Luật sư Lê Huy Quang và hành trình cống hiến vì một xã hội công bằng

Chia sẻ Facebook
19/12/2022 18:41:11

Anh Lê Huy Quang - Giám đốc điều hành Công ty Luật Hợp Danh The Light không chỉ được biết đến là một Luật sư nổi tiếng trong những vụ bào chữa, hỗ trợ, tư vấn thành công cho khách hàng mà còn được yêu mến bởi cái Tâm mà anh luôn dành trọn cho quá trình 20 năm cống hiến vì một xã hội công bằng và hạnh phúc hơn.

Xin chào Luật sư Lê Huy Quang, cơ duyên nào để anh “chạm ngõ” và gắn bó với nghề Luật 20 năm qua?


Hồi đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước khi đó nghề Luật sư tại Việt Nam còn sơ khai trứng nước. Rất may tôi đã gặp và vô cùng ngưỡng mộ những Luật sư đàn anh. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã nhiều lần đến tham dự Phiên tòa tại Tòa án Hà Nội tôi được chứng kiến rất nhiều phiên tòa xét xử. Hình ảnh các vị Luật sư đứng lên bào chữa cho thân chủ, dùng những lời lẽ đầy tính thuyết phục cộng với khí chất thu hút, tôi thực sự đã rất ấn tượng. Dần dần, tôi dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về lĩnh vực này, cứ như vậy qua từng năm tháng, từng điều cóp nhặt từ các phiên tòa và cuộc sống. Tôi đã trót say mê nghề Luật từ lúc nào không hay.

Tình yêu nghề Luật trong tôi được tiếp thêm sức mạnh như là bản lề tiếp theo giúp tôi khẳng định và lựa chọn theo nghề Luật sư là vụ án đã xảy ra cách đây gần 100 năm tại nước Mỹ, đó là vào những năm 1935 khi cả nước Mỹ rơi vào khủng khoảng.

Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, ông Fiorello LaGuardia, và bên dưới bục là một bà lão áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não, bà đã bị buộc tội vì lỡ ăn cắp một ổ bánh mì.

Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia, cũng đồng thời là quan tòa, hỏi: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?” Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm”. “Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?” – quan tòa lại hỏi. “Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời. “Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói… Chúng thực sự rất đói…”. Nói đến đây bà bật khóc. Bà lão nói xong, đám đông trong phòng xử án vang lên tiếng xì xào bàn tán. Ngài thị trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói: “Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?”.

Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”. Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình. “Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!”. Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói.


Vụ án này đã cho ta thấy được sự công bằng nghiêm minh của pháp luật đồng thời cũng thể hiện đầy đủ được tính nhân văn trong cách hành xử của Ngài thẩm phán. Chính phán quyết của Ngài đã cảm hóa, đã giáo dục và đặc biệt hơn tình yêu thương, tính nhân văn của pháp Luật đã được lan tỏa để mỗi chúng ta có hành động tốt đẹp hơn trong cuộc đời của mình!

Hơn thế nữa, khi tôi được tiếp nhận những vụ án, được giúp đỡ nhiều người tìm lại công lý, tôi nhận ra rằng niềm vui của khách hàng cũng chính là niềm hạnh phúc của bản thân. Đó là lý do mà cho đến hiện tại hay thậm chí 10 năm, 20 năm nữa tôi vẫn hãnh diện về sự lựa chọn này của bản thân với nghề Luật sư.

Để có được thành công như ngày hôm nay, anh cũng đã trải qua không ít khó khăn và thử thách. Vậy động lực nào để Luật sư bản lĩnh vượt qua tất cả?

Tôi luôn nói với các em rằng: Nghề nào cũng có những khó khăn riêng của nó và nghề Luật cũng vậy.


Cho đến nay, tôi đã có 20 năm hoạt động trong nghề và động lực lớn nhất để tôi vượt qua tất cả chính là gia đình. Có thời điểm tôi phải đi công tác liên tục, stress vì công việc nhưng tôi vẫn luôn có một hậu phương vững chắc, làm chỗ dựa tinh thần để tôi vững tâm cống hiến hết mình. Như Bác học Archimedes đã nói: “Cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” . Tất cả chúng ta đều cần có điểm tựa như thế và gia đình là điểm vững chắc nhất để chúng ta thực hiện ước mơ hoài bão của mình!

Là một Luật sư và phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, anh có thể chia sẻ bí quyết nào để anh có được niềm tin từ họ không?

Thật ra ở đây không có bí quyết nào cả, sự chân thành mới là yếu tố quyết định để có được niềm tin từ họ. Với mỗi khách hàng khác nhau đều có những vụ việc với đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đến với nhau trong bất cứ mối quan hệ nào đều phải xuất phát từ sự chân thành.

Hơn nữa chính sự cảm thông và biết lắng nghe những trăn trở của họ để có thể nói lên được nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, các tình tiết chứng minh sự vô tội hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ. Tôi nghĩ khách hàng là ai đi chăng nữa thì họ đều có cách nhìn nhận và đánh giá về một Luật sư thông qua cách thức ứng xử và sự tận tâm bảo vệ quyền lợi cho họ ra sao…chứ không phải một Luật sư hào nhoáng vẻ bề ngoài.

Cảm ơn những chia sẻ rất giá trị của Luật sư Lê Huy Quang.


Kim Thuý - Trần Hà

Chia sẻ Facebook