Lương giảm dù đã gần Tết, công nhân vẫn cố giữ việc vì sợ thất nghiệp

Chia sẻ Facebook
25/11/2022 19:41:00

Dù lương ít đi nhưng nhiều người lao động vẫn cảm thấy may mắn vì ít nhất họ còn có việc. Vì vậy, điều họ cố gắng lúc này chính là cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này có không ít lao động bị cắt giảm việc làm, khiến thu nhập giảm sút, thậm chí là không có. Điều duy nhất họ có thể làm lúc này là cố cầm cự qua giai đoạn này.

Người công nhân vốn vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. (Ảnh minh họa: Người Lao Động)

Chị N.T.H. chia sẻ trên VnExpress cho biết, cuối năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên H. phải rời Bình Dương về quê sau 10 năm làm ăn xa. Sau khi tình hình ổn định, cô ra Hà Nội, tìm cơ hội mới ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Rời quê hương, nhiều lao động chọn ở những khu trọ bình dân để tiết kiệm tiền. (Ảnh: Lao Động/VTC News)

Mọi chi phí từ ăn uống đến sinh hoạt đều được công nhân tiết kiệm tối đa. (Ảnh: Lao Động)

Mỗi tháng H. kiếm được 10 triệu đồng, bao gồm cả phụ cấp lẫn tăng ca. Tuy không bằng hồi làm ở Bình Dương nhưng do gần quê hơn, được người thân gửi đồ ăn ra nên H. cảm thấy hài lòng.

Tuy nhiên đến cuối tháng 10 vừa qua, do lượng đơn hàng ít đi nên công việc cũng giảm dần. H. chỉ làm đủ 8 tiếng/ngày, không tăng ca, nghỉ 2 ngày cuối tuần. Điều này khiến lương của cô bị giảm xuống đáng kể. Nữ công nhân nhẩm tính, nếu làm đủ công thì có lẽ tháng này cô cũng chỉ kiếm được hơn 5 triệu đồng. Sau khi chi trả tiền trọ, chi phí sinh hoạt, cô chẳng để ra được đồng nào.

Nhiều công nhân chỉ dám ăn đậu qua ngày. (Ảnh: Dân Sinh)

Hơn 1 tháng qua, những bữa cơm đầy đủ thịt cá của H. và rất nhiều công nhân sống trong cùng xóm trọ đã thưa dần. H. cho biết, dù bản thân chưa đến nỗi thất nghiệp nhưng thời điểm này cô cũng chỉ cố cầm cự giữ việc với đồng lương cơ bản ít ỏi.

Người lao động tằn tiện chi tiêu cũng chỉ mong có tiền gửi về cho gia đình ở quê. (Ảnh: Vietnamnet)

Tương tự, anh Đ. - công nhân ngành điện tử làm tại khu công nghiệp Thăng Long những ngày này cũng rảnh rỗi vì công ty ít việc, không phải tăng ca. Trước đây, anh từng tự hào khoe rằng nơi mình làm "không hết việc, kể cả lúc có dịch Covid-19", vậy mà giờ đây anh chỉ đi làm giờ hành chính. Nhà máy thông báo vì đơn hàng giảm sút nên mong anh em cố gắng cùng san sẻ.

Khu công nghiệp Thăng Long là nơi tập trung rất nhiều lao động từ các tỉnh khác. (Ảnh: Dân Sinh)

Hiện tại, thu nhập của anh đã bị giảm 30% nhưng anh không dám tìm việc mới bởi còn lo cho 2 con ăn học. Anh sợ nếu mạo hiểm sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Nhắc đến thưởng Tết, anh lại thở dài chẳng dám chờ đợi mà chỉ mong giữ được việc.

Nếu như chị H., anh Đ. trẻ khỏe còn nhiều hy vọng tìm kiếm cơ hội mới thì bà Đ.T.H. (51 tuổi, công nhân tại TP.HCM) lại đau đáu nỗi lo nghỉ việc ở tuổi ngoài 50, liệu ai sẽ nhận vào làm.

Bà H. mất việc khi chỉ có vài năm nữa là về hưu. (Ảnh: VTC News)

Chia sẻ trên VTC News, bà H. xót xa cho biết, cứ nghĩ đến cảnh Tết này cả nhà mong chờ bà xách quà từ thành phố về là bà lại rơi nước mắt. Nhớ lại thời điểm công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, bà H. và nhiều đồng nghiệp khác bủn rủn chân tay. Cứ về nhà là bà H. lại khóc một mình vì chẳng biết làm gì ở tuổi sắp về hưu mà về quê cũng chẳng được.


"Mọi năm chỉ mong được nghỉ Tết sớm để có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Năm nay được nghỉ sớm rồi đó, mà sao thấy lòng nặng trĩu…”, bà nghẹn ngào nói.

Phòng trọ là chốn đi về của nhiều người sau ngày dài làm việc. (Ảnh minh họa: Lao Động)

Làm công nhân vốn vất vả, thu nhập lại chẳng cao nên bỗng dưng bị cắt giảm việc họ sẽ khó xoay xở vì chẳng phải ai cũng có khoản tích góp. Mong rằng những ngày tới tình hình sẽ khởi sắc hơn để những người lao động không còn vất vả.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Chẳng ai mong phải rời xa công ty mình đã từng gắn bó bao năm. Công nhân buồn vì mất việc thì ban lãnh đạo công ty cũng vô cùng xót xa, vì đó là cả sự nghiệp họ đã gây dựng. Nhưng làm ăn là vậy, có lúc thăng hoa thì cũng có khi trục trặc. Trong giai đoạn này, sự đồng lòng nhất trí của tất cả công nhân là rất quan trọng. Còn nước thì còn tát, hy vọng nếu vẫn còn duy trì được công việc thì mọi người hãy cố gắng cầm cự chờ ngày tươi sáng.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook