Lương bèo bọt nhưng chăm sống ảo: Họ hàng tưởng giàu tìm đến vay tiền

Chia sẻ Facebook
06/06/2023 17:41:37

'Sống ảo' không còn là việc xa lạ đối với các bạn trẻ hiện nay. Thế nhưng, đôi khi nó lại khiến những người khác có cái nhìn sai lệch và kéo theo nhiều rắc rối. Chẳng hạn như nhiều người đã bị họ hàng tìm đến vay tiền chỉ vì trông họ trên mạng có vẻ giàu có.


“Sống ảo” dường như không còn là chuyện quá xa lạ đối với Cuộc Sống Gen Z . Các bạn trẻ thường xuyên có thói quen “sống ảo”, đăng những thứ xa hoa, lộng lẫy lên mạng xã hội. Điều này vốn dĩ không gây hại gì tới những người xung quanh. Thế nhưng, khi tần suất “khoe” ngày càng dày đặc trên mạng đôi khi lại khiến chính chúng ta vướng vào những tình huống khó xử.

"Sống ảo" vốn không còn là vấn đề xa lạ đối với các bạn trẻ. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Lương bèo bọt ba cọc ba đồng nhưng lại thích “tô vẽ”

Hầu hết ai cũng thích bản thân mình luôn xuất hiện thật lung linh, rạng rỡ trong mắt người khác và trên mạng xã hội cũng vậy. Mạng xã hội từ lâu đã được coi như một khuôn mặt khác, một bức tranh thu nhỏ của cuộc sống mỗi người. Chính vì vậy, ai cũng muốn “tô vẽ” cho nó thật đẹp để gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của người khác.

Đôi khi, trên mạng và ngoài đời là hai giao diện hoàn toàn khác nhau. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Đáng nói, nhiều người trẻ đi làm lương bèo bọt nhưng xuất hiện trên mạng lúc nào cũng là hình ảnh sang chảnh, đi ăn uống ở những nơi đắt đỏ nhất. Họ lựa chọn “tô hồng” cuộc sống trên mạng xã hội và giấu đi những khó khăn, những vất vả, những nét bình dị, mộc mạc đằng sau để không ai có thể thấy được. Điều này kéo theo vô vàn hệ lụy, khiến ai nhìn vào cũng tưởng đó là một con người giàu có, sang trọng, có tiền có của nên mới đến được những nơi đắt đỏ như vậy.

Ai cũng muốn tô vẽ cho cuộc sống trên mạng của mình "màu hồng" hơn. (Ảnh minh họa: Freepik)


Bạn T.T. (2002), sinh viên năm cuối của một trường đại học chia sẻ: “Mình nghĩ ai cũng thích đẹp, bản thân mình cũng vậy thôi. Chắc hẳn là chẳng ai muốn đăng tải những hình ảnh xuề xòa, xấu xí của bản thân lên mạng cả. Vì vậy nên đi đâu mà mặc sang chảnh tý hay ăn uống ở nơi đắt đỏ thì mình cũng chụp vài tấm hình để đăng lên mạng, khoe với mọi người. Cái cảm giác được mọi người khen, ngưỡng mộ nó thực sự rất vui, đến mức mà mình không muốn thoát ra”.

Đi đến nơi nào sang - xịn - mịn cũng muốn khoe trên mạng. (Ảnh minh họa: Freepik)


Chính tâm lý đó đã khiến nhiều người dần nảy sinh sự xấu hổ với hoàn cảnh nghèo khó thực tại của mình và cố tìm mọi cách giấu diếm nó đi. Như trường hợp một cô gái muốn chia tay người yêu chỉ vì là shipper đã được YAN đăng tải thời gian trước. Mặc dù chính bạn trai là người đã chu cấp, cho cô tiền ăn học suốt 4 năm đại học. Thế nhưng, khi đi làm, tiếp xúc với sự hào nhoáng, cô lại cảm thấy người yêu mình chẳng có gì trong tay, khiến cô xấu hổ không muốn giới thiệu với ai. Đó chính là hệ quả của việc quen “tô vẽ” cuộc sống của mình một cách không thực tế.

Nhiều người cảm thấy xấu hổ khi cuộc sống thực tế của mình không được như trên mạng.


“Sống ảo” vui vui mà hệ quả không lường

Chính vì thường xuyên xuất hiện trên mạng với hình ảnh hào nhoáng, tạo ra lớp vỏ bọc giàu có khiến nhiều người tin vào điều đó. Vì vậy mà nhiều bạn trẻ đã rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi họ hàng ai cũng tìm đến vay mượn, nhờ vả vì tin vào sự giàu có ảo đó. Lúc này, nhiều bạn trẻ mới nhận hậu quả của việc “sống ảo” quá đà trên mạng xã hội.

Đôi khi việc "sống ảo" trên mạng kéo theo rất nhiều hệ lụy không lường được trước. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Thế nhưng, khi nhận ra cũng là lúc đã rơi vào tình trạng khó xử bởi lẽ họ hàng tìm đến vay tiền trong khi bản thân lại chỉ có vài đồng, lắm lúc lo cho mình còn không nổi, làm sao lo được cho người khác. Tuy nhiên, khi từ chối, họ lại phải chịu những ánh mắt phán xét từ những người tìm đến vay mượn, cho rằng họ là người ki bo, không muốn cho vay tiền.

Có người xích mích với họ hàng cũng chỉ vì họ tưởng giàu, đến vay tiền lại không cho. (Ảnh minh họa: Pinterest)


M.H. sầu não chia sẻ về tình cảnh của mình khi đã quen với việc “sống ảo” trên mạng. Cô cho biết: “Mình có thói quen là đi chỗ nào đẹp thì chụp lại vài bức đăng chơi, cùng không nghĩ ngợi nhiều gì. Cho đến khi một người anh họ của mình nhắn tin ngỏ ý vay tiền. Với một đứa vừa đi làm được 2 năm thì tiền đâu mà cho vay. Nhưng anh mình không hề tin và bắt đầu nhắc tới những tấm hình sang chảnh mình đăng trước đó. Lúc đó mình có giải thích sao anh cũng không nghe. Vậy là vừa mang tiếng ki bo, vừa làm mất tình cảm trong nhà”.

Đừng để việc "sống ảo" trên mạng xã hội làm ảnh hưởng tới đời sống thật. (Ảnh minh họa: Freepik)

Đôi khi, sự hào nhoáng mà bạn vẽ ra trên mạng xã hội khiến bạn không thể lùi lại mà chỉ có thể đi tiếp. Mạng xã hội là ảo nhưng người dùng là thật, hãy cẩn thận với bất kỳ thông tin nào trước khi bạn có ý định đăng nó lên nhé.

Mạng xã hội giống như một phiên bản thu nhỏ của con người. Ai cũng muốn bản thân mình thật đẹp, thật lộng lẫy nên luôn cố gắng chăm chút cho trang cá nhân bằng những hình ảnh lung linh, sang chảnh nhất. Hình ảnh đã đẹp lên nhưng lại vô tình kéo theo nhiều hệ lụy mà chính chúng ta cũng không nghĩ đến. Chẳng hạn như việc họ hàng tìm đến vay tiền chỉ vì nghĩ mình giàu qua những bức ảnh đi chơi, ăn uống sang trọng. Nhưng bản thân lương lại chỉ có vài đồng, chẳng đủ để cho vay khiến họ hàng nghĩ là ki bo, không muốn cho mượn gây ra xích mích tình cảm gia đình. Hãy "sống ảo" đúng cách để tránh những tình huống không hay xảy ra.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook