Lý do đằng sau “sóng thần” bán tháo các sản phẩm quản lý tài sản ở Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
30/01/2023 02:26:52

Các sản phẩm quản lý tài sản từ vị thế là yếu tố giúp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp nay đã chuyển thành yếu tố khiến biến động thị trường gia tăng.

Lý do đằng sau “sóng thần” bán tháo các sản phẩm quản lý tài sản ở Trung Quốc

Trái phiếu bị quay lưng


Khi Li Ming đầu tư khoảng 10,000 nhân dân tệ (1,450 USD ) vào một sản phẩm quản lý tài sản (WMP) hồi tháng 11/2022, anh kỳ vọng đó là một khoản đầu tư hoàn hảo. Nhưng chỉ trong vài ngày, sự hỗn loạn của thị trường trái phiếu trong nước đã dẫn đến việc giá trị của WMP sụt giảm, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bao gồm cả Li, hoảng loạn. WMP vốn đầu tư rất nhiều vào trái phiếu.

Li nói với Caixin hồi cuối tháng 11/2022 rằng: “Đây đáng lẽ là một WMP có rủi ro thấp và tôi chưa bao giờ bị lỗ từ những sản phẩm như vậy trước đây. Tôi đã định gửi khoản tiền đó vào tài khoản ngân hàng của mình”.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc sụt giảm vào giữa tháng 11 năm ngoái chủ yếu do sự thay đổi đột ngột trong kỳ vọng của thị trường, trong đó, nhà đầu tư lạc quan hơn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi chính phủ nới lỏng chính sách Zero COVID và giải cứu lĩnh vực bất động sản. Theo giới phân tích, điều đó dẫn đến đồng thuận rằng Bắc Kinh sẽ hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Kết quả, thị trường nhanh chóng chuyển từ tài sản có thu nhập cố định sang cổ phiếu khi khẩu vị rủi ro tăng lên.

Giá trái phiếu Trung Quốc sụt giảm, khiến các nhà đầu tư cá nhân rút mạnh vốn ra khỏi WMP. Điều đó buộc các nhà quản lý của WMP phải cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ, một hành động khiến đà giảm của trái phiếu càng nghiêm trọng. Tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra vào tháng 12/2022 sau khi triển vọng kinh tế được cải thiện hơn nữa khi chính phủ quyết định dỡ bỏ chính sách Zero COVID đã áp dụng từ lâu.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân - những người từ lâu đã coi WMP được bảo đảm bằng trái phiếu là một trong những nơi trú ẩn an toàn nhất - giờ mới biết về những rủi ro của các sản phẩm này, chưa kể, các quy định có hiệu lực vào tháng 01/2022 cũng đã cấm các nhà quản lý WMP đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

“WMP từ vị thế là yếu tố giúp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển thành yếu tố khiến biến động thị trường gia tăng”, các nhà phân tích tại Huatai Securities Co. Ltd. cho biết. Họ kêu gọi thị trường phải chú ý tới khả năng quản lý thanh khoản của các nhà quản lý WMP cũng như khẩu vị chấp nhận rủi ro thực tế của nhà đầu tư.

Bán tháo trong hỗn loạn


Trong 28,000 WMP của Trung Quốc, có 4,000 WMP, tương đương khoảng 14%, giao dịch dưới mức NAV ban đầu là 1 nhân dân tệ vào tháng 11/2022. Con số này cao hơn nhiều mức 4.5% trong tổng 33,333 WMP của tháng trước đó, theo dữ liệu công khai.

Sau thông báo của Chính phủ về việc nới lỏng chính sách Zero COVID, xu hướng trở nên tồi tệ hơn từ tháng 12/2022. 6,208 WMP, tương đương 23.7% trong tổng 26,193 WMP giao dịch dưới mệnh giá tính đến ngày 15/12.

Lo lắng có thể bị lỗ hơn nữa, nhà đầu tư cá nhân đã rút tiền về, khiến các nhà quản lý của WMP, cụ thể là các ngân hàng và các công ty con quản lý tài sản của họ, phải nhanh chóng xoa dịu những lo ngại. Kể từ tháng 11/2022, một số nhà quản lý WMP đã đưa ra các tuyên bố nhằm trấn an nhà đầu tư rằng sự biến động trên thị trường trái phiếu chỉ là ngắn hạn và sẽ được kiểm soát.

Làn sóng rút tiền đã buộc một số nhà quản lý WMP phải cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ. Từ ngày 14/11 đến ngày 16/12/2022, các nhà quản lý WMP đã bán ròng 535.8 tỷ nhân dân tệ trái phiếu, theo tính toán của nhà phân tích Liu Yu tại GF Securities Co.

Động thái bán tháo đã kéo giảm số dư bình quân chưa thanh toán của các WMP xuống 30.6 ngàn nhân dân tệ tính đến ngày 16/12/2022, tức giảm 1.2 ngàn tỷ nhân dân tệ trong vòng khoảng một tháng rưỡi, báo cáo của GF Securities cho biết.

Sự biến động trên thị trường trái phiếu Trung Quốc đã giảm bớt phần nào sau khi các cơ quan quản lý can thiệp. Một số ngân hàng và công ty bảo hiểm được yêu cầu mua trái phiếu vào ngày 0/12/2022 để kiểm soát tình hình, những nguồn cận tin nói với Caixin.

Tuy nhiên, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm diễn ra vào giữa tháng 12/2022 lại đưa ra tín hiệu mạnh mẽ về việc ủng hộ tăng trưởng. Điều này có thể gây ra nhiều biến động hơn trên thị trường trái phiếu trong ngắn hạn, theo nhận định của Zhang Wei, chuyên gia phân tích tại Founder Securities Co. Ltd.

Thích nghi với rủi ro

Các nhà phân tích cho biết có thể có nhiều đợt mua lại WMP lớn hơn trong những tháng tới, khi nhiều sản phẩm đáo hạn và thời gian hạn chế chuyển nhượng kết thúc. Việc này sẽ cho phép nhà đầu tư cá nhân rút tiền nhiều hơn.

Trong hai tháng qua, các ngân hàng đã trải qua cú sốc nghiêm trọng nhất trong hoạt động WMP của họ kể từ khi cơ quan quản lý vào năm 2018 tiến hành cải cách lĩnh vực này. Cuộc đại tu nhằm hạn chế hoạt động ngân hàng ngầm đang được coi là mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự ổn định tài chính của Trung Quốc.


Thay vì cung cấp các WMP được bảo đảm bằng nợ, các nhà quản lý đã được yêu cầu định giá sản phẩm dựa trên NAV , nghĩa là có thể xảy ra thua lỗ.


Tính đến cuối tháng 06/2022, hơn 95% WMP đang lưu hành dựa trên NAV , báo cáo do Cơ quan Đăng ký và Lưu ký quản lý tài sản của Trung Quốc công bố hồi tháng 08/2022.


“Trong thời gian tới, tất cả WMP do ngân hàng cung cấp sẽ được định giá bằng NAV và các nhà đầu tư sẽ phải tự chịu rủi ro”, một nhân viên quản lý tài khoản tại ngân hàng China Merchants Bank Co. Ltd. nói với Caixin. “Điều này có nghĩa là sự không chắc chắn về lợi nhuận trên WMP sẽ lớn hơn so với trước đây”.

Kim Dung (Theo Caixin Global)

Chia sẻ Facebook