Lý do nhiều người trẻ thích máy ảnh kiểu cổ

Chia sẻ Facebook
06/06/2022 10:53:36

Nhiều bạn trẻ đổ xô về hoài cổ với những chiếc máy ảnh phim cũ kỹ, thay vì smartphone hiện đại sở hữu camera độ phân giải cao.

Vài năm trở lại đây, trong khi việc kinh doanh các loại máy ảnh số đang chững lại, trào lưu sưu tầm và sử dụng máy ảnh chụp bằng phim đã trở lại và dần lan tỏa với người trẻ.

Theo Guardian, những chiếc máy ảnh phim cũ và chậm lại đang có sức hút khó cưỡng với những người trẻ đã quá quen thuộc với công nghệ luôn thay đổi, nâng cấp liên tục.


Cảm xúc khác biệt

Lần đầu Indi Shields tiếp xúc với máy ảnh phim là thuở còn bé. “Chiếc máy ảnh phim đầu tiên tôi sử dụng là của ông cố để lại. Cầm nó trên tay, tôi không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Tôi học theo cách ông tôi vẫn thường dùng nó dù tôi chưa bao giờ gặp ông”, cô gái chia sẻ.

Trước đây, máy ảnh thường chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt như tiệc tùng, sinh nhật. Nhưng với Shields, cô chọn cách ghi lại những khoảnh khắc thường nhật thông qua chiếc máy ảnh phim của mình. Cô chụp cảnh bạn bè cùng nhau xem phim hay chỉ đơn giản là đường hầm mỗi khi vào ga tàu.

Ảnh phim đang trở thành một xu hướng chụp ảnh phố biến trong giới trẻ hiện nay. Ảnh: Guardian.

“Tôi chụp lại chỉ đơn giản vì chúng là những khoảnh khắc tôi muốn nhìn lại trong nhiều năm tới”, Indi Shields nói với Guardian.

Suốt khoảng thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, niềm vui của cô gái trẻ là được gửi cuộn phim đến các phòng lab để tráng ảnh. Cô thích cảm giác mong đợi những tấm ảnh thành quả mà mình đã chụp.

Nick Vlahadamis, chuyên gia chụp ảnh phim, cũng nhận thấy xu hướng quay lại sử dụng máy ảnh xưa cũ của giới trẻ. “Số lượng phim bán ra trong vòng 2 năm trở lại đây đã tăng gấp 20 lần. Các cuộn phim được gửi đến lab để tráng cũng tăng gấp 4 lần”, ông cho biết.


Tuy không phổ biến như những năm thập niên 1990, nhưng theo Vlahadamis xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục phổ biến trong tương lai. Kodak chính là một ví dụ minh họa rõ ràng nhất. Năm 2012, tập đoàn công nghiệp máy ảnh này đã tuyên bố phá sản nhưng đến năm 2020, số dư trong tài khoản của Kodak lại chạm mốc 196 triệu USD . Con số không tưởng này có được là nhờ trào lưu hoài cổ của giới trẻ.


Bên cạnh sự trở lại của Kodak, giá thành máy ảnh và các phụ kiện cũng tăng lên. Riana Jayaraj, một người “chơi” máy ảnh phim, cho biết cô đã mua chiếc Olympus Stylus cũ với giá 30 USD vào vài năm trước. Nhưng hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử, chiếc máy ảnh có giá đắt gấp 10 lần.

Sự trở lại của Kodak cho thấy trào lưu ảnh phim đang dần sống lại. Ảnh: Guardian.

Cô chia sẻ mình đã yêu thích thể loại chụp ảnh này từ 5 năm trước. Bây giờ, mỗi khi đến những sự kiện quan trọng, cô đều mang theo máy ảnh phim bên mình để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

“Tôi không mang theo nó mọi lúc mọi nơi mà chỉ vào những dịp đáng nhớ để mình có thể tận hưởng mọi trải nghiệm. Máy ảnh phim giúp tôi ghi lại mọi điều và có thể xem lại sau này chứ không phải lo lắng như khi chụp bằng điện thoại”, Jayaraj tâm sự.


Thú chơi "hoài cổ" của giới trẻ

Mặt khác, với cô, điều thú vị ở ảnh phim còn nằm ở việc nó không cho ra ảnh ngay lập tức mà phải chờ hình từ phòng rửa phim về. Cô gái trẻ cho rằng khi chụp ảnh bằng điện thoại, mọi người dường như bị tách khỏi thực tại vì họ chỉ đứng đó, nhấn nút chụp và dường như có thể tác động tới cả khung cảnh trước mắt theo ý mình. Họ có thể chụp lại cho đến khi ưng ý thì thôi.

“Nhưng với máy ảnh phim, bạn chỉ có một cơ hội duy nhất. Việc bạn phải làm là nhấn nút chụp và cầu mong rằng ảnh ra sẽ tốt”, cô nói. Máy ảnh phim chỉ có thể lưu trữ bằng phim với số lượng ảnh từ 35-40 ảnh. Do đó, người dùng không thể chụp liên tục như với điện thoại di động.

Jayaraj cũng không phải là bạn trẻ duy nhất dùng máy ảnh phim để tránh xa những thiết bị kỹ thuật số. Cô nhận thấy bạn bè xung quanh cũng bắt đầu có sở thích này. “Tôi cảm thấy hình như bây giờ ai cũng sử dụng máy ảnh phim. Thậm chí một vài người bạn của tôi còn có tài khoản Instagram riêng để đăng tải những tấm ảnh phim họ chụp”, Jayaraj chia sẻ.

Nhiều người nổi tiếng như Lisa (BlackPink), V (BTS) cũng thích thú với dòng máy ảnh hoài cổ này. Ảnh: Instagram.

Theo Guardian, ngoài các dòng máy phim thông thường, máy ảnh dùng 1 lần cũng được các bạn trẻ yêu thích. Trong đó, The Reloader là một thương hiệu máy ảnh dùng 1 lần có thể tái sử dụng do sinh viên Madi Stefanis ở Úc thành lập.

Cô gái đã lấn sân vào sản xuất máy ảnh sau nhiều năm bán máy ảnh cũ trên các sàn thương mại điện tử. “Tôi muốn ra mắt một sản phẩm phù hợp với mọi độ tuổi và mọi khả năng chụp ảnh, đồng thời giảm sử dụng các dòng máy ảnh dùng 1 lần”. Stefanis cũng cho biết đa phần khách hàng của cô là phái nữ, đặc biệt là giới trẻ từ 18-34 tuổi.

Khi máy ảnh phim thành trào lưu trở lại, nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại muốn ghi lại khoảnh khắc với những tấm ảnh mờ nhòe, vỡ hạt của máy phim thay vì những bức ảnh sắc nét được chụp bởi máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Với Shields, máy ảnh phim giúp cô được sống trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại và mong đợi về một thành quả kì diệu nào đó, khác hẳn với việc chụp điện thoại.

“Tôi còn không nhớ mình để máy ảnh kỹ thuật số ở đâu. Nhưng chiếc máy ảnh phim thì luôn nằm ngay ngắn trên bệ lò sưởi và nó cũng là thứ đầu tiên mọi người nhìn thấy khi bước vào phòng tôi”, cô tâm sự. Shields cũng chia sẻ rằng mình càng ngày càng thích ảnh phim vì thấy nó rất thú vị. Theo cô, ảnh phim chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ và sự sáng tạo.


(Theo Zing)

Chia sẻ Facebook