Lý niệm xưa về đạo quân thần, cha con, vợ chồng không như ta nghĩ

Chia sẻ Facebook
17/03/2023 07:36:30

Văn hóa truyền thống đặc biệt nhấn mạnh về những mối quan hệ chính trong xã hội cổ đại, đó là vua và các quan, cha và con, chồng và vợ.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Trong lịch sử nhân loại, mặc dù có những đặc điểm riêng, nhưng các quy tắc ứng xử giữa người với người trên rất nhiều khía cạnh là tương đồng. Bởi vậy dù là thời xưa hay thời nay, con người sống trong xã hội tất phải tuân theo những trật tự và luân lý phổ quát. Văn hóa truyền thống phương Đông đặc biệt nhấn mạnh về những mối quan hệ chính trong xã hội cổ đại, đó là quân thần (vua và các quan), phụ tử (cha và con), phu phụ (chồng và vợ). Quan điểm của người xưa về ba mối quan hệ này ngày nay thường bị lên án, nhưng lý niệm của cổ nhân về chúng có thực sự như người hiện đại chúng ta suy diễn?


Mặc dù không tồn tại trong Tứ Thư Ngũ Kinh, nhưng khái niệm “tam cương” được coi là một phần của Nho giáo thời xưa. Cương (綱), theo nghĩa đen, là sợi dây chính, tức sợi dọc, trong tấm vải hay tấm lưới. Tam cương tức là ba giềng mối chính trong xã hội thời xưa. Ba giềng mối này gồm có quân thần (vua và các quan), phụ tử (cha và con), phu phụ (chồng và vợ). Theo Tam tự kinh thì mối quan hệ vua tôi cốt ở cái nghĩa, mối quan hệ cha con cốt ở cái tình, mối quan hệ vợ chồng cốt ở sự đồng thuận.

Một bức tranh cổ thể hiện sự suy tưởng của người xưa về đạo nghĩa. (Tranh: Public Domain)


Ngày nay người hiện đại thường cho rằng “tam cương” là sản phẩm của một xã hội cổ hủ, trong đó người làm vua, làm cha và làm chồng có quyền hành tuyệt đối với bầy tôi, con hay vợ. Hơn thế nữa, những câu chuyện về “khí tiết” của bầy tôi dù có bị vua giết, hay những câu chuyện về bậc “liệt nữ” tự sát để giữ tròn trinh tiết – những điều mà cổ nhân ca ngợi – thì người thời nay khó mà chấp nhận được. Bởi thế người hiện đại thường cho rằng những lý niệm như “tam cương” thật là lạc hậu và giáo điều.

Có ba câu nói thường được sử dụng để củng cố cho cảm nhận này:

“Vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung.” “Cha khiến con chết, con không chết không hiếu.” “Chồng nói vợ phải theo.”


Hai câu “Vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung. Cha khiến con chết, con không chết không hiếu” vốn không tồn tại trong Tứ Thư Ngũ Kinh. Thực ra, câu này chính là của Thái tử Phù Tô nói khi nhận lệnh vua cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo di chiếu. Tướng Mông Điềm đề nghị đem quân về kinh đô xem có thực là di chiếu của Tần Thủy Hoàng nhưng Thái tử Phù Tô cản lại bằng câu nói: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Chữ “sử” sau này bị người ta nhầm thành chữ “xử”, bản thân chữ “sử” có nghĩa là sai khiến.

Sau này câu nói trên được sử dụng rất nhiều trong các hình thức kinh kịch thời Minh Thanh của Trung Quốc. Trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, hồi 78, Trư Bát Giới cũng sử dụng câu này. Nhưng thực sự câu nói này không đại biểu cho quan niệm chung của người xưa. Nhà Tần kỳ thực cũng tồn tại trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi.

Chúng ta biết rằng những lời giảng của Khổng Tử về các mối quan hệ xã hội vẫn được người phương Đông xem là mực thước. Vậy Khổng Tử đã giảng về điều này như thế nào?


Vua Ai công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng Tử không trả lời. Lúc Khổng Tử ra ngoài, Khổng Tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi ý Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?”


Khổng Tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Tam thứ, IX).

Tranh vẽ chuyện một vị quan can gián Hoàng đế. (Tranh từ Wikipedia)


Trần Trọng Kim bình rằng: “Xem thế làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can ngăn, để cho cha khỏi bị những điều lầm lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.” (Nho giáo, Quyển thượng – In lần thứ tư, NXB Tân Việt – Sài Gòn, trang 142-143).


Chúng ta cũng biết rằng Khổng Tử từng rời bỏ vua nước Lỗ vì vua đó không đáng để thờ. Trong Luận Ngữ có ghi lại rằng: Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng Tử rằng: “Vua khiến bề tôi, bề tôi thờ vua, phải thế nào?” Khổng Tử đáp rằng: “Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” (Luận ngữ: Bát dật).


Trong Luận Ngữ, thiên 12 (Nhan Uyên), câu thứ 11, Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị Khổng Tử đáp: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” . Trong mỗi cặp trên, chữ thứ nhất là danh từ, chữ thứ hai là động từ: Vua làm đúng việc ông vua; tôi làm đúng việc bầy tôi; cha làm đúng việc của cha; con làm đúng việc của con. Nghĩa là vua, tôi, cha, con đều phải làm cho trọn đạo.


Sách Mạnh Tử trong Tứ Thư Ngũ Kinh còn viết: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi xem vua như giặc như thù.” Mạnh Tử còn nói: “Dân là quý, thứ đến là xã tắc, vua là khinh”.


Nếu hai câu về quân thần, phụ tử đã là sai, vậy còn câu “Chồng nói vợ phải theo” thì sao?


Nguyên câu “Chồng nói vợ phải theo”“Phu xướng phụ tùy”. Trong đó, chữ “xướng” (唱) có nghĩa là ca hát hoặc đề ra, còn chữ “tùy” (随) có nghĩa là thuận theo. Câu nói này vốn không tồn tại trong kinh điển, nhưng nếu xét kỹ, câu nói này chính là để chỉ một cảnh giới trong hôn nhân. Nó có hàm ý rằng mối quan hệ vợ chồng cốt ở sự đồng thuận. Trong đó, hợp với lẽ âm dương mà bàn thì người chồng đóng vai trò “xướng” . Ở đây không có từ “phải” nào hết, mà chính là tri âm tri kỷ.

Tri âm tri kỷ cũng là một cảnh giới trong hôn nhân. (Tranh: Public Domain)


Mạnh Tử nói: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân” , nghĩa là cha con có tình thân, vua tôi có cái nghĩa, vợ chồng có sự khác biệt, huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới, bạn bè thành thật tin tưởng, đây cũng chính luân thường đạo lý.


“Phu thê hữu biệt” ở đây không hề nói người chồng có quyền tuyệt đối trên người vợ. Trong gia đình, thuận lẽ âm dương, người nam phải nuôi sống gia đình, bảo hộ thê tử con cái của mình; người nữ cần nhu hòa, sinh thành và giáo dưỡng con trẻ; ai làm tốt phận người ấy. Nếu ai cũng muốn là người quyết định, ai cũng đòi phần thắng thì gia đình tự nhiên sẽ bất hòa.


“Phu thê hữu biệt” chính là một thỏa thuận ngầm giữa hai vợ chồng trong công việc gia đình. Nếu thực sự có mâu thuẫn, thì người phụ nữ có thể dùng cái nhu của mình để đối đãi, có thể lấy nhu mà nhẫn chịu, cũng có thể lấy nhu mà thắng cương, nhưng nhất quyết vẫn nên là người phụ nữ. Người phụ nữ có đức lớn, là bởi vì người phụ nữ có sức mạnh bên trong sự nhu thuận, có trí tuệ bên trong sự khiêm nhường.


Trời đất phải có ngày có đêm, có mưa có nắng, nếu mà lúc nào cũng chỉ một thì sẽ thành mảnh đất khắc nghiệt như sa mạc hay nam cực. Do vậy “phu thê hữu biệt” không chỉ là lý niệm của con người, mà là sự phản ánh của đạo lý cao hơn, thâm sâu hơn.


Còn những chuyện về “khí tiết” của bầy tôi dù có bị vua giết, hay những chuyện về bậc “liệt nữ” tự sát để giữ tròn trinh tiết thì sao?


Kỳ thực người xưa đề cao và cảm phục tính “nghĩa khí” của con người, cho rằng đó là điều đáng trân quý, là phẩm đức dám “xả thân” cho niềm tin của bản thân. Xuyên suốt lịch sử thì số lượng người có thể làm được như vậy không phải là nhiều. Xưa kia, khi bị áp giải đến Yên Kinh vì chống quân Nguyên Mông, Văn Thiên Tường đã từng viết:


Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Tạm dịch:


Xưa nay hỏi có ai không chết,
Hãy để lòng son chiếu sử xanh.

Hai câu thơ này đã trở thành một áng thơ tuyệt mỹ để tỏ bày lòng tin chính nghĩa không thể lu mờ, gửi cho hậu thế. Nó cũng trực tiếp làm rõ rằng đối mặt với nguy nan, đối mặt với sinh tử, thì nhân phẩm, tiết tháo, niềm tin, nghĩa khí của một người sẽ được thể hiện rõ ràng.


Cổ nhân khâm phục chuyện “chết vì nghĩa” , nhưng không có ý rằng ai cũng phải làm như vậy, và không có ý rằng lúc nào làm vậy cũng là đúng.


Thiên Hiến Vấn của sách Luận Ngữ ghi lại việc Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử, nhắc lại chuyện Quản Trọng thờ công tử Củ, sau Tề Hoàn Công giết công tử Củ, Quản Trọng không tự sát, mà lại thờ Tề Hoàn Công. Tử Lộ hỏi: “Quản Trọng vậy không được coi là người có nhân chăng?” Khổng Tử đáp: “Tề Hoàn Công nhiều lần triệu tập họp chư hầu mà không dùng binh lực. Đó là nhờ công sức của Quản Trọng, như thế còn ai nhân bằng?” Quản Trọng chí hướng cao xa, làm tể tướng cho Tề Hoàn Công mà thiên hạ yên trị, điều này so với “chết vì nghĩa” thì còn lớn lao hơn nhiều.


Tương tự như vậy, trong Lễ Ký có ghi con dâu và cháu dâu của Khổng Tử đều tái giá, nên chuyện lựa chọn của một người phụ nữ thời cổ đại không phải là vấn đề “giáo điều” như người hiện đại vẫn tưởng. Chuyện lựa chọn đó có chăng là liên quan đến những vấn đề như bảo toàn gia đình, chăm sóc con cái trưởng thành, hay ở phương diện cao thượng hơn, là sự lựa chọn cá nhân trong việc giữ gìn luân lý, không muốn thỏa mãn dục vọng của người khác, cũng không muốn làm loạn xã hội.


Quang Minh

Hôn nhân trong lý niệm của cổ nhân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook