Lưỡng hội ĐCSTQ: Trùm công nghệ ‘rời sân’, chuyên gia chip ‘vào trận’
Các ông trùm công nghệ đã biến mất khỏi danh sách tham dự kỳ họp “lưỡng hội" của ĐCSTQ...
Các ông trùm công nghệ như người sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng và người sáng lập Baidu Lý Ngạn Hoành đã biến mất khỏi danh sách tham dự kỳ họp “lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thay vào đó là các nhà nghiên cứu và kỹ sư trong ngành phần cứng công nghệ như chip.
Kỳ họp thứ nhất Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp) khóa 14 và kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Nhân đại) khóa 14 (hai kỳ họp này gọi tắt là lưỡng hội) lần lượt được tổ chức vào ngày 4 và 5/3. Lưỡng hội ĐCSTQ năm nay sẽ thể hiện mức độ nắm giữ quyền lực của ông Tập Cận Bình trong trong nhiệm kỳ thứ ba, cũng dự kiến sẽ công bố các mục tiêu kinh tế cho năm 2023.
Hiện tại danh sách đại biểu tham dự lưỡng hội ĐCSTQ cũng đã truyền đạt suy nghĩ của cấp cao nhất. Một mặt, Bắc Kinh vẫn không tin tưởng vào các công ty tư nhân; mặt khác, Bắc Kinh đang thay đổi các ưu tiên của mình để tập trung vào việc củng cố ngành công nghệ phần cứng trong bối cảnh lệnh cấm của Mỹ cắt đứt các nguồn công nghệ tiên tiến của ĐCSTQ.
Trong số gần 3.000 đại biểu Nhân đại, có nhiều giám đốc điều hành và kỹ sư từ ngành công nghệ phần cứng của Trung Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Điều đáng chú ý là ông Mã Hóa Đằng và ông Lý Ngạn Hoành không có tên trong danh sách đại biểu Nhân đại cũng như danh sách ủy viên Chính hiệp. Ông Mã Hóa Đằng từng là đại biểu Nhân đại từ năm 2013, năm 2021 khi Bắc Kinh mạnh tay chỉnh đốn các công ty công nghệ, ông từng kêu gọi tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty Internet, bao gồm cả công ty của ông. Ông Lý Ngạn Hoành là ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khóa 12 và 13.
Bloomberg tin rằng sự vắng mặt rõ rệt của các ông trùm công nghệ Internet này cho thấy, sau khi phát động cuộc đàn áp kéo dài hai năm, ĐCSTQ vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ trói buộc đối với các doanh nghiệp tư nhân. Với tư cách là đại biểu Nhân đại toàn quốc, cả hai ông Mã Hóa Đằng và ông Lý Ngạn Hoành đều ủng hộ các chính sách quan trọng sau này được Bắc Kinh thông qua. Sự vắng mặt của họ gửi một tín hiệu cho thấy những ‘gã khổng lồ’ Internet sẽ có ít ảnh hưởng hơn đối với định hướng chính sách trong tương lai của Trung Quốc.
Một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ không muốn nêu tên nói với Financial Times rằng đối với ông Mã Hóa Đằng và những người khác mà nói, có thể do ảnh hưởng và địa vị chính trị của họ đã suy giảm, khiến họ không thể tiếp tục được bầu làm đại biểu.
Ngoài ông Mã Hóa Đằng và ông Lý Ngạn Hoành, những ‘con cưng’ khác trong lĩnh vực Internet Trung Quốc, bao gồm người sáng lập Alibaba Jack Ma, người sáng lập NetEase Đinh Lỗi (Ding Lei) và người sáng lập công cụ tìm kiếm Sogou Vương Tiểu Xuyên (Wang Xiaochuan), cũng không có tên trong danh sách đại biểu tham dự lưỡng hội.
Mặc dù vậy, những người nổi tiếng trên Internet không hoàn toàn bị loại khỏi danh sách, ông Diêu Kình Ba (Yao Jinbo), người sáng lập 58.com, vẫn là đại biểu Nhân đại toàn quốc.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung khiến Trung Quốc thay đổi các ưu tiên
Năm nay, một loạt đại diện mới của ngành công nghệ phần cứng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách đại biểu tham dự lưỡng hội. Reuters cho rằng điều này cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi các ưu tiên trong bối cảnh Washington cắt đứt cơ hội tiếp cận công nghệ tối tân của Trung Quốc.
Cùng với việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại đối với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần thúc giục tăng tốc các đột phá khoa học, nỗ lực đạt được tự cung tự cấp về chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác. Ông cũng ra lệnh cho đảng kiểm soát nhiều hơn chương trình công nghệ của Trung Quốc, và chỉ đạo cuộc chiến công nghệ đối kháng với Mỹ.
Mỹ đang hợp tác với các đồng minh chủ chốt để hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị chip sang Trung Quốc, thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn. Việc ĐCSTQ cam kết đầu tư thêm 1,9 tỷ đô la vào nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất Trung Quốc có thể báo trước một dòng vốn khác của chính phủ một lần nữa tràn vào.
Danh sách các đại biểu Nhân đại phản ánh tham vọng của ông Tập trong các lĩnh vực chiến lược, từ chất bán dẫn và xe điện cho đến trí tuệ nhân tạo. Danh sách này bao gồm bà Quách Hội Cầm (Guo Huiqin), kỹ sư của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC; ông Trương Tố Tâm (Zhang Suxin), chủ tịch của Hua Hong Semiconductor do nhà nước hậu thuẫn; ông Lôi Quân (Lei Jun), chủ tịch của Tập đoàn Xiaomi, công ty đang tích cực phát triển xe điện; ông Hà Tiểu Bằng (He Xiaopeng), chủ tịch của Xpeng Motors. Còn ông Trần Thiên Thạch (Chen Tianshi), chủ tịch của nhà phát triển chip AI Cambrian Technology, đã xuất hiện trong danh sách các ủy viên Chính hiệp toàn quốc.
Các đại biểu Nhân đại mới khác đến từ các công ty chế tạo robot, laser, hàng không vũ trụ.
Reuters
“Đội hình mới của lưỡng hội dường như tiết lộ ưu tiên rõ ràng của Bắc Kinh, đó là tăng cường khả năng công nghệ để đạt được khả năng tự cung tự cấp và duy trì khả năng cạnh tranh với Mỹ”
“Trong môi trường địa chính trị hiện tại, các công ty công nghệ tiêu dùng đang bị lu mờ bởi những công ty sản xuất công nghệ cốt lõi.”
Ông Lưu Khánh Phong (Liu Qingfeng), chủ tịch của iFlyTek, một công ty trí tuệ nhân tạo bị Mỹ trừng phạt, cũng có tên trong danh sách đại biểu Nhân đại.
Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm ngoái đã đề bạt một số quan chức có bối cảnh liên quan đến kỹ thuật vào Bộ Chính trị gồm 24 thành viên. Ví dụ, Ủy viên Bộ Chính trị Lý Cán Kiệt (Li Ganjie) là một chuyên gia hạt nhân.
Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm bất chấp yêu cầu của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhằm “tăng cường năng lực hệ thống khắc phục khó khăn để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ then chốt”. Nền tảng thông tin Trung Quốc “TMTPOST App” đã đăng một tài liệu vào ngày 16/2 chỉ ra rằng theo dữ liệu của nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp doanh nghiệp Trung Quốc “Qichacha”, tổng cộng 5.746 công ty liên quan đến chip ở Trung Quốc đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ giấy phép vào năm ngoái, con số này tăng mạnh từ 3.420 vào năm 2021, mức tăng 68%.
Bà Lưu Bội Chân, giám đốc Cơ sở dữ liệu kinh tế công nghiệp của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, từng nói với The Epoch Times rằng lý do đầu tiên khiến các công ty chip Trung Quốc hủy bỏ quy mô lớn là cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung. Các biện pháp kiểm soát khác nhau của Mỹ đối với chất bán dẫn của Trung Quốc tiếp tục nóng lên vào năm ngoái. Ngay cả khi các công ty Trung Quốc nhận được trợ cấp từ chính phủ, hoạt động chung của họ sẽ bị đình trệ.
Được biết, YMTC đã bắt đầu giảm đơn đặt hàng vào đầu tháng 10 năm ngoái, phù hợp với thời gian biểu do Mỹ áp đặt nhằm hạn chế việc mua chip và thiết bị sản xuất chip của các công ty Trung Quốc. Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Biden đã đưa YMTC vào danh sách thực thể, các công ty Mỹ bị cấm bán công nghệ cho các công ty trong danh sách này.
“Bộ phận của chúng tôi bắt đầu cắt giảm khoảng 10% nhân viên vào tháng Một năm nay.” Một kỹ sư đã làm việc tại YMTC khoảng 3 năm nói với Nikkei, “Họ cũng đóng băng việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.”
Theo Trương Đình, Epoch Times
Tượng Đại Phật và quyền nhà tang lễ, cách Trung Quốc giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ
Thành phố Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên đã lên kế hoạch bán quyền điều hành di tích Đại Phật, một bức tượng đá cao 71 mét từ thời nhà Đường.