Lý do nào khiến các hãng rút hàng tỷ đô la lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc?
Các doanh nghiệp nước ngoài đang rút tiền ra khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn mức họ đưa vào, dữ liệu chính thức cho thấy.
Tác giả, Annabelle Liang Vai trò, Phóng viên kinh doanh BBC 14 tháng 11 2023
Kinh tế đang chững lại, lãi suất thấp và cuộc tranh chấp địa chính trị với Hoa Kỳ đã làm dấy lên nghi ngờ về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc.
Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào cuộc gặp quan trọng giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong tuần này ở Thượng đỉnh APEC tại California, Hoa Kỳ.
“Những lo lắng xung quanh rủi ro địa chính trị, sự không chắc chắn về chính sách trong nước và tốc độ tăng trưởng chậm hơn đang thúc đẩy các công ty nghĩ về các thị trường thay thế,” Nick Marro từ bộ phận phân tích tin tức tình báo kinh tế Economist Inteligence Unit (EIU) thuộc tờ The Economist nói.
Trung Quốc ghi nhận mức thâm hụt 11,8 tỷ USD trong đầu tư nước ngoài trong ba tháng tính đến cuối tháng 9 - lần đầu tiên kể từ khi việc ghi chép bắt đầu được thực hiện, năm 1998.
Điều này cho thấy các công ty nước ngoài không tái đầu tư lợi nhuận của họ vào Trung Quốc mà đang chuyển tiền ra khỏi nước này.
Trung Quốc cần “sửa sai”
“Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn và cần thực hiện một số điều chỉnh,” người phát ngôn của hãng sản xuất máy móc công nghiệp Thụy Sĩ Oerlikon cho biết.
“Vào năm 2022, chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên nêu ra một cách minh bạch rằng chúng tôi dự đoán sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi,” phát ngôn nhân của hãng nói thêm. "Do đó, chúng tôi bắt đầu sớm thực hiện các hành động và biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động này.”
Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của hãng. Hãng có gần 2.000 nhân viên trên toàn quốc, chiếm hơn một phần ba doanh số bán hàng của mình.
Oerlikon lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong vài năm tới, “là một trong những mức cao nhất trên thế giới”.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các doanh nghiệp như Oerlikon đã phải đối mặt với những thách thức khi hoạt động tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Trung Quốc đã thực hiện một trong những biện pháp phong tỏa đại dịch nghiêm ngặt nhất thế giới thông qua chính sách “không Covid”.
Điều này gây ra sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng của nhiều công ty, chẳng hạn như hãng khổng lồ công nghệ Apple, vốn sản xuất phần lớn iPhone tại Trung Quốc. Kể từ đó, công ty đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bằng cách chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.
Chụp lại hình ảnh,
Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc
Ông Marro tin rằng nhiều công ty đã chú ý đến lời kêu gọi đa dạng hóa trong năm nay, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng với những hạn chế xuất khẩu mới đối với nguyên liệu thô và công nghệ cần thiết để sản xuất chip tiên tiến.
“Chúng tôi không thấy nhiều công ty rút khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty đa quốc gia lớn đã có mặt trên thị trườngnày từ hàng thập kỷ và họ không sẵn sàng từ bỏ thị phần mà họ đã dành 20, 30 hoặc 40 năm để vun đắp. Nhưng về mặt đầu tư mới thì chúng tôi thấy rằng các hãng đang đánh giá lại."
Lãi suất thấp
Các doanh nghiệp cũng đang xem xét tác động của lãi suất. Trung Quốc đi ngược lại xu hướng này khi nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất mạnh vào năm ngoái.
Nhiều ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã tăng lãi suất để khống chế lạm phát. Chi phí vay cao hơn, vốn hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn, cũng sẽ thu hút vốn nước ngoài.
Trong khi đó, giới soạn chính sách ở Trung Quốc lại cắt giảm chi phí vay để hỗ trợ nền kinh tế và ngành bất động sản đang gặp khó khăn. Đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 5% so với đồng đô la và đồng euro trong năm nay.
Thay vì tái đầu tư thu nhập từ Trung Quốc vào nước này, các công ty đang quay sang chi tiêu, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết.
"Những công ty có tiền mặt và thu nhập dư thừa ở Trung Quốc đang ngày càng chuyển càng nhiều các khoản này ra nước ngoài, nơi họ sẽ kiếm được lợi tức đầu tư cao hơn so với đầu tư vào Trung Quốc.
"Một số công ty đã rút thu nhập từ Trung Quốc ra như khoản lợi nhuận trong 'một phần trong chu kỳ dài hạn' một khi các dự án của họ đạt đến quy mô và lợi nhuận cụ thể," Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhận xét.
“Việc rút lợi nhuận không nhất thiết cho thấy các công ty không hài lòng với Trung Quốc, mà đúng hơn là họ thấy khoản đầu tư của họ ở đây đã đến lúc gặt hái kết quả.”
Ông Hart nói rằng điều này “đáng khích lệ vì điều đó có nghĩa là các công ty có thể tích hợp hoạt động tại Trung Quốc vào hoạt động toàn cầu của họ”.
Công ty điện tử hàng không vũ trụ Firan Technology Group có trụ sở tại Canada đã đầu tư tới 10 triệu đô la Canada (7,2 triệu đô la Mỹ) vào Trung Quốc trong thập kỷ qua, và đã rút 2,2 triệu đô la Canada khỏi quốc gia này vào năm ngoái và trong quý đầu tiên của năm 2023.
“Chúng tôi hoàn toàn không rời khỏi Trung Quốc. Chúng tôi đang đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh của mình ở đó và rút hết tiền mặt dư thừa để đầu tư vào nơi khác trên thế giới,” Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty Brad Bourne nói.
“Chúng tôi có tiền mặt dư thừa ở Trung Quốc và việc mang số tiền đó về để tài trợ cho các thương vụ mua lại gần đây ở Mỹ của chúng tôi chỉ là cách quản lý tiền mặt thận trọng,” ông nói thêm.
Trước mắt là tình trạng không chắc chắn
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều điều không chắc chắn về những gì đang ở phía trước - cả về lãi suất và mối quan hệ Trung-Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế, Dan Wang, trưởng kinh tế gia của Hang Seng Bank China, nói.
Việc giảm lãi suất có thể gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ vốn đã yếu đi. “Hiện tại dư địa cho việc nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế vì áp lực mất giá của đồng tiền,” bà nói.
“Nếu tâm lý kinh tế cải thiện vào tháng tới, có thể nói rằng Trung Quốc sẽ hạ lãi suất. Nhưng nếu tâm lý không cải thiện, ngân hàng trung ương sẽ phải đưa ra một quyết định rất khó khăn.”
Ông Marro từ EIU cho biết các doanh nghiệp lạc quan một cách thận trọng về cuộc gặp sắp tới giữa Chủ tịch Tập và ông Biden.
"Các cuộc gặp trực tiếp giữa ông chủ tịch và ông tổng thống có xu hướng tạo ra lực ổn định cho quan hệ song phương. Chúng tôi cũng đã chứng kiến một loạt các cam kết ngoại giao Mỹ-Trung trong vài tháng qua, điều này góp phần tạo nên cảm giác rằng cả hai bên đều đang hướng tới việc thiết lập bệ đỡ cho mối quan hệ," ông nói.
“Nói vậy, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để mọi thứ lại sụp đổ lần nữa. Cho đến khi các công ty và nhà đầu tư cảm thấy họ có thể điều hướng một cách chắc chắn hơn, thì lực cản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục.”