Lý Thuấn Thuần và trận thủy chiến huyền thoại (P1)

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 02:20:17

Cho đến ngày nay, Lý Thuấn Thuần vẫn được người dân Hàn Quốc ngưỡng mộ như một vị anh hùng của đất nước. Một trong những chiến công đưa...


Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lý Thuấn Thuần (Yi Sun-sin) chưa bao giờ thất bại, nhưng khi còn sống thì bị triều đình ghẻ lạnh, bị vua ganh ghét, nên có người đã ví ông như Nhạc Phi của Triều Tiên. Sau khi ông mất, triều đình Triều Tiên mới nhìn nhận và xưng tụng Lý Thuấn Thuần là Trung Vũ Công, Tuyên Vũ Nhất Đẳng Công Thần, Đức Phủ Viện Quân. Cho đến ngày nay, Lý Thuấn Thuần vẫn được người dân Hàn Quốc ngưỡng mộ như một vị anh hùng của đất nước. Một trong những chiến công đưa Lý Thuấn Thuần trở thành một huyền thoại của hải quân thế giới là trận Myeongnyang với chiến thắng chênh lệch lớn nhất: 13 tàu đối 133 tàu.


Hoàng Hải là một vùng biển đặc biệt đối với người dân cả hai miền Triều Tiên. Nó ghi dấu những trận đánh huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc này. Tại đây, một hoàng thân người Việt là Lý Long Tường đã một lần chặn đứng và một lần đánh bại đội quân Mông Thát hùng mạnh nhất thế giới trong hai lần đội quân này xâm lược Cao Ly. (Xem bài: Người Việt giúp đánh bại quân Mông Thát ở Cao Ly, hậu duệ trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc )

Chưa dừng lại ở đó, 300 năm sau, tướng Triều Tiên Lý Thuấn Thuần lại lập nên một kiệt tác không chỉ làm rạng danh cho lịch sử Triều Tiên, mà còn là kỳ tích trong lịch sử thế giới, được ghi nhận là cuộc chiến chênh lệch nhất trong lịch sử hải quân thế giới.

Tượng Lý Thuấn Thuần tại Seoul. (Ảnh: Roundex, Shutterstock)

Cũng cần nói thêm rằng một số người Việt vẫn nhầm tưởng pho tượng của Lý Thuấn Thuần tại Seoul thành tượng của Lý Long Tường, hoặc Lý Thuấn Thuần là hậu duệ của Lý Long Tường. Tuy nhiên điều này không đúng.


Lý Thuấn Thuần thuộc về dòng họ Lý Deoksu (Deoksu Yi hay Deoksu Lee) do một vị quan Cao Ly là Yi Dongsu sáng lập tại vùng Deoksu, nay nằm trong thành phố Khai Thành, Bắc Triều Tiên. Dòng họ Lý Deoksu cũng sản sinh ra một trong hai nhà Nho lỗi lạc nhất của Triều Tiên là Lý Nhị. Còn Lý Long Tường đã mở ra dòng họ Lý Hoa Sơn (Hwasan Lee), tại núi Hoa Sơn, trước là Trấn Sơn, nằm ở Hoàng Hải Bắc Đạo, Bắc Triều Tiên. Núi được triều đình Cao Ly đổi tên thành Hoa Sơn – phái võ mà Lý Long Tường truyền dạy cho người Cao Ly nơi đây – sau chiến thắng của Lý Long Tường trước quân Mông Thát. (Xem bài: Người Việt đánh bại quân Mông Thát ở Cao Ly )

Triều đình Triều Tiên trúng kế

Sau khi thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi mang dã tâm muốn thôn tính Triều Tiên. Toyotomi Hideyoshi quyết định đưa quân tiến đánh vùng biển Hoàng Hải vì đây là cửa ngõ dẫn đến Kinh đô Triều Tiên, đồng thời phát huy được thế mạnh của mình là thủy quân.


Thế nhưng điều Hideyoshi lo lắng nhất là vị tướng chỉ huy thủy quân Triều Tiên Lý Thuấn Thuần (Yi Sun-sin) rất giỏi thủy chiến, đã chế tạo ra loại thuyền rùa vô cùng lợi hại cho thủy quân Triều Tiên, lại rất có uy vọng vì chưa một lần thất bại. Đây chính là trở ngại to lớn đối với quân Nhật. Lý Thuấn Thuần giữ chức “Tam đạo Thủy quân Thống chế sứ” nghĩa là “Tư lệnh ba đạo Hải quân” , phụ trách 166 tàu chiến của Triều Tiên.

Để loại bỏ vị tướng tài này, Hideyoshi đã sử dụng kế phản gián. Gián điệp của quân Nhật phao tin rằng quân Nhật sẽ sớm tấn công Triều Tiên, và vua Triều Tiên hoảng sợ sai Lý Thuấn Thuần tấn công quân Nhật tại Hoàng Hải mà không có sự tính toán kỹ lưỡng cũng như do thám. Do vậy, Lý Thuấn Thuần từ chối tuân lệnh.

Vua Triều Tiên đối với Lý Thuấn Thuần có một sự đố kỵ và sợ hãi bị lật đổ rất lớn. Ông ta nhân cơ hội đó truất quyền của Lý Thuấn Thuần. Khi tướng Won Gyun lên thay Lý Thuấn Thuần, nắm trong tay thủy binh Triều Tiên, kế hoạch ban đầu của quân Nhật đã thành công.

Won Gyun và Lý Thuấn Thuần đều là hai tướng lĩnh thủy binh của Triều Tiên, từng sát cánh trong nhiều trận chiến trước đó, đều không qua huấn luyện thủy quân mà vẫn được trọng dụng. Ông hiểu rõ oan khuất của Lý Thuấn Thuần.

Khi quân Nhật Bản chuẩn bị tấn công vùng biển Hoàng Hải, triều đình muốn tổ chức tấn công phủ đầu quân Nhật nhằm gây bất ngờ nhưng Won Gyun tiếp tục từ chối tấn công quân Nhật, giống như Lý Thuấn Thuần đã từng làm trước khi bị bãi chức.

Đại tướng thống lĩnh quân Triều Tiên là Gwon Yul bấy giờ bị vua gây áp lực lớn, đã gọi Won Gyun về và ra thiết lệnh buộc ông phải tấn công. Toàn bộ thủy quân Triều Tiên đã tham gia vào cuộc tiến công này mà không hề có phương án dự phòng nào. Won Gyun biết trước mình sẽ bại trận, nhưng ông không có đủ dũng khí để trái lệnh vua và đại tướng quân.

Ngày 17/8/1597, thủy quân của Triều Tiên tấn công quân Nhật ở Chilchonryang. Bấy giờ, chỉ huy một hạm đội của Triều Tiên gồm tàu Bae Seol cùng 12 tàu khác đã phát lệnh cho hạm đội của mình quay trở về vì thấy trước nếu tấn công chỉ như trứng chọi đá. Lúc đó họ bị coi là bỏ chạy khỏi chiến trường, nhưng sau này điều đó lại là một may mắn to lớn cho Triều Tiên.

Các tàu chiến của Triều Tiên tiến lên rất nhanh, nhưng không theo một chiến thuật cụ thể nào cả. Việc này khiến cho các tàu Nhật dễ dàng áp đảo họ, 30 tàu Triều Tiên bị hạ.

Trước sức mạnh quân Nhật, Won Gyun thua trận phải lệnh cho quân rút chạy. Các tàu Triều Tiên đến đảo Gadeok gần đó để tìm kiếm thức ăn và nguồn nước. Hòn đảo này đang đặt dưới sự kiểm soát của quân Nhật, vì thế quân Triều Tiên bị tấn công, thêm 400 quân bị thiệt mạng, Won Gyun phải cho quân chạy về phía trái đảo Gadeok.

Quân Nhật tổ chức truy tìm và tiến công vào quân Triều Tiên vào ban đêm. Người Nhật sử dụng chiến thuật truyền thống là áp sát vào mạn tàu rồi cho cho quân tràn sang tàu đối phương, các tàu chiến của Triều Tiên đều bị đánh chìm xuống đáy đại dương. Won Gyun cùng đô đốc Yi Eok-gi và một ít tùy tùng chạy đến một hòn đảo gần đó và tử trận tại đây.

Thu thập tàn quân

Tin thất bại nhanh chóng truyền về khiến Triều đình Triều Tiên thất kinh, vua Seonjo phải nhanh chóng phục chức cho Lý Thuấn Thuần để ngăn thủy quân Nhật tràn vào Kinh thành.

Thế nhưng toàn bộ tàu chiến của Triều Tiên đã bị quân Nhật diệt sạch, chỉ còn lại 13 tàu cùng 200 binh lính nhờ nhanh chóng rút lui không tham chiến ở Chilchonryang nên còn sống sót. Sau đó các binh lính may mắn khác cũng tìm đường trở về. Nhờ đó thủy binh của Triều Tiên có được 1.500 quân.

Chỉ có 1.500 quân cùng 13 tàu để chống lại thủy quân Nhật Bản quả là điều không thể, thế nhưng Thuấn Thuần vẫn quyết định chấp nhận, bởi nếu quân Nhật chiếm được vùng biển Hoàng Hải thì sẽ dễ dàng đổ bộ vào đất liền đến Kinh đô. Triều Tiên sẽ mất.

13 tàu phải đối mặt với 133 tàu


Quân Nhật tiến đánh Hoàng Hải với 133 tàu chiến cùng 200 tàu nhỏ dùng để hậu cần. Nếu cuộc chiến tại Thermopylae được xem là cuộc chiến chênh lệch lực lượng lớn nhất trên bộ khi 300 quân Sparta phải ngăn 10.000 quân Ba Tư (xem bài: Trận đánh cảm động nhất thế giới: Vua Sparta tình nguyện trở thành quân cảm tử ) ; thì trận Hoàng Hải là cuộc chiến chênh lệch nhất về thủy quân được ghi nhận trong lịch sử thế giới.

Thế nhưng tính chất 2 cuộc chiến này có phần khác nhau, trận Thermopylae 300 quân Sparta không cần chiến thắng, họ là những người cảm tử ngăn quân Ba Tư để quân chủ lực của Hy Lạp có thời gian rút đi; còn ở đây Lý Thuấn Thuần phải giành chiến thắng, bởi nếu không quân Nhật sẽ đổ bộ tiến đánh Kinh thành.

Tranh mô tả trận Myeongnyang. (Tranh qua historycollection.co)

Lý Thuấn Thuần cố gắng tìm một nơi hiểm yếu để có thể dễ dàng phòng thủ, kiềm chế được sức mạnh quân Nhật. Cuối cùng ông đã tìm được eo biển Myeongnyang. Đây là eo biển nhỏ, nên nếu quân Nhật tấn công thì chỉ tấn công được mặt chính diện, chứ không thể dựa vào số đông mà bao vây 3 mặt được. Mặt khác nơi đây có nhiều dòng nước xoáy mạnh do hướng dòng chảy Bắc-Nam cứ 3 giờ lại thay đổi một lần, nên nếu tàu quân Nhật vào đây sẽ rất khó xoay sở trước những dòng nước xoáy này.

Do số tàu quá ít, Lý Thuấn Thuần cho bố trí thêm các tàu cá để nghi binh, còn 13 tàu thì được bố trí thành đội hình cán sếu (hay hình cánh cung) nấp sau bóng của những quả đồi.


Bấy giờ khi họp bàn với các tướng lĩnh trước trận đánh, Lý Thuấn Thuần đã nhấn mạnh: “Ai tìm đường sống thì sẽ chết, ai chuẩn bị chết thì sẽ sống” . Ông hiểu rất rõ rằng binh lính trên 13 chiếc thuyền Triều Tiên còn lại là những kẻ bại trận, và vẫn còn đang run sợ trước đội tàu của Nhật.

Giây phút lịch sử: dù chỉ một mình vẫn tiến lên

Giờ phút lịch sử bắt đầu là sáng ngày 26/10/1597, quân Nhật tiến đến, khi gần đến eo biển Myeongnyang thì thấy 6 tàu Triều Tiên ở đấy. Các tàu Triều Tiền nhìn thấy tàu quân Nhật thì giả vờ hoảng loạn tháo chạy vào trong eo biển Myeongnyang. Các tàu Nhật nhận thấy thủy triều rất thuận lợi (dòng chảy đang theo hướng Bắc) nên tiến vào eo biển Myeongnyang, rơi vào kế hoạch chuẩn đã bị sẵn của Lý Thuấn Thuần.

Khi nhận thấy các tàu quân Nhật đến vị trí mà mình đã tính toán trước, Lý Thuấn Thuần mới hạ lệnh cho 13 tàu của mình theo hình cánh cung mà xuất kích. Nhưng bất ngờ đã xảy ra, 12 tàu Triều Tiên hoảng sợ khi thấy chênh lệch lực lượng quá lớn liền dừng lại không dám tiến lên. Khoảng cách nhanh chóng dãn ra, và con tàu gần Lý Thuấn Thuần nhất cũng cách ông khoảng 2-3 km.


Bị bất ngờ, nhưng Lý Thuấn Thuần hiểu rằng nếu từ bỏ thì sẽ mất nước, mất tất cả. Ông viết trong hồi ký của mình: “Tàu của ta đơn độc trước quân địch. Chỉ có mình tàu của ta nổ súng và bắn tên. Không có chiếc tàu nào khác tiến lên, vì thế ta không chắc chắn về kết quả của cuộc chiến. Tất cả những tướng khác đều muốn chạy trốn, vì họ biết rằng trận chiến này họ phải đối mặt với một lực lượng khổng lồ […] Tàu của ta trông như một lâu đài đơn độc giữa biển.”

Trong giờ phút lịch sử quan trọng đó, chỉ một tàu của Lý Thuần Thuần vẫn tiến lên đối đầu với 133 tàu Nhật Bản…


(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook