“Luồng gió mới” trong hợp tác công - tư nâng cao chất lượng giáo dục
Việc bắt tay hợp tác giữa Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn giáo dục EQuest đã thổi "luồng gió mới" về hợp tác công – tư, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế
Ngày 18/5/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn giáo dục EQuest và Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET-TSC). Biên bản Thỏa thuận hợp tác này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết năm 2026.
Mục tiêu hợp tác nhằm giúp học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nâng cao trình độ tiếng Anh và tăng cường cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo cấp bằng/chứng chỉ quốc tế; hỗ trợ học sinh, sinh viên có định hướng sớm để lựa chọn ngành học phù hợp và nghề nghiệp trong tương lai; phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong việc xây dựng giải pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hợp tác công, tư để thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao.
Chia sẻ cụ thể về nội dung hợp tác tại lễ ký kết, ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest cho biết, theo Biên bản thỏa thuận, hai bên sẽ triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh, tăng cường cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, phối hợp xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bằng tiếng Anh và kết nối giới thiệu việc làm cho các giáo viên nước ngoài có nhu cầu làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, phối hợp hỗ trợ sinh viên sư phạm đến thực tập tại các hệ thống giáo dục của EQuest, tìm việc làm thêm, việc làm sau tốt nghiệp.
"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp tổ chức các cuộc thi, hội thi tạo sân chơi giao lưu tiếng Anh cho học sinh, sinh viên; các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, năng lực tiếng Anh…; các hoạt động ươm tạo tài năng học sinh, sinh viên, trại hè vinh danh học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc, trại hè bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo" – ông Bạch Ngọc Chiến nhấn mạnh.
Tăng cường hợp tác công – tư, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, năng lực ngoại ngữ cho HSSV
Ông Bùi Văn Linh - Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hai công cụ nếu làm tốt sẽ thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển mạnh hơn và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cao hơn. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ, song nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho HSSV vẫn rất quan trọng...
"Việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài; đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và dịch chuyển các nguồn nhân lực lao động giữa các quốc gia như hiện nay. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác của hai bên sẽ góp phần vào quá trình hình thành một nền tảng đầy đủ hơn trong giáo dục toàn diện kỹ năng thiết yếu cho HSSV, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Việc hợp tác với EQuest giúp Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực mở rộng hệ sinh thái, có thêm năng lực tốt để phục vụ ngành Giáo dục, xã hội tốt hơn" – Ông Bùi Văn Linh - Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực nói, đồng thời cho rằng, cần phát huy sự hợp tác công tư trong lĩnh vực này, tận dụng nguồn lực và thế mạnh của mỗi bên để nâng cao chất lượng đào tạo.
Là đơn vị đào tạo tiếng Anh có số lượng học viên theo học lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Bạch Ngọc Chiến thông tin, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ sử dụng phổ biến nhất thế giới khi mà có gần 60 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, bên cạnh tiếng mẹ đẻ và gần 100 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Để đào tạo tiếng Anh có chất lượng nguồn lực giáo viên cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng, quản lý chất lượng đào tạo cần thống nhất và nghiêm ngặt, kỹ năng và phương pháp giảng dạy cần được cập nhật thường xuyên, giáo trình giảng dạy cần theo chuẩn quốc tế, ngoài ra cũng cẩn đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, ứng dụng và tiếp cận hiệu quả học liệu mở.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế