Lý do các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Pháp
Sự gia tăng dòng vốn FDI chảy vào là tin tốt, nhưng nó khó có thể là lý do đằng sau những thay đổi có vẻ tích cực đối với thành quả kinh tế của Pháp.
Bất chấp bối cảnh quốc tế khó khăn và phức tạp, đặc biệt với cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tăng nhiệt ở ngay trên “lục địa già”, Pháp đã chứng minh rằng nền kinh tế của họ không chỉ kiên cường mà còn chiến thắng nghịch cảnh: Tăng trưởng hàng năm dự báo cho năm 2023 là 0,7% và cho năm 2024 là 1,4%, sau khi suy giảm đáng kể vào nửa cuối năm 2022.
Pháp cũng là nước thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu năm thứ 4 liên tiếp.
Theo một báo cáo do hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia Ernst & Young (EY) có trụ sở tại London (Anh) công bố hồi tháng 5 năm nay, số lượng dự án mới ở Pháp đã tăng 3% vào năm 2022, được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các lĩnh vực đang trong quá trình chuyển đổi như sản xuất xe điện.
Bên cạnh đó, báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Pháp năm 2022 do Business France công bố hồi tháng 5 cho thấy, 1.725 dự án đầu tư quốc tế đã đổ bộ vào Pháp và tạo ra hoặc duy trì 58.810 việc làm vào năm 2022.
Trong khi số lượng dự án đầu tư tạo việc làm được ghi nhận tăng 7% so với năm 2021, mức tăng số lượng việc làm được tạo ra hoặc duy trì là ở mức cao lịch sử, tăng 31%, Business France cho biết.
Những con số này khẳng định các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Pháp và chứng minh sức hấp dẫn của Pháp với tư cách là một địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự của dòng vốn này.
“Thung lũng pin xe điện”
Khu vực nằm giữa thị trấn Douvrin và Billy-Berclau thuộc vùng Hauts-de-France, cực Bắc nước Pháp, đang chứng kiến quá trình hoàn thiện dự án nhà máy pin xe điện khổng lồ đầu tiên của đất nước, góp phần định hình nơi mà người Pháp gọi là “Thung lũng pin xe điện”.
Dự án nhà máy pin trị giá 3 tỷ Euro, được gọi là Automotive Cells Company (ACC), là một trong nhiều ví dụ về đầu tư trực tiếp nước ngoài gần đây vào Pháp. Gần 1.300 dự án như vậy đã được công bố vào năm ngoái, củng cố vị thế dẫn đầu của nước Pháp trong cuộc đua thu hút đầu tư ở châu Âu.
“Hiện nay toàn bộ pin cho xe điện của chúng tôi đến từ châu Á – từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng chúng tôi muốn tạo ra ngành công nghiệp của riêng mình để thiết kế, sản xuất và bán pin được làm 100% tại Pháp”, ông Matthieu Hubert, Tổng thư ký của ACC, nói với DW.
Siêu nhà máy ACC, thuộc sở hữu của một liên doanh bao gồm nhà sản xuất ô tô Hà Lan Stellantis, nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes và tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp, một khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất pin cho tối đa 500.000 phương tiện mỗi năm và sử dụng khoảng 2.000 lao động.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đã cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel bắt đầu từ năm 2035, nhiều lao động trong ngành công nghiệp xe hơi truyền thống sẽ phải tìm việc làm mới. Do đó, các dự án khổng lồ như nhà máy ACC chắc chắn sẽ rất được hoan nghênh.
Ông Hubert hy vọng ACC sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động đầy đủ, trở thành một phần của hệ sinh thái “Thung lũng pin xe điện”. Hệ sinh thái này cũng sẽ bao gồm ít nhất 3 siêu nhà máy pin xe điện khác. Các công ty, cùng với chuỗi cung ứng của họ, có thể tạo thêm tới 10.000 việc làm.
Lý do chính đáng
ACC cũng đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy khổng lồ tương tự ở Đức và Italy. Nhưng liên doanh này có lý do chính đáng để đặt siêu dự án đầu tiên của mình ở Pháp.
“Pháp có các kỹ sư và kỹ thuật viên trình độ cao và một nền văn hóa công nghiệp thực sự”, ông Hubert giải thích. “Và đất nước này có một lợi thế to lớn nếu so với các nước láng giềng như Đức: Điện hạt nhân giá rẻ”.
Các lò phản ứng hạt nhân của Pháp chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 70% điện năng của đất nước. Và Chính phủ Pháp có kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 6 nhà máy điện hạt nhân nữa.
Ông Neil Bernard, Giám đốc Quan hệ Công chúng, Tiếp cận Thị trường và Truyền thông tại Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Chiesi (Italy), đưa ra một lập luận khác ủng hộ đầu tư vào Pháp.
“Cơ quan chức năng Pháp luôn tích cực hỗ trợ chúng tôi trong các dự án của mình – chúng tôi thực sự cảm thấy được chào đón ở đây”, ông Bernard nói với DW, đồng thời mô tả đất nước này là “vùng lãnh thổ chiến lược” đối với công ty.
Bên ngoài Italy, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất mà Chiesi có các công ty con – một văn phòng R&D ở Bois-Colombes gần Paris và một địa điểm sản xuất ở La Chaussée-Saint-Victory ở miền Trung nước Pháp.
Chiesi hiện có kế hoạch mở rộng nhà máy của mình ở Pháp. Tập đoàn này sẽ đầu tư 60 triệu Euro cho đến năm 2026 và tăng số lượng nhân viên từ 170 lên 300.
Sự hỗ trợ của chính quyền mà ông Bernard đề cập cũng là một yếu tố quyết định đối với Tập đoàn Vorwerk của Đức, vốn đã bén rễ ở Pháp 50 năm trước.
Công ty có trụ sở tại Wuppertal, được biết đến với thiết bị nhà bếp Thermomix, hiện đang xây dựng cơ sở sản xuất thứ 2 của Pháp tại Donmar ở khu vực phía Bắc của Centre-Val-de-Loire. Cơ sở ban đầu, được gọi là Vorwerk Semco, nằm ở Cloyes-les-trois-Rivieres, cách thủ đô Paris 150 km về phía Nam.
“Chúng tôi biết chính phủ ủng hộ doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu tái công nghiệp hóa nước Pháp , điều mà chúng tôi đánh giá cao”, ông Sebastian Weber, Tổng giám đốc Vorwerk Semco, nói với DW.
“Hơn nữa, đất nước này có cơ sở hạ tầng rất tốt và công nhân có tay nghề cao”, ông Weber nói thêm.
Vorwerk sẽ tuyển dụng thêm 74 công nhân như vậy cho cơ sở mới, nhằm mục đích đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Hiệu quả thực sự
Việc dẫn đầu châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài năm thứ 4 liên tiếp mang lại danh hiệu uy tín cho Pháp, nhưng hiệu quả thực sự của nó vẫn còn phải chờ xem.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện một số cải cách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Olivier Becht, Bộ trưởng Đặc trách Ngoại thương, Sức hấp dẫn và Công dân Pháp ở nước ngoài, nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống 25%, làm cho luật lao động của chúng tôi linh hoạt hơn, cắt giảm thủ tục hành chính quan liêu và cung cấp thêm các suất đất cho các nhà đầu tư”, ông Becht giải thích với DW, nhấn mạnh rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài là một lợi ích cho nền kinh tế.
“Những dự án như vậy đã tạo ra 58.000 việc làm vào năm 2022. Nền kinh tế đã tăng trưởng 2,6% vào năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, trong khi các quốc gia như Đức rơi vào suy thoái”, ông nói.
“Tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp đã giảm từ 10% xuống còn khoảng 7% trong vòng vài năm, vì dân số của chúng tôi đang già đi và có ít người sẵn sàng làm việc hơn”, bà Alsif nói với DW.
Các doanh nghiệp cũng đã được nhận trợ cấp để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, bà cho biết thêm.
“Đó là lý do tại sao doanh nghiệp có thể sẵn lòng đầu tư những khoản tiền lớn, từ đó giúp nền kinh tế của đất nước tăng trưởng”, bà nói .
Minh Đức (Theo DW, CCSF, European Council)