Lý do giá heo hơi bất ngờ giảm mạnh

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 01:43:56

Giá heo có xu hướng đi xuống sau khi khi Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt heo, Bộ NN&PTNT có văn bản về việc siết chặt buôn bán, vận chuyển heo qua biên giới.

Theo báo Tiền Phong, ngày 6/8, tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Hà Nội đang thu mua heo hơi với giá 68.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000-6.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tuần.


Mức giá cao nhất khu vực 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Bình. Còn giá thấp nhất là 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam và Tuyên Quang. Các địa phương còn lại, giá heo hơi dao động quanh ngưỡng 66.000 – 67.000 đồng/kg. So với thời điểm giá heo hơi lập đỉnh 75.000 đồng/kg, giá lợn hơi khu vực miền Bắc trong những ngày qua đã liên tiếp giảm mạnh từ 6.000-10.000 đồng/kg.


Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay cũng tăng giảm trái chiều, với mức điều chỉnh từ 1.000 - 6.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại Đắk Lắk đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 60.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg so với mấy ngày đầu tuần). Mức giảm sâu nhất hôm nay được ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận, với giá giảm khoảng 6.000 đồng/kg đưa giá heo hơi địa phương này xuống mốc 62.000 đồng/kg.


Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi quay đầu giảm, và dao động trong khoảng 58.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Tây Ninh thu mua lợn hơi ở mức 61.000 đồng/kg. Các tỉnh thành gồm Bình Phước , Bình Dương, Trà Vinh, Bến Tre và TP Hồ Chí Minh, sau khi giá giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, giá heo hơi tiếp tục được điều chỉnh giao dịch xuống còn 61.000 - 62.000 đồng/kg.

Trước đó, trong hai tuần đầu tháng 7, giá heo hơi đột ngột tăng sốc từ 60.000 đồng/kg lên tới 75.000 đồng/kg.

Giá heo có xu hướng đi xuống sau khi Chính phủ yêu cầu dùng biện pháp bình ổn với mặt hàng này và Bộ NN&PTNT gửi văn bản đến các địa phương về việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới.

Cụ thể sau khi nhận được phản ánh về giá thịt heo tăng mạnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố cân đối cung cầu thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.

Phó Thủ tưởng nhấn mạnh không được để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các cơ quan cần kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới; có giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trước chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển heo qua biên giới.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến hết tháng 7, tổng đàn heo vẫn tăng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%, đàn bò tăng 2,6% và năm nay chắc chắn sẽ đạt trên 7 triệu tấn thịt các loại, 18,4 tỉ quả trứng. Như vậy, trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi lên rất cao, VN vẫn yên tâm về nguồn cung thịt đảm bảo từ nay đến cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên thời gian qua, giá thịt heo ở các nước xung quanh có sự biến động rất lớn. Bộ đã có chỉ đạo, cử các đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới và cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Hiện biên giới đang được siết chặt nhưng việc mổ, chặt mảnh chở sang Trung Quốc vẫn có. Do vậy, đồng thời với việc thúc đẩy chăn nuôi nói chung thì phải rà soát việc kiểm tra ở các tỉnh biên giới để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ, sau gần 2 năm, giá thịt heo ở mức thấp, trong khi nguyên liệu thức ăn từ 30 - 45%, Bộ sẽ cố gắng điều chỉnh để tốc độ tăng trưởng của giá thị trường không quá cao mà cũng không quá thấp. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi ích từ phát triển chăn nuôi và không ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát.


Tuệ Minh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook