Lúc nguy nan sẽ nhìn rõ nhất nhân phẩm, tiết tháo một người
Trong một xã hội hỗn loạn, người ta thường vì cám dỗ mà vứt bỏ đạo đức. Cho nên, càng ở vào hoàn cảnh khó khăn, càng dễ nhìn ra nhân phẩm...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Ở vào thời kỳ yên ổn bình hòa thì rất khó để phân biệt ra một người là gian trá hay chân thật, nhân phẩm là cao hay thấp. Nhưng trong một xã hội hỗn loạn, người ta thường vì cám dỗ mà vứt bỏ đạo đức của bản thân mình. Cho nên, càng ở vào hoàn cảnh khó khăn, càng dễ nhìn ra nhân phẩm của một người là tốt hay xấu.
Người có nhân phẩm thấp kém, trong hoàn cảnh thông thường có thể dùng “hoa ngôn xảo ngữ” để che dấu bản thân, có thể tùy lúc mà đeo cho mình một bộ mặt “giả nhân giả nghĩa” để trở thành người tốt. Tuy nhiên trong khảo nghiệm khó khăn, chỉ người có tín niệm, có khí tiết mới có thể đứng vững và duy hộ đạo đức. Sự cao thượng của họ cũng trở nên đẹp đẽ nhất vào lúc này.
Lúc nguy hiểm đến sinh mệnh nếu vẫn có thể kiên trì theo đuổi tín ngưỡng và đức hạnh của bản thân thì mới thực sự là “trung thần nghĩa sĩ” , là người quân tử đáng tôn kính. Đây chính là lý do mà từ xưa đến nay, cho dù rất nhiều “trung thần nghĩa sĩ” bị thất bại thảm hại những vẫn được hậu nhân tán dương và kính trọng.
“Tật phong tri kính thảo, bản đãng thức thành thần” , gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần. Đây là câu nói giàu tính tượng hình, trong lúc “gió yên” thì “cỏ cứng” sẽ hòa lẫn vào với những loại cỏ thông thường khác, cũng giống như trong cuộc sống bình hòa thì “trung thần” dễ dàng bị lẫn lộn trong người thường vậy. Tính đặc thù này không có hoàn cảnh để thể hiện ra nên thật khó để phân biệt. Chỉ có trải qua “gió lớn mãnh liệt” và “thời cuộc hỗn loạn” khảo nghiệm thì mới có thể nhận ra cỏ nào là mạnh và người nào là người tận tâm, trung thành, có phẩm chất cao quý mà thôi.
Sóng lớn hun đúc người tài. Khương Tử Nha từng phải mưu sinh cơ cực, bán thịt, bán rượu, bán bột mỳ kiếm sống. Ông từng đi ở rể tại nhà vợ, nhưng vì không giỏi mưu sinh nên thậm chí bị nhà vợ đuổi đi.
Cuộc sống cùng cực như vậy nhưng Khương Tử Nha lại là tấm gương “người cùng, chí không cùng”. Cho dù là buôn bán làm ăn kiếm sống, hay xem bói tạm kiếm cơm qua ngày, ông đều siêng năng chịu khó một lòng học tập về thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường “trị quốc an bang” , chờ thời cơ để thực hiện chí lớn.
Cuối cùng Khương Tử Nha đã giúp Chu Vũ Vương diệt trụ, lại giúp nhà Chu mở mang bờ cõi, khai sáng một thời kỳ thịnh thế.
Xưa kia, Văn Thiên Tường vốn là một vị quan văn, một nhà thơ nổi tiếng vào những năm cuối Nam Tống. Nhưng đứng trước cảnh quân Nguyên Mông xâm lược Trung Nguyên, tình hình triều đại Nam Tống bất ổn định, ông đã dũng cảm ra chiến trường. Ông nói với mọi người rằng: “Cứu nước như cứu cha mẹ. Cha mẹ có bệnh, cho dù là bệnh khó chữa trị thì con cái vẫn phải toàn lực cứu chữa!”
Năm 1278, Văn Thiên Tường bị bắt làm tù binh. Trên đường bị áp giải đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), Văn Thiên Tường đã viết hai câu thơ lưu danh sử sách:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Tạm dịch:
Xưa nay hỏi có ai không chết,
Hãy để lòng son chiếu sử xanh.
Câu thơ này đã trở thành một áng thơ ca bất hủ nghìn đời.
Nguyên thế tổ Hốt Tất Liệt sau đó dùng quan to lộc hậu để dụ hàng Văn Thiên Tường nhưng ông thà chết không chịu khuất phục.
Nam Tống là thời suy bại của triều Tống, nhưng cũng là thời sản sinh ra nhiều anh hùng. Sống vào thời Nam Tống thì nổi tiếng nhất là Nhạc Phi, ông là vị tướng quân tận trung báo quốc. Ông thương lính, yêu dân, không sợ sức mạnh của quân địch và lời gièm pha của gian thần, ngay cả khi tính mạng ở trước nguy hiểm cũng không tính toán cá nhân, một lòng bảo vệ non sông đất nước.
Người quân tử xưa, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc, mà vứt bỏ tiết tháo, nhân phẩm của mình. Họ đều có tín niệm kiên định phi thường lớn.
Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người như vậy thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn” , nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu một chút thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo. Họ chính là hy vọng của đất nước và của dân tộc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Mời xem video :