Lý do Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước
Với lý do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa phù hợp.
Đề xuất giảm thuế trước bạ ô tô
Vừa qua các hiệp hội, địa phương đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu.
Cụ thể, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số hiệp hội khác đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu.
Theo VAMA, sau thời gian thị trường xe trong nước ghi nhận tình trạng ảm đạm, doanh số sụt giảm, để kích cầu thị trường cần có những chính sách đủ mạnh như gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2023 và giảm 50% lệ phí trước bạ. Các chính sách này được đề nghị ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay.
Giải thích việc lần này lại đưa ra đề nghị trên, VAMA nêu thực tế, siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ô tô đang gồng mình đối mặt tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh.
Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng nêu thực trạng tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng.
Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô là chưa phù hợp
Theo Bộ Tài chính, hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo Bộ Tài chính, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
“Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, đề cập đến khó khăn của thị trường ô tô, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyên Hồng Diên cũng nêu giải pháp, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương (như của UBND tỉnh Quảng Nam), đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành:
Thứ nhất, tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023;
Thứ hai, tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Trong Nghị quyết, một trong các nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu việc tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Thực hiện hiệu quả, thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Cùng với đó là tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường để điều hành phù hợp, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống. Củng cố, phát triển các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; có giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics để tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.
Trúc Chi (theo VOV, VTV, Lao Động)