'Lương 14 triệu nhưng sinh viên từ chối': Nỗi day dứt của hiệu trưởng

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 11:34:14

Lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ cảm thấy rất buồn và trăn trở khi hiện nay những ngành học vốn trước đây là thế mạnh của trường đang rất khó tuyển sinh.

Một số ngành học giao thông không còn thu hút thí sinh, Hiệu trưởng đại học lo ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng, công nghệ của đất nước trong tương lai.


Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ rất buồn khi những ngành học vốn là thế mạnh của trường đang tuyển sinh rất khó, vì người học cho rằng công việc đầu ra vất vả, trong khi nhu cầu phát triển xã hội vẫn cần. Có thể kể đến như ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (các công việc việc áp dụng công nghệ sửa chữa mặt cầu đường, đường sắt tốc độ cao,...), ngành kỹ thuật máy xây dựng, ngành đường sắt.

“Giờ tuyển sinh cả nước tham gia tất cả mọi lĩnh vực ngành kinh tế thì không biết về sau kinh tế đất nước có phát triển không nữa khi mà cơ sở hạ tầng, công nghệ của đất nước đang như thế này”, ông Long lo ngại.

Ông Long kể, những học trò cũ của ông hiện đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp nói với ông về việc giới thiệu những người giỏi vào Tây Nguyên, với mức lương 14 triệu mỗi tháng. Song, nhiều sinh viên mà ông giới thiệu từ chối và trả lời rằng chấp nhận làm ở những nơi gần nhà hơn với mức lương có thể chỉ từ 7-9 triệu đồng, với lý do ngại đi xa.

Theo ông Long, bất cập cũng nảy sinh với đội ngũ giảng viên. “Như ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trường chúng tôi có 220 giảng viên. Trước đây, phát triển đội ngũ này nhằm để đào tạo cho quy mô khoảng 1.500 sinh viên, giờ đây chỉ còn tuyển sinh khoảng 600 sinh viên. Trong khi các trường khác dù số sinh viên khoảng 200-300 nhưng chỉ vài chục giảng viên nên khá thoải mái”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, khó khăn của ngành giao thông hiện nay tác động tới sự lựa chọn của người học. Nhưng đất nước nào cũng đều cần cơ sở hạ tầng giao thông, bởi đó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển. Do đó, trong tương lai có thể đây lại là những ngành "hot".

Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải.

Chia sẻ thêm về thực tế này, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho hay, 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ là 2 ngành chính của Trường ĐH Giao thông vận tải và đi kèm 2 ngành này là các lĩnh vực như xây dựng công trình đường sắt - đường bộ, cơ khí, điều khiển hệ thống đường sắt -đường bộ; kinh tế, quản lý đường sắt - đường bộ,...

“Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều gặp khó khăn.

Ở lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình đường bộ, trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho giao thông vận tải gần như giảm đáng kể, do đó nhu cầu nhân lực giảm, dẫn đến nhu cầu đăng ký vào học cũng giảm theo. Song, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có tính chất tạm thời, còn về lâu dài, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông vận tải là cực kỳ quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vì vậy chúng tôi mong rằng những ngành nghề này cần phải được tiếp tục mở rộng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Chương nói.

Theo ông Chương, cách đây khoảng 5 năm, xu hướng ngành nghề hot là lĩnh vực công an, quân đội; gần đây là lĩnh vực kinh tế, ngân hàng và gần như xã hội không quan tâm nhiều đến lĩnh vực kỹ thuật. Đây là lỗ hổng lớn nhất trong nguồn nhân lực phát triển đất nước.

“Một trong những cái không thu hút được người lao động trong lĩnh vực này chính là thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động thường ở các doanh nghiệp xây dựng giao thông khoảng 7-9 triệu, ở các vị trí công tác cao thì mới có thể từ 15-16 triệu và cao hơn, trong khi chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân càng ngày càng tăng, do đó không có sức hút”.

Chính vì vậy, lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải mong mỏi xã hội quan tâm hơn, hiểu đúng với giá trị của các ngành này, để hiểu và lựa chọn trong việc đăng ký theo học.

“Hiện nay, nhân lực chất lượng cao những ngành nghề này chúng ta vẫn rất thiếu. Nhân lực quản lý ở các ngành nghề này cũng thiếu, dẫn đến giá thành và chi phí công trình bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều công trình dở dang do quản lý kém”.

Lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải cũng cho rằng, nên có chính sách đặt hàng với những ngành có tính chất chuyên sâu đặc thù của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và một số các ngành kinh tế - xã hội khác để đảm bảo sự phát triển vững chắc.


Thanh Hùng

Chia sẻ Facebook