Lý do hàng nghìn tấn lúa Việt Nam ngon nhất thế giới bị 'om' trong mưa nắng
Hơn 3.800 tấn lúa ST24, ST25 thu hoạch sớm ở vùng chuyên canh lúa - tôm huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) không được thương lái thu mua do ẩm mốc, khiến nhiều nông dân như “ngồi trên đống lửa", có ấp cán bộ tiếp nhận hơn 50 cuộc gọi cầu cứu mỗi ngày.
Ngồi trên đống lửa
Tại Cà Mau, vùng canh tác lúa-tôm khoảng 40.000ha, tập trung chủ yếu tại Thới Bình với khoảng 19.000ha. Do đặc thù chỉ gieo trồng được duy nhất một vụ lúa trong năm nên vào mùa mưa hằng năm, người dân tận dụng nước mưa để rửa mặn vuông tôm để gieo trồng vụ lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh.
Với vụ lúa này, cao điểm thu hoạch từ nay đến cuối tháng 12. Thường lệ, đây cũng là thời điểm trời đã dứt mưa, mặt ruộng ráo nước. Tuy nhiên, việc mưa bất thường như năm nay, cộng với một phần chủ quan của nông dân khiến lúa bị ngập úng, nông dân không kịp trở tay.
Bà Nguyễn Thị Nga - ngụ ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình - cho biết, gia đình có khoảng 3ha trồng lúa trên đất nuôi tôm với năng suất bình quân 6 tấn/ha.
“Khi bên thu mua xuống xem lúa, họ nói rằng lúa không đạt độ ẩm, từ chối thu mua nên chúng tôi phải phơi nắng lại. Do số lượng lúa quá lớn cộng với trời mưa liên tục nên bị ẩm mốc, mọc rễ, tôi buộc phải huy động 4 cây quạt ngày đêm nhằm ‘chữa cháy’ tạm thời”, bà Nga nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Lắm - ấp Phước Hoà, xã Biển Bạch Đông - chỉ tay về đống lúa đang phơi dưới mái che trong nhà, lộ rõ nỗi lo lắng.
Theo lời ông Lắm, gia đình làm được 3 vụ lúa ST24 nhưng không năm nào như năm nay. Đến nay, gia đình đã thu hoạch hoàn tất, nhưng phía công ty không chịu thu mua. Giờ đây ông không biết phải làm sao.
Hơn 50 cuộc gọi cầu cứu mỗi ngày
Tính đến hết 27/11, diện tích lúa - tôm toàn huyện Thới Bình đã thu hoạch sớm được hơn 1.900ha (khoảng 10% tổng diện tích lúa - tôm toàn huyện), với tổng sản lượng hơn 12.400 tấn. Lúa tồn đọng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch Đông, Trí Phải, trung bình mỗi nơi còn từ 1.100 đến hơn 1.300 tấn lúa ST24, ST25 chưa bán được.
Trong cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho nông dân vào sáng 28/11 tại UBND xã Biển Bạch Đông, đại diện các Hợp tác xã Dân Phát, Hoà Phát (xã Biển Bạch Đông) và Ông Đuông (xã Tân Bằng) bày tỏ mong muốn chính quyền và ngành chức năng mau chóng can thiệp “giải cứu” lúa tồn giúp nông dân , nếu để lâu lúa sẽ bị ẩm mốc, lên mọng hỏng...
Ông Nguyễn Văn Lượng - Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông - nói tại cuộc họp: “Mỗi ngày cán bộ ấp nhận hơn 50 cuộc gọi cầu cứu. Nông dân thu hoạch lúc mưa liên tục, lúa bị ẩm. Trước tình cảnh này các công ty hạ giá thu mua, nếu không hạ họ từ chối thu mua khiến nông dân quá khó khăn”.
Cùng nỗi niềm trên, ông Lê Văn Tây, Giám đốc Hợp tác xã Ông Đuông (xã Tân Bằng) bức xúc: “Bà con xã viên gọi người bên công ty 2- 3 ngày chưa ai xuống đo độ ẩm. Giờ công ty A An trả lời có mua lúa của dân hay không, chứ ngồi bàn hoài lúa trong dân bị ẩm mốc hỏng hết”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, A An là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long và đây cũng là năm đầu tiên đơn vị này liên kết chuỗi tiêu thụ lúa tại Thới Bình, tổng diện tích khoảng 1.000ha, chủ yếu với giống ST24, ST25 tại địa bàn xã Tân Bằng và Biển Bạch Đông.
Đến nay, đơn vị trên mới thu mua được hơn 191 tấn lúa thương phẩm ở địa bàn Biển Bạch Đông và Tân Bằng, số lượng chưa được 10% tổng sản lượng lúa nông dân đã thu hoạch sớm ở 2 xã nêu trên.
Với năng suất từ 6- 7 tấn/ha thì vụ lúa năm nay nông dân vùng lúa- tôm huyện Thới Bình “thắng đậm” về sản lượng. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ, lưu thông hàng hoá thì công sức của nông dân xuống sông, xuống bể…!.