Lý do thị trường thịt lợn thiếu ổn định

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 16:04:57

Giá thịt lợn liên tục lên xuống thất thường gây hại cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Điều này bắt nguồn từ việc sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường.


Sự mất ổn định của giá thịt lợn


Theo VTC News , giá thịt lợn tăng gần gấp đôi từ cửa chuồng lên bàn nhậu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định thực trạng này, trong bối cảnh giá thịt lợn giảm chậm và bất hợp lý kéo dài, gây khó cho người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết hồi đầu tháng 8, giá thịt lợn đang rất cao, ở chợ phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay cả khi giá lợn hơi hạ nhiệt thì giá ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều, khiến cả người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Thừa nhận thực trạng này, ông Tiến nhấn mạnh, giá thịt lợn ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm.

Sở dĩ thị trường thịt lợn thiếu ổn định là do sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định khi giá heo hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt ở chợ sẽ ổn định theo.


Ông Tiến cũng bày tỏ, sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp, do giá lợn hơi đã giảm thời gian dài gần 2 năm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi.


Theo Kinh Tế và Đô Thị , giá thịt lợn liên tục lên xuống thất thường khiến cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng chóng mặt. Trên thực tế, có thời điểm khủng hoảng thừa, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt hơn 20.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng lên trên 100.000 đồng/kg. Việc giá lợn tăng quá cao, hay giảm quá thấp đều tác động mạnh tới nền kinh tế. Bởi trong tổng cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta, chăn nuôi lợn chiếm trên 60% giá trị.


Vì đâu giá thịt lợn lên xuống thất thường?


Theo Kinh Tế và Đô Thị , sở dĩ thị trường thịt lợn thiếu ổn định là do sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường. Hiện tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta vẫn đang khá cao (chiếm 60%). Một bất cập nữa của ngành chăn nuôi lợn đó là quá phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Hơn 1 năm nay, giá lợn chịu áp lực lớn từ giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Đây là lý do khiến giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi lại không mừng và lo sợ tái đàn thời gian qua.

Không chủ động được nguồn cung và thức ăn chăn nuôi, nên việc bình ổn giá thịt lợn là bài toán khó, làm đau đầu nhiều bộ, ngành liên quan. Trong khi đó, thị trường thịt lợn lại diễn ra một nghịch lý giữa giá lợn hơi xuất chuồng và giá thịt bán ngoài chợ.

Thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5 - 1,7 lần. Nghịch lý này khiến cho thị trường thịt lợn vốn không ổn định lại càng bất ổn hơn, gây thiệt hại cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết.

Trên thực tế, vấn đề này nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết, song việc chuyển biến còn chậm. Từ nay tới cuối năm, dự báo giá thịt lợn còn tiếp tục tăng cao, do nhu cầu tăng và nguồn cung giảm.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi của nước ta đến năm 2030 với tổng đàn lợn có mặt thường xuyên quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Ngành chăn nuôi lợn cần tổ chức sản xuất chăn nuôi, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, áp dụng chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tái đàn dựa theo tín hiệu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, để bình ổn thị trường thịt lợn, thiết nghĩ dù vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Việc cần làm ngay đó là các bộ, ngành liên quan cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng. Kiểm soát từ lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của DN, người chăn nuôi đến DN, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Từ đó, làm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.


Đào Vũ (T/h)

Chia sẻ Facebook