Lý do bất ngờ khiến Lệnh phi dù được vua Càn Long sủng ái hết mực vẫn không được phong làm Hoàng hậu
Dù được Hoàng đế Càn Long hết lòng sủng ái nhưng đến cuối đời Nguỵ Giai thị - Lệnh phi vẫn không được sắc phong làm Hoàng hậu. Từ đây, hậu thế đưa ra không ít lý giải, tuy nhiên, việc này vẫn là một ẩn số cho tới ngày nay.
Nhan sắc tuyệt trần, cả đời được ân sủng
Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, hay còn được biết đến là Ngụy Giai thị, con gái của nội quản Ngụy Thanh Thái, xuất thân từ tầng lớp bao y thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, hay nói cách khác là tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất vô cùng tầm thường, thấp kém.
Bà vào cung với thân phận của một cung nữ, nhưng nhờ có nhan sắc tuyệt trần, tấm lòng thiện lương, giỏi cầm kỳ thi họa và hiểu biết hơn người nên đã trở thành một trong số ít những người nhận được sự sủng ái lâu dài của vua.
Năm Càn Long thứ 9 (1745), Ngụy Giai thị trở thành Ngụy Quý nhân, rất nhanh sau đó được phong Lệnh Tần, Lệnh Phi rồi đến Hoàng Quý phi. Không chỉ tài sắc vẹn toàn, bà còn là người hiền hậu, vẫn giữ được tấm lòng thiện lương cho đến cuối đời. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thập ngũ Hoàng tử Vĩnh Diễm được vua Càn Long chọn làm Hoàng đế kế nhiệm cũng một phần vì tình cảm sâu sắc mà ông dành cho bà.
Tuy nhiên, theo thông lệ, đáng lẽ sau 3 năm mãn tang Kế Hoàng hậu, Ngụy thị có thể trở thành Hoàng hậu kế tiếp nhưng đến cuối đời bà cũng chỉ ở danh vị Hoàng quý phi.
Mãi cho tới năm 1795, Càn Long thoái vị nhường ngôi cho Gia Khánh, Lệnh Ý Hoàng quý phi mới được truy phong làm Hoàng hậu, thụy hiệu Hiếu Nghi.
Vì sao Càn Long Đế vẫn không sắc phong bà làm Hoàng hậu?
Theo nhiều tài liệu lý giải, thứ nhất, Càn Long không sắc phong Lệnh Phi làm Hoàng hậu là do bảo toàn sinh mạng cho các con trai của bà, đặc biệt là Vĩnh Diễm, Gia Khánh Đế sau này. Theo đó, Càn Long Đế từ sớm đã có ý định nhường ngôi cho Thập ngũ A ca Vĩnh Diễm, con trai của Lệnh Phi làm người kế vị.
Theo nguyên tắc, việc chọn người kế vị, hoàng đế không được sắc phong cho vị hoàng tử nào làm thái tử, người kế vị tiếp theo, trước khi họ thoái vị hoặc qua đời. Mục đích của việc này là tránh hậu cung và các đại thần gièm pha, câu kết, bày mưu hãm hại người kế vị tương lai.
Chưa kể, nếu lập Lệnh Phi làm Hoàng hậu, nghiễm nhiên, ngôi vị Hoàng đế tương lai sẽ thuộc về con trai của Lệnh Phi. Từ đây, các phi tần, quan lại trong triều có thể sẽ âm thầm làm hại vị vua tương lai mà Càn Long Đế đã chọn. Hoặc họ sẽ kết bè, kéo cánh gây chia rẽ nội bộ.
Thứ hai, Càn long không lập Lệnh Phi làm Hoàng hậu một phần cũng xuất phát từ sự ích kỷ của riêng ông. Mối quan hệ của Càn Long và vị Hoàng hậu thứ 2, tức Kế Hoàng hậu, kết thúc không hề tốt đẹp. Khi qua đời, Kế Hoàng hậu không được phong thụy hiệu, tang lễ được tổ chức rất sơ sài không khác gì với một cung nữ và thậm chí bà còn không có mộ phần riêng.
Theo một số nhà sử gia, Càn Long không muốn lập Lệnh Phi làm Hoàng hậu vì không muốn mang tiếng là ông vua nhìn sắc chọn hậu.
Bàn việc Kế Hoàng hậu bị thất sủng, Càn Long luôn nói rằng bà đã gây ra sai lầm không thể dung thứ nhưng cụ thể đó là gì thì không được ông nhắc tới. Xoay quanh việc này, nhiều người đồn rằng do Kế hoàng hậu đã già, nhan sắc phai tàn nên mới bị Càn Long ghẻ lạnh.
Trước những tin đồn này, Càn Long vô cùng tức giận, phản bác mọi việc và nói rằng ông không phải là một kẻ trọng sắc khinh tình. Trong khi đó, Lệnh phi lại là một phi tần không chỉ có tâm tính lương thiện, thông minh nhanh nhẹn mà còn có nhan sắc tuyệt trần.
Vẻ đẹp của bà được ví giống như một bức tranh thủy mặc, sâu lắng, nhưng lại khiến người khác có cảm giác thoải mái, yên bình. Cũng chính vì vậy, Càn Long không muốn mình bị đánh giá là một ông vua chỉ coi trọng khuôn mặt nên không lập Lệnh Phi làm Hoàng hậu.
Người phụ nữ thứ 5 được hợp táng với Hoàng đế
Lệnh phi qua đời vào năm Càn Long thứ 40, nhằm ngày 29 tháng Giêng (Âm lịch), hưởng thọ 49 tuổi. Ngoài việc ban cho bà thụy hiệu Lệnh ý Hoàng Quý phi, vua Càn Long còn viết một bài thơ mang tên "Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi" để tưởng nhớ bà. Càn Long Đế còn ngừng thiết triều 5 ngày, để tang vị phi tần này.
Lượng văn vật bồi táng của bà còn được thêm 18 kiện so với đãi ngộ thông thường dành cho Hoàng quý phi khi tổng cộng có tới 76 kiện, chỉ kém 1 kiện so với Hoàng hậu.
Không những vậy, bà là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng với vua tại địa cung. Quan tài của bà nằm ngay bên phải đế quan của Càn Long Đế. Có thể thấy được, tình yêu thương và sự trân trọng của thiên tử đối với bà nhiều đến thế nào.
Nếu Lưu Bị thống nhất Tam Quốc, hai mãnh tướng 'thân thiết' này sẽ bị giết: Đó là ai?