Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 4: Giải mật đặc nhiệm Spetsnaz
Trong phần nêu thành tích, Bộ trưởng Shoigu tuyên bố các đơn vị của lữ đoàn 810 đã 'thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập Syria'.
Ngày 1-10-2015, tức một ngày sau khi Nga triển khai quân đội giúp đỡ quân sự cho Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Hãng tin Interfax (Nga) dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết các toán đặc nhiệm Nga đã tham gia "bảo vệ chu vi" các cơ sở quân sự Nga ở Syria. Ngoài ra còn có lữ đoàn cận vệ 810 của hạm đội Biển Đen và sư đoàn đổ bộ đường không số 7 (Novorossiysk).
Năm đơn vị đặc nhiệm chủ lực
Hãng tin lenta.ru (Nga) ghi nhận thông tin nêu trên đã được chính thức xác nhận vào tháng 6-2016 khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trao tặng huy chương cho lữ đoàn 810.
Ba tháng trước đó, thượng tướng Alexander Dvornikov chỉ huy các lực lượng quân đội Nga tại Syria và Iraq đã trả lời báo Nga Rossiyskaya Gazeta: "Tôi sẽ không che giấu sự thật rằng các đơn vị tác chiến đặc biệt của chúng tôi đang hoạt động tại Syria.
Họ thực thi các nhiệm vụ trinh sát mục tiêu không kích của Nga, tham gia dẫn đường cho máy bay đến các mục tiêu ở khu vực xa xôi và giải quyết nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác".
Đến cuối năm 2016, kênh truyền hình Nga Rossiya-24 đã phát một thiên phóng sự về hoạt động đặc nhiệm Nga tại Syria.
Trên thực tế đây là thông tin chính thức đầu tiên nêu đầy đủ chi tiết về vai trò tham chiến của đặc nhiệm Nga tại Syria.
Phóng sự ghi nhận đặc nhiệm Nga đảm trách các nhiệm vụ như săn lùng các chỉ huy chiến trường, chỉ điểm cho máy bay, điều động các tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp hỗ trợ quân đội Syria.
Tháng 11-2015, đặc nhiệm Nga đã tham gia chiến dịch tìm cứu phi công Konstantin Murakhtin nhảy dù từ máy bay ném bom Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
Lực lượng đặc nhiệm Nga thường được gọi là Spetsnaz, tên ghép từ hai từ tiếng Nga "spetsialnoye" (đặc biệt) và "naznacheniya" (nhiệm vụ), tức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Spetsnaz là lực lượng can thiệp được huấn luyện bài bản, tinh nhuệ nhất của quân đội và cơ quan tình báo Nga. Spetsnaz gồm năm đơn vị chủ chốt:
* Spetsnaz Tổng cục Tình báo (GRU) ra đời năm 1950 được xem là tai mắt của Bộ Tổng tham mưu. Đơn vị này thực thi nhiệm vụ trên phạm vi quốc tế, đã từng hiện diện ở Tiệp Khắc, Angola, Lebanon, Syria, Afghanistan, Campuchia...
* Spetsnaz Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) với đội chống khủng bố Alpha ra đời năm 1974.
Đơn vị này đã thực hiện nhiều chiến dịch nổi tiếng như phối hợp với Spetsnaz GRU tấn công cung điện Tajbeg giết chết Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin năm 1979, chống khủng bố trong chiến tranh Chechnya, năm 2002 phối hợp với đội Vympel (thành lập năm 1981) tấn công nhà hát Dubrovka ở Matxcơva giải cứu con tin.
* Lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không hoạt động sau phòng tuyến chuẩn bị địa bàn cho lính nhảy dù đổ bộ. Nổi tiếng nhất là lữ đoàn trinh sát độc lập số 45.
* Spetsnaz hải quân: Tên chính thức hiện nay là Đơn vị chiến đấu chống thiết bị và lực lượng xâm nhập dưới nước (PDSS) bảo vệ các cơ sở hải quân và tàu chiến đồng thời làm công tác phá hoại trong chiến tranh.
* Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) ra đời năm 2009 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Lực lượng này quy tụ mọi đơn vị đặc nhiệm quân đội Nga. Thông tin về nhân sự và hoạt động của SOF luôn được giữ bí mật. Lực lượng đã tham gia chiến dịch ở Crimea (năm 2014), Syria và đụng độ với cướp biển Somalia.
Năm quan niệm sai lầm
Hầu hết các lực lượng đặc nhiệm quân đội trên thế giới được giữ bí mật hoạt động vì an ninh quốc gia. Spetsnaz cũng không phải ngoại lệ.
Chính vì vậy có khi câu chuyện về Spetsnaz được thêm mắm giặm muối mô tả người lính đặc nhiệm kiêm luôn làm điệp viên và chuyên gia phá hoại, từ đó dẫn đến khó phân biệt giữa thực tế với hư cấu.
Một sĩ quan Spetsnaz nghỉ hưu (giấu tên) giải thích với tạp chí Nga Russia Beyond có năm quan niệm sai lầm phổ biến:
Thứ nhất, đặc nhiệm Nga không phải là những người cơ bắp như Rambo trong phim ảnh Mỹ vì nếu như vậy làm sao đặc nhiệm có thể hòa nhập vào đám đông.
Thông thường họ là người mảnh khảnh cao khoảng 1,7m. Khi hành quân rèn luyện, họ phải chạy, nhảy, bò, không ăn ngủ trong thời gian dài, do đó cần nhiều thức ăn và nước hơn.
Thứ hai, không phải đặc nhiệm Nga đều giỏi võ thuật. Cựu sĩ quan Spetsnaz nhận xét: "Chiến đấu tay không chỉ hữu ích nếu hai kẻ ngốc gặp nhau mà không có súng máy, súng lục, dao, xẻng, đá trong tầm tay và ngay cả gậy gộc.
Chỉ trong những điều kiện như vậy mới đấu tay không". Kỹ năng cận chiến thật ra chỉ cần thiết để rèn luyện tính cách giúp họ không mất tinh thần trong chiến trận khi đạn bay vèo vèo trên đầu.
Thứ ba, không phải cái gì đặc nhiệm Nga cũng biết mà mỗi người có chuyên môn và nhiệm vụ riêng. Người hoạt động nội thành trong đám đông, người tác chiến ở vùng rừng núi, người khác nữa sành sỏi ngoại ngữ hoặc bắn tỉa. Cựu sĩ quan Spetsnaz giải thích: "Ví dụ chuyên môn của tôi là hoạt động chống khủng bố trong rừng và địa hình đồi núi...".
Thứ tư, không phải đặc nhiệm Nga lúc nào cũng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ. Cựu sĩ quan Spetsnaz nêu trên kể: "Nhiệm vụ của đơn vị tôi có thể là giải tỏa khu vực, quan sát lâu dài, thu thập tin tình báo, đột kích. Tôi cũng chuẩn bị phục kích và theo dõi đối phương trong một hoặc hai tuần trên đồi hoặc bên đường".
Ngoài ra còn có nhiều đơn vị đặc nhiệm hoạt động trên tuyến đầu với nhiệm vụ chính là chiếm cứ điểm và tiêu diệt quân địch.
Đội đặc nhiệm tấn công từ bên sườn chớp nhoáng rồi rút. Còn có cách đánh khác tương tự bằng ôtô, máy bay trực thăng hoặc tàu thuyền. Sĩ quan Spetsnaz nghỉ hưu giải thích: "Đôi khi bạn phải chỉ điểm mục tiêu. Chúng tôi ở bên ngoài chiến tuyến thu thập thông tin và tọa độ để chỉ điểm cho pháo binh, trực thăng và máy bay. Bạn có thời gian rút khỏi khu vực".
Thứ năm, đặc nhiệm Nga chỉ xài vũ khí Nga, ngoại trừ súng ngắn. Cựu sĩ quan Spetsnaz cho biết: "Có bốn thứ quan trọng: vũ khí chính, vũ khí phụ, hệ thống liên lạc và thuốc". Sử dụng vũ khí là súng tiểu liên, súng trường tự động hay súng bán tự động còn phụ thuộc phạm vi hoạt động xa hay gần và chiến thuật.
Ví dụ có cần dùng súng hãm thanh hay không, đối phương ở cách bao xa lúc khai hỏa, hoạt động ban ngày hay ban đêm, làm nhiệm vụ ở đâu (nhà cửa, đồng ruộng, rừng núi). Cuối cùng ông khẳng định tất cả vũ khí đều được sản xuất ở Nga.
Theo trang web forces.net (Anh), hiện nay cũng như dưới thời Liên Xô cũ, lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của Nga nổi bật là lực lượng được huấn luyện kỹ, có kỷ luật và trang bị tốt về cơ bản. Spetsnaz luôn được điều động trước tiên trong các hoạt động chống khủng bố và giải cứu con tin.
Điều khác biệt của Spetsnaz so với các lực lượng đặc biệt phương Tây là Spetsnaz được sử dụng cho nhiều mục đích đặc biệt, từ tấn công vào nguồn lực đối phương, ngăn chặn thông tin liên lạc cho đến triển khai đến các khu vực gặp thảm họa thiên tai và các trường hợp khẩn cấp về y tế như động đất kinh hoàng ở Tashkent (Uzbekistan) năm 1966, bệnh đậu mùa ở Aralsk (Kazakhstan) năm 1971.
Nhà báo Hà Lan Jeroen Visser phát hiện trong chuyến xâm nhập Hàn Quốc bất thành năm 1996, hai đặc nhiệm Bắc Triều Tiên đã viết nhật ký ghi lại hoạt động hằng ngày. Ngoài ra còn có thêm bí ẩn về một đặc nhiệm mất tích.
Kỳ tới: Đặc nhiệm xâm nhập còn viết nhật ký
Sayeret Matkal trực thuộc Tổng cục Tình báo quân sự của Israel thường được gọi tắt là 'Đơn vị'. Biệt đội Sayeret Matkal chuyên thu thập tin tình báo, trinh sát thọc sâu, giải cứu con tin và chống khủng bố.