả cho các trường. Nhưng khi thí sinh đăng ký sai thông tin thì sự vất vả còn tăng lên nhiều lần. Bởi vậy, ngay từ lúc này, nhiều trường Đại học đã lên kế hoạch tuyển sinh năm tới là giữ nguyên số lượng và không dùng quá nhiều phương thức xét tuyển.


"Ma trận" phương thức xét tuyển của năm nay đã đặt ra bài toán cho tuyển sinh đại học năm tới và cả những năm tiếp theo. Không chỉ vậy, từ phía các trường đại học cũng có nhiều kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa công tác tuyển sinh và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Đồng thời cũng là cơ hội cho các trường, tuyển sinh tốt hơn, nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo.


Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải sớm hoàn thiện phương án tuyển sinh cho năm 2023, tinh thần chung là phải tránh phức tạp, không làm khó thí sinh. Cùng với đó phải sớm công bố kế hoạch tuyển sinh của năm 2025, năm mà học sinh lớp 10 bây giờ bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đổi mới tuyển sinh đại học phải bám sát, phù hợp với chương trình học mới cũng như không để bị động, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Chia sẻ Facebook