Lý giải vụ tên lửa Nga tấn công kho chứa khí đốt ngầm ở Ukraine
Cho đến nay, Nga vẫn kiềm chế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng Ukraine hỗ trợ vận chuyển khí đốt tới các khách hàng châu Âu.
Lần đầu tiên sau hơn 2 năm mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, Nga đã nhắm mục tiêu vào phần lộ thiên của cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất Ukraine.
Nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Ukraine Naftogaz xác nhận rằng vụ tấn công xảy ra ở miền Tây đất nước vào đầu ngày 24/3, nhưng không nêu chính xác là cơ sở nào.
Mục tiêu lần đầu bị nhắm tới
“Phần cơ sở hạ tầng trên mặt đất bị hư hại sẽ cần được khôi phục, nhưng chúng tôi có đủ năng lực dự phòng”, CEO Naftogaz Oleksiy Chernyshov cho biết. “Không có hậu quả nghiêm trọng nào đối với việc đảm bảo hoạt động của cơ sở lưu trữ dưới lòng đất vì khí đốt nằm ở độ sâu đáng kể”.
Ông Chernyshov cũng cho biết, cuộc tấn công không ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Ukraine và các thỏa thuận về lưu trữ và dự trữ công suất “đang được thực hiện đầy đủ”.
Tuy nhiên, một nhóm độc lập gồm các nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở, WarMonitorUA, đã công bố bản đồ cho thấy đường bay của tên lửa hành trình Nga trong các cuộc tấn công, với 2 tên lửa Kh-101 hạng nặng đang tiếp cận từ phía Bắc tới thành phố Stryi, vùng Lviv. Tên lửa Kh-101 dài hơn 7 m và mang đầu đạn chùm nặng 400 kg.
Cơ sở lưu trữ lớn nhất đất nước, Bilche-Volitsko-Ugerskoye, nằm cách Stryi khoảng 10 km về phía Bắc. Nó có thể lưu trữ tới 17 tỷ m3 khí đốt, tương đương hơn một nửa tổng công suất lưu trữ dưới lòng đất của Ukraine.
Các cơ quan chức năng Ukraine công bố dữ liệu về hoạt động di chuyển của tên lửa hành trình Nga để cảnh báo người dân về các mối đe dọa sắp xảy ra.
Phía Nga cho biết, cơ sở Bilche-Volitsko-Ugerskoye là mục tiêu của khoảng 20 tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái cảm tử, nhưng tuyên bố này không thể được xác minh.
Ông Maxim Kozytsky, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự vùng Lviv, cho biết trên mạng xã hội rằng “một cơ sở hạ tầng quan trọng” gần Stryi đã hứng 2 làn sóng tấn công thành hôm 24/3, với làn sóng đầu tiên bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái, làn sóng thứ hai, diễn ra sau đó 5 giờ, bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal phóng từ trên không.
Nga đã nhiều lần tấn công các đường ống phân phối khí đốt ở phía Bắc và phía Đông đất nước trong suốt cuộc chiến. Tuy nhiên, trước cuộc tấn công cuối tuần qua, họ chưa từng nhằm vào các đường ống có đường kính lớn được sử dụng để vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine tới khách hàng châu Âu hoặc mạng lưới các cơ sở lưu trữ ngầm của nước này.
“Khắc tinh” của vũ khí Nga
Các quan chức ở thủ đô Kiev và Naftogaz đã nhiều lần cảnh báo rằng Ukraine sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt kéo dài 5 năm với Gazprom, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay, một lập trường được Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ, nhằm mục đích ngăn chặn hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027.
Gazprom đã vận chuyển khoảng 42 triệu m3 khí đốt mỗi ngày qua Ukraine tới châu Âu trong năm nay, và các quan chức ở Moscow cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục vận chuyển khí đốt vào năm tới.
Ông Sergiy Makogon, cựu lãnh đạo của Nhà điều hành Hệ thống Truyền dẫn Khí đốt Ukraine (GTSOU), cho rằng Kiev nên dừng ngay việc trung chuyển khí đốt của Nga để đáp trả cuộc tấn công thay vì chờ hợp đồng hết hạn.
Naftogaz đã cung cấp cho các công ty khí đốt châu Âu một nơi để lưu trữ khí đốt mua được trong mùa thấp điểm để sử dụng sau này khi nhu cầu lên đến đỉnh điểm. Ước tính có khoảng 2,5 tỷ m3 khí đốt đã được lưu trữ ở quốc gia Đông Âu này vào năm ngoái.
Hồi tháng 2, công ty cho biết họ đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khí đốt mà các công ty châu Âu sẽ bơm vào kho lưu trữ tạm thời trong quý II và quý III năm nay cho mùa đông sắp tới.
Ông Makogon cũng ước tính rằng “chỉ cần 2 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất là đủ để bảo vệ” các kho chứa dưới lòng đất lớn nhất nằm ở miền Tây Ukraine gần biên giới với Ba Lan, Slovakia và Hungary.
Một vụ nổ tên lửa được nhìn thấy trên bầu trời thành phố Kiev trong một cuộc tấn công tên lửa của Nga, ngày 24/3/2024. Ukraine đang triển khai các khẩu đội phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ các thành phố quan trọng. Ảnh: Arab News
Trong một diễn biến khác hồi đầu tuần, giới chức Ukraine cũng đã nêu đích danh hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất trong yêu cầu viện trợ quân sự đối với các đồng minh phương Tây, đồng thời thúc giục chuyển giao loại vũ khí tinh vi này để bảo vệ các thành phố của mình vào thời điểm mối lo ngại ngày càng sâu sắc về tương lai của viện trợ quân sự dành cho Kiev.
“Hãy chuyển cho chúng tôi những khẩu đội Patriot”, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với Politico trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 25/3.
“Nếu chúng tôi có đủ hệ thống phòng không, cụ thể là Patriot, chúng tôi sẽ có thể bảo vệ không chỉ tính mạng của người dân mà còn cả nền kinh tế của chúng tôi khỏi bị hủy diệt”, nhà ngoại giao Ukraine nói.
Theo Quân đội Ukraine, Kiev đã sử dụng những hệ thống Patriot đã có để hạ gục một loạt máy bay Nga và hệ thống này được cho là “khắc tinh”, đã vô hiệu hóa một số tên lửa Kinzhal mà Điện Kremlin mô tả là vũ khí siêu thanh không thể đánh chặn .
Minh Đức (Theo Upstream Online, Newsweek)