Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ cuối: Từ áo giáp đến tử thần trên không

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 11:17:24

Đêm 8-12-2012, biệt đội SEAL số 6 do đội trưởng Nicolas Checque chỉ huy đột kích giải cứu bác sĩ dân sự Dilip Joseph người Mỹ đang bị Taliban bắt giữ làm con tin ở tỉnh Laghman (Afghanistan).

Bản vẽ áo giáp TALOS được giới thiệu tại Tampa vào tháng 5-2014 - Ảnh: AP


Lính canh phát hiện, báo động. Checque biết đã bị lộ và lo ngại Taliban sát hại con tin nên lao qua cửa nổ súng. Con tin được giải cứu nhưng Checque bị loạt đạn tầm gần bắn chết.


Phải đổi mới vì phải có khả năng gây bất ngờ cho đối phương... Cần có khả năng di chuyển không tiếng động, liên lạc không để bị chèn sóng, nhìn thấy đối phương trước khi họ thấy chúng ta.

Phó đô đốc LAURENT ISNARD (nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Pháp)


Vũ khí độc chiêu của đặc nhiệm Mỹ

Cái chết của Checque đã thúc đẩy quân đội Mỹ nghiên cứu bộ áo giáp dành riêng cho đặc nhiệm. Năm 2013, lần đầu Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ (SOCOM) đã trình làng bộ áo giáp thử nghiệm mang tên "bộ trang phục tác chiến nhẹ tấn công chiến thuật" (TALOS).

Trung tá Tim Hawkins - người phát ngôn SOCOM - giải thích: "Thiết bị bảo vệ cá nhân cho các đặc nhiệm không thay đổi đáng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Chắc chắn điều này đã thôi thúc SOCOM tìm cách cung cấp cho đặc nhiệm khả năng bảo vệ tránh đạn toàn diện. Không chỉ vậy, chúng tôi còn mong muốn qua đó nâng cao khả năng chiến thuật và hiệu quả chiến lược của họ".

Tham vọng của SOCOM là người lính đặc nhiệm mặc bộ áo giáp TALOS sẽ có khả năng chịu được hỏa lực bắn trực tiếp từ vũ khí hạng nhẹ.

Tuy nhiên khi kết quả nghiên cứu suốt năm năm trời về bộ giáp TALOS được công bố tại hội nghị công nghiệp các lực lượng tác chiến đặc biệt ở Tampa (bang Florida) vào tháng 5-2019, sản phẩm cuối cùng vẫn chưa đạt yêu cầu này.

Dù vậy trong quá trình nghiên cứu dự án TALOS, khoảng 10 ứng dụng phụ khác chắc chắn có khả năng áp dụng thực tế, ví dụ như áo chống đạn làm từ nhựa polyethylene phân tử lượng siêu cao, một chất nhẹ hơn và bền hơn áo chống đạn tiêu chuẩn. Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) Mỹ đang thử nghiệm loại giáp này trên thực địa.

Ngoài ra, theo tạp chí Forbes, SOCOM có thể đã sở hữu máy bay không người lái loại nhỏ được phóng bằng tay dùng để đánh chặn và quấy rối thiết bị điện tử của đối phương trong khuôn khổ dự án Hornet của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trước đó, SOCOM đã đưa vào sử dụng máy bay không người lái loại nhỏ có chức năng thu thập tin tình báo và máy bay không người lái cảm tử xách tay Switchblade (còn được gọi là đạn cơ động).

Tên lửa chống tăng Javelin nặng 20kg có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 4km. Switchblade còn hiện đại hơn, nặng chỉ 2,5kg nhưng tầm bắn lên đến 10km.

Switchblade được phóng đi bằng ống phóng như Javelin nhưng thay vì bay như tên lửa, nó hoạt động như máy bay không người lái với đôi cánh lật ra sau khi phóng và cánh quạt điện đẩy nó bay tới với vận tốc 100km/h cho chuyến bay kéo dài 15 phút.

Nhờ hai camera quang học và nhiệt hồng ngoại lắp trên thân Switchblade, lính đặc nhiệm dùng máy tính xách tay sẽ chọn và khóa mục tiêu. Ngay sau đó, Switchblade tăng tốc lao tới với vận tốc 160km/h và tự động đuổi theo nếu mục tiêu tìm cách né tránh.

Nhà phân tích Nick Reynolds ở Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh (RUSI) giải thích với đầu đạn cỡ trái lựu đạn, máy bay không người lái cảm tử Switchblade được dùng để đánh xe không bọc thép và binh lính hoặc đánh các khẩu đội pháo.

Người điều khiển có thể hủy vụ tấn công và thu hồi Switchblade. Đây là một lợi thế so với máy bay không người lái mang tên lửa Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Bayraktar TB2 lớn như máy bay hạng nhẹ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ như đường băng và cơ sở tiếp nhiên liệu.

Ngược lại, có thể xếp một chiếc Switchblade trong balô vì nó chỉ nhỏ như chiếc bánh mì baguette và lại rẻ tiền hơn, chỉ cần hướng dẫn sơ là có thể sử dụng được.

Các lực lượng đặc nhiệm Hy Lạp, Mỹ, Israel tham gia cuộc diễn tập Orion 22 tại Athens (Hy Lạp) ngày 14-4-2022 - Ảnh mod.mil.gr


Gia tăng khả năng sống sót và sát thương

Tạp chí Quốc phòng (Pháp) đánh giá lực lượng đặc nhiệm luôn được xem là phòng thí nghiệm cho các đơn vị khác trong quân đội trong lĩnh vực đổi mới công nghệ vì các đội đặc nhiệm ít người, do đó luôn tìm cách khai thác tối đa trang thiết bị để chiếm ưu thế tác chiến.

Chuyên trang công nghệ quốc phòng Armada International (Thái Lan) nhận xét trang thiết bị đặc thù của SOF có chức năng giúp lính đặc nhiệm "thấy chính mình, thấy môi trường xung quanh và thấy mối đe dọa".

Các trang thiết bị đặc thù phải gia tăng khả năng sống sót, khả năng sát thương chính xác, giúp nhận thức tốt tình huống và khả năng tương tác của các đội đặc nhiệm.


- C4ISTAR: C4ISTAR là các từ viết tắt của các hoạt động chỉ huy, kiểm soát, máy tính, thông tin liên lạc, tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát.

Mục tiêu cải tiến công nghệ trong lĩnh vực này là nâng cao khả năng tìm và cố định mục tiêu mà không phụ thuộc vào không quân. Bộ đàm phải có khả năng tránh bị phát hiện, gây nhiễu và chèn sóng, phải thiết lập đa kênh cho phép có thể sử dụng cùng lúc thoại và dữ liệu, băng thông rộng, có thể kết nối hiệu quả trong không gian kín.

Ngoài ra, các bộ phận chỉ huy SOF còn phải phát triển công nghệ đạn cơ động như máy bay không người lái Switchblade nêu trên thay tên lửa chống tăng có dẫn đường.


- Khả năng sống sót: Các toán SOF đang dùng mũ chiến đấu liên lạc tích hợp môđun (MICH) có khả năng tích hợp với tai nghe và nhiều thiết bị chiến thuật bổ sung đồng thời cung cấp mức độ bảo vệ cao đối với người sử dụng.

SOCOM đang nghiên cứu thế hệ mũ chiến đấu mới theo công nghệ FTHS. Đây là loại mũ chiến đấu được gia cố nhằm tăng mức bảo vệ đối với vũ khí hạng nhẹ và mảnh đạn, có thể sử dụng tốt khi rơi tự do và bơi chiến đấu.

Hai công ty Saab (Thụy Điển) và Fibrotex (Israel) tiếp tục cung cấp cho SOF của Mỹ các thiết bị mang trên người được thiết kế tránh bị phát hiện từ nhiều nguồn như nhiệt, rađa, thị giác và hồng ngoại.

Mục đích nhằm cung cấp hệ thống ngụy trang cho phép hoạt động tàng hình trong môi trường thù địch. Các toán đặc nhiệm không còn lo ngại bị nhận dạng bằng các thiết bị nhìn ban đêm và cảm biến nhiệt.


- Khả năng sát thương: Tháng 8-2018, SOCOM đã ký hợp đồng với Công ty Sig Sauer (Đức) về cung cấp bộ phận giảm thanh SURG cho súng trường M4A1 5,56mm. Hợp đồng trị giá 48 triệu USD dự kiến có hiệu lực đến tháng 7-2023.

Súng được nâng cấp với bộ giảm thanh mới chuyên dành cho các toán SOF tác chiến trong đô thị. Tháng 1-2020, SOCOM đã ký với Công ty L3 Technologies (Mỹ) hợp đồng trị giá 26,3 triệu USD cung cấp hệ thống ngắm quang học thu nhỏ MAS-D.

Hệ thống ngắm mới cung cấp tầm nhìn ba chiều và tăng thêm độ phóng đại. MAS-D hỗ trợ cho nhiều loại súng, bao gồm các loại súng bắn tỉa mà đặc nhiệm Mỹ đang sử dụng.

Ngoài ra, các loại vũ khí hạng nhẹ cũng được cải tiến nhằm bảo đảm cho các toán SOF bắn chính xác, dễ cơ động và có thể vô hiệu hóa mục tiêu trong không gian kín. Ví dụ như súng trường MCX Rattler của Sig Sauer.


Đặc nhiệm trong tương lai

Trong tài liệu với tiêu đề "Tầm nhìn và chiến lược của lực lượng tác chiến đặc biệt" được công bố vào tháng 4-2022, tướng Richard D. Clarke - tư lệnh SOCOM - xác định trong 10 năm tới, SOF phải biến chuyển trở thành "một đơn vị linh hoạt có khả năng tiến hành các chiến dịch đặc biệt tích hợp trong mọi lĩnh vực".

Trước đó tại hội nghị công nghiệp các lực lượng tác chiến đặc biệt ở Tampa (bang Florida) hồi tháng 5-2021, ông nhấn mạnh cạnh tranh trong tương lai sẽ diễn ra trong không gian mạng, trên vũ trụ và trong không gian thông tin, đặc biệt cạnh tranh trong không gian thông tin sẽ tác động đến mọi lĩnh vực chiến tranh.

Tại Pháp, báo cáo "Tầm nhìn chiến lược" của tướng Thierry Burkhard - tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp - cũng đặc biệt nhấn mạnh lực lượng đặc biệt Pháp cần thay đổi cho phù hợp với các phương thức hoạt động hỗn hợp trong "vùng xám quân sự hóa" (gây bất ổn như tấn công mạng, chiến tranh thông tin, phá hoại kinh tế và hoạt động bán quân sự).

Tháng 6-2017, quân đội Canada xác nhận một binh sĩ thuộc lực lượng tác chiến liên quân số 2 (lực lượng đặc nhiệm Canada) đã bắn chết một tay súng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khoảng cách 3.540m tại Nineveh (Iraq).

Chia sẻ Facebook