Lý do Israel nhất quyết từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine
Mặc dù chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và lên tiếng ủng hộ Ukraine nhưng Israel vẫn chưa viện trợ quân sự trực tiếp cho Kiev và cố gắng không làm tổn hại quan hệ với Moscow.
Bảo vệ công nghệ “cực kỳ bí mật”
Cho tới hiện tại, Israel vẫn giữ quan điểm trung lập và chủ yếu đứng ngoài lề kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Mới đây, trong một cuộc họp báo với các đại sứ Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố: “Tôi muốn nói rõ ràng rằng chúng tôi không bán vũ khí cho Ukraine. Tôi là Bộ trưởng Quốc phòng và tôi chịu trách nhiệm về việc xuất khẩu vũ khí của Israel”.
Ông Gantz nhấn mạnh thêm rằng Israel sẽ chỉ tiếp tục gửi viện trợ y tế và nhân đạo cho Ukraine: “Israel ủng hộ và sát cánh với Ukraine, NATO và phương Tây. Đây là điều chúng tôi đã từng nói và hôm nay tôi muốn nhắc lại. Israel có chính sách hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ nhân đạo và cung cấp thiết bị phòng vệ cứu sinh”.
Ngày 20/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid cũng cho biết ông đã được cập nhật về cuộc xung đột Nga-Ukraine, khẳng định rằng Israel “đứng về phía người dân Ukraine”. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc Ukraine chính thức đề nghị cung cấp hệ thống phòng không.
Tuyên bố của ông Gantz được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 18/10 cho biết Kiev sẽ chính thức đề nghị Israel “ngay lập tức” chuyển giao các hệ thống phòng không cho Ukraine và chia sẻ công nghệ quân sự.
Giới chức Ukraine trước đó cũng đã nhiều lần đề nghị Israel cung cấp các hệ thống phòng thủ như Vòm Sắt (Iron Dome), David Sling, hay hệ thống phòng thủ Barak 3. Tuy nhiên, các nhà phân tích an ninh cho rằng Israel không có đủ hệ thống Vòm Sắt để dự phòng để viện trợ, nhất là trước những mối đe dọa an ninh mà nước này phải đối mặt trong khu vực.
Bên cạnh đó, theo ông Amos Yadlin, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Quốc phòng Israel, Vòm Sắt được coi là “công nghệ cực kỳ bí mật và Israel không muốn nó rơi vào tay những người Iran hiện đang ở Crimea cũng như rơi vào tay Nga”.
Hôm 16/10, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng viện trợ quân sự của Israel cho Ukraine sẽ "phá hủy mọi quan hệ ngoại giao" giữa hai nước. "Đây là quyết định rất liều lĩnh vì sẽ làm tổn hại đến tất cả mối quan hệ giữa các quốc gia”, ông Medvedev viết trang cá nhân.
Trong khi đó, ngày 24/10, New Yorker dẫn một nguồn tin trong Lầu Năm Góc cho hay, Mỹ cũng sẽ không cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS do năng lực công nghiệp hạn chế.
Các chuyên gia quân sự cho biết, chi phí cho mỗi bệ phóng khoảng 7 triệu USD, trong khi Ukraine tiêu tốn hơn 5.000 tên lửa mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty Lockheed Martin chỉ sản xuất 9.000 tên lửa mỗi năm.
Vấn đề tương tự cũng tồn tại với các hệ thống phòng không mà Kiev yêu cầu. Theo đó, vấn đề này liên quan đến kỹ thuật hơn là chính trị. Các nhà chức trách Mỹ không có đủ lực lượng phòng không dự phòng để chuyển chúng đến Ukraine.
Nga xây dựng công sự trận địa chống xe tăng ở miền Đông Ukraine
Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng. Cả hai bên đều nỗ lực đạt được mục tiêu của mình.
Theo các hình ảnh vệ tinh mới được công bố bởi Maxar Technologies cho thấy, một công sự dài gần 2 km đã được xây dựng bên ngoài thị trấn Hirske do Nga chiếm đóng, ở miền Đông Ukraine, CNN đưa tin ngày 21/10 (giờ địa phương). Công sự bao gồm 4 dãy kim tự tháp bê tông, được kỳ vọng sẽ ngăn chặn các phương tiện và xe tăng của Ukraine khi di chuyển về phía Đông. Một đường hào lớn nằm phía sau công sự chống tăng.
Hình ảnh vệ tinh bổ sung từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho thấy việc đào hào được tiến hành theo hai phần: đoạn hào đầu tiên được đào bắt đầu vào ngày 25/9, phần thứ hai của rãnh được đào vào khoảng từ ngày 30/9 đến ngày 5/10.
Hai hãng truyền thông Nga đã đưa tin từ địa điểm công sự, họ đặt tên là “Đường Wagner” ám chỉ Tập đoàn Wagner của lính đánh thuê Nga. Zvedza TV, cơ quan truyền thông của quân đội Nga, cho biết đây là “tuyến phòng thủ thứ hai” nếu Ukraine cố gắng đột phá trong khu vực.
Mặc dù công sự có thể giúp phòng thủ trước một cuộc tấn công trực diện nhưng không có gì ngăn cản được các lực lượng Ukraine chỉ chuyển xung quanh công sự, vốn chỉ trải dài 1,6 km.
Tờ RIA/FAN của Nga đã công bố một bản đồ vào hôm 19/10, tuyên bố nhóm Wagner sẽ tiếp tục xây dựng “phòng tuyến” của họ cho đến khi nó trải dài về phía Đông từ biên giới Nga-Ukraine đến Kreminna, sau đó về phía Nam đến Svitlodarsk.
Một phân tích của CNN về bản đồ cho thấy rằng một công sự trận địa sẽ kéo dài khoảng 217 km, tương đương khoảng 135 dặm. Hình ảnh vệ tinh bổ sung được CNN xem xét không cho thấy có bất kỳ công trình xây dựng nào khác dọc theo con đường có chủ đích của “Đường Wagner”.
Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Wagner sử dụng chiến hào để củng cố vị trí của họ. Vào năm 2021, công ty cung cấp lính đánh thuê này từng xây dựng hơn 70km chiến hào trên sa mạc Libya để ngăn chặn những cuộc tập kích trên bộ nhằm vào các vị trí của họ ở đó.
Mộc Miên-Bích Thảo (Theo Times Of Israel, CNN)