Lùng mua thực phẩm sắp hết hạn, hàng bị đổi trả để tiết kiệm tiền
Thực phẩm sắp hết hạn sử dụng hay hàng bị đổi trả được bán với giá rẻ đang ngày càng được nhiều người lùng mua để tiết kiệm tiền.
Những hộp cơm trưa và các loại thực phẩm tươi đã qua chế biến sắp hết hạn đang trở thành mặt hàng hot được nhiều khách hàng muốn tiết kiệm tiền giữa cơn bão giá lùng mua. Bởi những mặt hàng này được bán với giá chiết khấu cao, từ đó giúp khách hàng tiết kiệm được một phần chi phí giữa lúc lạm phát không ngừng gia tăng ở Hàn Quốc.
Theo Korea Times, nhân viên văn phòng chính là một trong số thành viên thuộc nhóm khách hàng thường xuyên thưởng thức những bữa ăn giá rẻ kiểu như trên, do bữa trưa công sở đang ngày càng đắt đỏ.
“Công ty không trợ cấp tiền ăn nên tôi phải tự trả tiền mua thực phẩm mỗi ngày. Gần đây, tất cả cửa hàng gần công ty đều tăng giá, và tôi bắt đầu chuyển sang ăn trưa ở các cửa hàng tiện lợi, nơi thực phẩm đông lạnh được bán với giá rẻ. Đây đang là lựa chọn tốt cho tôi”, anh Kim (32 tuổi), một nhân viên văn phòng, chia sẻ.
Hay như anh Jang, một nhân viên văn phòng khác, cũng cho biết anh mua thực phẩm sắp hết hạn cho bữa trưa kể từ khi vấn nạn lạm phát kinh tế hoành hành khắp toàn cầu kể từ đầu năm nay.
“Hoa quả và salad, những mặt hàng sẽ hết hạn trong vòng 1 – 2 ngày đang được bán với giá rẻ hơn 40% tại E-mart. Tôi đang ăn thực phẩm mua tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm tiền, bởi chi phí sống đang ngày càng tăng”, anh Jang cho hay.
GS Retail, công ty quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, được biết tới là nơi bán thực phẩm có giá chiết khấu lên tới 60%. Đây là những thực phẩm hầu như còn tươi ngon nhưng sắp hết hạn, hoặc là những sản phẩm không được nhiều khách hàng sử dụng nên không bán chạy dẫn tới tồn kho và được bán giá rẻ.
Đối với các cửa hàng tiện lợi, khách hàng vừa mua được thực phẩm giá rẻ, trong khi cửa hàng lại không tốn chi phí xử lý số hàng dư thừa hết hạn. Điều này có nghĩa đôi bên cùng có lợi.
Kết quả, doanh thu bán các mặt hàng có giá chiết khấu đã tăng gấp đôi trong tháng Năm so với tháng Một. Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng trên 5% tại Hàn Quốc trong tháng Năm.
“Khi chi phí sống gia tăng, càng nhiều khách hàng tìm kiếm những mặt hàng có giá rẻ hơn, hoặc tìm các cách để mua hàng có giá thấp hơn. Chúng tôi đang bán các sản phẩm bữa trưa có giá rẻ hơn 50% trong vòng 5 tiếng đồng hồ trước khi thực phẩm hết hạn sử dụng”, một quan chức tại GS Retail nói.
Giữa lúc lạm phát đang trở thành đề tài nóng nhận được sự quan tâm của dư luận toàn cầu, thì giá thực phẩm cũng không phải ngoại lệ.
Để cắt giảm chi phí, nhiều khách hàng đã đăng ký tham gia các ứng dụng bán những mặt hàng thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, hay lùng mua các mặt hàng bị đổi trả nhưng được rao bán với giá chiết khấu cao.
Theo Arirang, một công ty đã bắt đầu lộ trình “mua sắm hà tiện” chuyên bán các sản phẩm có giá bán thấp hơn nhiều so với mức giá ban đầu và nhanh chóng gặp hái thành công. Theo đó, doanh thu của công ty đã tăng 279% vào tháng Năm so với tháng Tư.
Những mặt hàng được bán giá rẻ được chính nhân viên của công ty kiểm tra để đảm bảo chúng không gặp vấn đề gì lớn gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Lý do các mặt hàng được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá ban đầu chủ yếu là do đây là hàng bị đổi trả, hoặc có vài vết xước nhỏ khiến khách hàng không sẵn lòng chi tiền để mua với giá gốc.
Cũng theo Arirang, việc mua hàng trưng bày hoặc đã qua sử dụng để tiết kiệm tiền cũng đang là phương án đối phó của khách hàng giữa thời kỳ kinh tế khó khăn.
Minh Thu (lược dịch)
Tin Cùng Chuyên Mục
Quốc gia phát triển có số phụ nữ trẻ tuổi bị suy dinh dưỡng đang gia tăng
icon 0
Nhật Bản đang tìm cách đối phó với tình trạng phụ nữ trẻ ngoài 20 tuổi bị suy dinh dưỡng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Muốn bán được nhà, công ty bất động sản chấp nhận để nông dân trả bằng dưa hấu và tỏi
icon 0
Nhằm thu hút đối tượng ít được quan tâm là người nông dân, một số công ty Trung Quốc cho phép khách hàng đổi dưa hấu hoặc tỏi để mua nhà.
XEM THÊM BÀI VIẾT