Mã độc tấn công hàng loạt người dùng Facebook Việt Nam
Hơn 300.000 người dùng Android, chủ yếu tại Việt Nam, là nạn nhân của chiến dịch đánh cắp tài khoản Facebook bằng mã độc thông qua các ứng dụng học tập.
Theo thống kê, có khoảng 37 ứng dụng chứa mã độc, trong đó có những ứng dụng sử dụng tên gọi tiếng Việt, được đặt tên theo từng môn học, khối lớp và được tìm kiếm nhiều như Cẩm nang Offline - Giải bài tập & Ôn luyện, Giải bài tập offline, Soạn Văn, Giải Hóa học, Mọt truyện…
Các ứng dụng sẽ bắt người dùng phải đăng nhập bằng tài khoản Facebook trước khi sử dụng. Khi người dùng đăng nhập, mã đọc Schoolyard Bully sẽ đánh cắp thông tin rồi gửi về máy chủ do những kẻ tấn công vận hành.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của đợt tấn công này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS cho biết, mã độc Schoolyard Bully đã hoạt động từ năm 2018 đến nay mà không bị phát hiện là do các ứng dụng độc hại này thực tế có cung cấp thông tin cho người dùng. Hacker đã chèn thêm các đoạn mã script để lấy cắp tài khoản, mật khẩu, sau đó mã hoá và gửi về máy chủ điều khiển nên có thể qua mặt cơ chế kiểm duyệt của Google.
Đối với những người dùng Facebook, đối tượng có thể bị ảnh hưởng bởi chiến đánh cắp tài khoản Facebook bằng mã độc Schoolyard Bully, chuyên gia bảo mật khuyến nghị, ngoài việc xóa ngay ứng dụng độc hại có trong danh sách được Zimperium liệt kê, người dùng cũng cần đăng xuất tài khoản Facebook trên tất cả các thiết bị và thực hiện đổi mật khẩu tài khoản.
Người dùng cũng không nên cài đặt các phần mềm từ các nhà sản xuất không uy tín, kể cả là các ứng dụng trên Google Play. Thông thường các nhà sản xuất uy tín sẽ có thông tin liên lạc cụ thể, địa chỉ rõ ràng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, người dùng cũng nên định kỳ vào phần cài đặt mật khẩu và bảo mật trên Facebook để kiểm tra các thiết bị đã đăng nhập tài khoản Facebook của mình. Trường hợp phát hiện thiết bị lạ, người dùng cần đăng xuất ngay khỏi thiết bị đó và đổi mật khẩu tài khoản Facebook của mình.