Luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam chưa quy định về tiền ảo, tài sản ảo
Mới đây, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) nhưng chưa đưa vào luật quy định về tiền ảo, tài sản ảo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay nếu Việt Nam thiếu khuôn khổ pháp lý nghiêm trọng, có thể bị đưa vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, rửa tiền,… và sẽ gánh chịu nhiều tổn thất về kinh tế nếu điều này xảy ra.
Chiều ngày 15/11, Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) của Việt Nam được thông qua với tỷ lệ gần 97%. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Đánh giá về sự cần thiết của dự luật, ông Thanh cho hay quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam còn chưa đủ.
Do vậy, nếu không đáp ứng được các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (trong danh sách Xám).
“Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính Việt Nam sẽ bị các nước tính phí cao hơn và phải chịu sự rà soát tăng cường, có thể làm giảm đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài” – cơ quan thẩm tra cho biết, Tuổi Trẻ đưa tin.
Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng để phù hợp với điều kiện Việt Nam, một số khuyến nghị như tài sản ảo, cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo Luật hoặc một số khuyến nghị khác sẽ được sửa đổi tại các quy định pháp luật khác có liên quan.
Từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu vấn đề này nhưng đến nay các Bộ ngành chưa đủ cơ sở để quy định ngay tại dự thảo Luật các biện pháp phòng chống rửa tiền với hoạt động này.
Tuy vậy, UBTVQH nhận thấy các hoạt động mua bán các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp… tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như cho chính cá nhân tham gia.
Do đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng các quy định về mua bán, trao đổi tài sản ảo, biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ sớm luật hóa về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền và rủi ro cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Cũng theo luật vừa được thông qua, các hành vi bị cấm trong phòng chống rửa tiền như: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền; lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc, v.v…
Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Tuấn Minh
Sàn giao dịch tiền ảo vừa xin phá sản FTX đang bị điều tra ở Bahamas
Trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (13/11), Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Bahamas đã xác nhận cuộc điều tra về sàn giao dịch tiền ảo vừa xin phá sản - FTX.