Lý giải lạm phát bằng "hàm lạm phát"

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 03:34:57

Trong suốt 2 năm qua, giới phân tích tranh luận gay gắt về nguyên nhân gây ra lạm phát cao kỷ lục: gói kích thích của chính phủ hay sự gián đoạn do đại dịch

Để giảm lạm phát, nền kinh tế cần hạ nhiệt (Ảnh: Getty)

Suốt 2 năm, giới phân tích vẫn cứ miệt mài tranh luận về nguyên nhân thực sự của tình trạng lạm phát kỷ lục. Phe thì bảo do gói kích thích kinh tế, phe lại cãi - bởi sự gián đoạn do đại dịch. Mỗi phe mỗi lý.

Giờ lại có thêm quan điểm, đến từ nghiên cứu mới nhất của 2 nhà kinh tế học hàn lâm hàng đầu thế giới: Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Fed (hiện làm việc tại Viện Brookings) và Olivier Blanchard, cựu kinh tế trưởng của IMF (hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson).


Nghiên cứu chung được họ công bố hôm 22/5 chỉ ra rằng, lạm phát kỷ lục của nền kinh tế Mỹ, và rộng hơn là cả thế giới, trong thời gian vừa rồi đến từ cả 2 nhân tố. Đầu tiên, những cú sốc nguồn cung do đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến lạm phát tăng đột biến trong năm 2021. Sau đó, nền kinh tế trở nên quá nóng do các gói kích thích tài chính và lãi suất thấp là nguyên nhân khiến lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài.


Họ đưa ra kết luận: Để lạm phát giảm, nền kinh tế cần phải hạ nhiệt, đồng nghĩa rằng thị trường lao động phải yếu đi.

Hàm lạm phát


Vào thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua gói giải cứu kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỉ USD của Tổng thống Joe Biden vào đầu năm 2021 – bao gồm tiền hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, tăng hỗ trợ thất nghiệp và tiền viện trợ cho chính quyền các bang và địa phương – lạm phát ở xung quanh mức 2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp mặc dù giảm nhưng vẫn cao hơn 6%.

Lúc bấy giờ, nhiều chuyên gia dự báo tin rằng gói kích thích có thể kích cầu vượt quá khả năng cung cấp hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế; trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn so với tỷ lệ tự nhiên dài hạn 4%. Rất ít người nghĩ rằng nó sẽ làm tăng lạm phát. Trong các thập kỷ trước, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được duy trì ở mức thấp tương tự mà không làm tăng sức ép giá.

Có một số người không đồng ý với luận điểm này, đáng chú ý là Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers và ông Blanchard. Cả hai đều cảnh báo rằng gói kích thích mà chính phủ tung ra là quá lớn, có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng “quá nóng” một cách nguy hiểm.

Các nguồn góp phần làm tăng lạm phát ở Mỹ (Ảnh: WSJ)

Kết quả là lạm phát thực sự tăng, đạt mức 7% trong tháng 12/2021, và 5,5% nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng. “Dự báo của các nhà phân tích đã được chứng minh là đúng – thậm chí có phần quá lạc quan – tuy nhiên nguồn cơn gây ra lạm phát lại khác với những gì mà họ từng cảnh báo,” Blanchard và Bernanke viết trong nghiên cứu mới được công bố.

Để tìm ra nguồn cơn lạm phát, Bernanke và Blanchard đã xây dựng một mô hình cổ điển, trong đó lạm phát là một hàm số của các biến: cung và cầu lao động, kỳ vọng của người dân và giá hàng hoá. Nhưng họ còn thêm vào một biến số nữa, là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ cụm từ tìm kiếm “thiếu hụt” trên Google.

Các nhà kinh tế học thường đánh giá về sức khoẻ của thị trường lao động bằng cách quan sát tỷ lệ thất nghiệp cao hơn hay thấp hơn tỷ lệ tự nhiên ở mức độ nào. Nhưng hiện nay, thị trường lao động lại nóng lên trước khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp đó. Bởi vậy, Bernanke và Blanchard sử dụng tỷ lệ số việc làm còn trống trên số nhân công thất nghiệp.

Ben Bernanke(trái) và Olivier Blanchard.

Cuối cùng, mô hình của họ để cho tất cả các nhân tố này tương tác với nhau, với các độ trễ khác nhau.

Nếu gói kích thích khiến nền kinh tế quá nóng, đáng lẽ ra nó sẽ thể hiện rõ trên thị trường lao động – ví dụ như thông qua tỷ lệ việc trống trên tỷ lệ thất nghiệp cao bất thường. Nhưng trên thực tế, áp lực của các điều kiện trên thị trường lao động đối với lạm phát đã giảm cho đến quý 3 năm 2021, các tác giả kết luận. Trong khi, lạm phát năm đó tăng chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng.

Trong những tháng đầu đại dịch, nhu cầu chuyển hướng đột ngột từ dịch vụ sang hàng hoá. Tác động của diễn biến này đáng lẽ ra phải cân bằng, bởi giá hàng hoá tăng trong khi giá dịch vụ giảm. Nhưng không phải, bởi các nhà sản xuất hàng hoá đối diện với sức ép nguồn cung, do đó khiến giá cả và chi phí tăng đột biến, trong khi chi phí của các nhà cung cấp dịch vụ lại không giảm nhiều.

“Sự bất cân bằng giữa cung và cầu trong những ngành này tỏ ra khó giải quyết và kéo dài hơn so với nhiều người dự đoán”, các tác giả nhận định.

Hội chợ việc làm được tổ chức tại một trường đại học ở Mỹ (Ảnh: Bloomberg)

Hạ nhiệt thị trường lao động


Nhưng sự gián đoạn do đại dịch cuối cùng cũng giảm bớt. Vậy tại sao lạm phát không giảm?
Theo các tác giả, nguyên nhân là bởi tính đến thời điểm hiện tại, cầu vẫn quá cao. Đây chính là hậu quả của giai đoạn lãi suất thấp cùng các gói kích thích tài chính, thị trường lao động vẫn “nóng” khi mà tỷ lệ việc làm trống trên tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể.

Thêm vào đó, đợt tăng lạm phát ban đầu cũng để lại di chứng: Nó làm tăng kỳ vọng của người lao động về lạm phát ngắn hạn, và rồi bắt đầu ảnh hưởng tới lương của họ.

Tuy nhiên, nghiên cứu này có thể đã nói giảm về tầm ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn do đại dịch.

Thị trường lao động nóng không chỉ bởi cầu quá cao, mà còn do cung giảm. Tỷ lệ việc làm trống trên thất nghiệp đang tăng phản ánh thực trạng các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lao động.

Theo các tác giả, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch: Các công ty từng sa thải nhân viên cần phải tuyển mộ thêm người mới, trong khi nhiều người lựa chọn rời khỏi lực lượng lao động vì nghĩa vụ gia đình, ốm đau hoặc ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Sự suy giảm bên phía cung không nhận được nhiều sự quan tâm trong cuộc tranh luận về lạm phát, nhưng vai trò của nó có thể khá lớn.


Gói kích thích của chính phủ có thể không phải nguyên nhân chính làm tăng lạm phát – như nhiều người từng đổ lỗi cho Fed và chính quyền Biden. Có thể nói, chính quyền nên lường trước được rằng, gián đoạn nguồn cung sẽ làm gia tăng những rủi ro từ việc kích cầu.

Trong năm 2020, Fed đưa ra khung làm việc và hướng dẫn mới, trong đó lãi suất sẽ duy trì ở mức gần 0 cho đến khi tỷ lệ có việc làm cao nhất được khôi phục, kể cả khi lạm phát có vượt mức mục tiêu 2%. Điều này “góp phần gây ra hành động chậm trễ (của Fed) và lạm phát tăng mạnh”, cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn và nhà kinh tế học Gauti B. Eggertsson đến từ ĐH Brown nhận định.

Bernanke và Blanchard kết luận trong nghiên cứu mới rằng, do lạm phát ngày nay phản ánh lại thị trường lao động quá nóng, nên giải pháp chính là hạ nhiệt nó. Để lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed, họ ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ phải tăng lên trên 4,3% từ mức 3,4% hiện tại, với điều kiện là các việc làm trống vẫn khó được lấp đầy.

Tuy nhiên, họ cho rằng lạm phát vẫn có thể giảm mà không cần tăng tỷ lệ thất nghiệp, nếu như hoạt động tuyển dụng giảm xuống bằng với mức tiền đại dịch. Có nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng này đang diễn ra./.


Theo Wall Street Journal

Chia sẻ Facebook