'Luật nào ra đời cũng có quỹ, trong khi với 80 quỹ hiện nay đang sử dụng không hiệu quả'
Cần rà soát lại các quỹ tài chính, kiên quyết xóa bỏ quỹ không hiệu quả và sử dụng không đúng mục đích, theo đề xuất của ông Phùng Quốc Hiển, nguyên phó chủ tịch Quốc hội.
Động lực và nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương
Đó là những động lực mới tạo ra sự thúc đẩy, phát triển hiện vẫn chưa rõ nét trong khi những tồn tại cũ chưa giải quyết dứt điểm, níu kéo sự phát triển. Vì vậy, để phát triển cần phải giải quyết dứt khoát tồn tại cũ trong thời gian ngắn nhất.
Dư địa chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa đang có dấu hiệu đến giới hạn cho phép, kể cả khả năng huy động vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, khả năng vay và trả nợ đã đến giới hạn và khả năng huy động nguồn lực.
"Nên tôi không đồng tình với một số ý kiến cho rằng "chúng ta vẫn còn dư địa tài chính, tài khóa" - ông Hiển nêu quan điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng có dấu hiệu nóng lên bất thường, xuất hiện bong bóng tài chính. Ông lấy ví dụ về sự tăng lên rất nhanh của chỉ số chứng khoán, hay giá vàng vừa qua là dấu hiệu "không hề bình thường chút nào".
Thêm nữa là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước, chưa phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt là cuộc chiến tranh tổng lực giữa Nga - Ukraine kể cả quân sự, kinh tế, tiền tệ… Những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, rác thải, an ninh phi truyền thống, các xung đột kinh tế bất ổn… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trong nước.
Nhìn nhận năm 2022 với mức tăng trưởng GDP là thách thức đặt ra cho tăng trưởng kinh tế, yêu cầu cần phải có sự cố gắng rất lớn. Do đó, ông Hiển cho rằng cần thực hiện nghiêm nghị quyết Trung ương Đảng và Quốc hội, tập trung giải quyết dứt điểm và làm trong sạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, các tồn tại các đại dự án, các ngân hàng yếu kém, các thỏa thuận quốc tế thuộc về trách nhiệm tài chính công. Bởi theo ông, nếu không giải quyết, càng để lâu sẽ tiêu tốn máu của nền kinh tế.
Cần có chính sách mới để huy động nguồn lực, giải phóng ngay nguồn lực từ tài sản công, gồm đất đai, tài sản số, tài sản vô hình, hữu hình, quỹ tài chính, nguồn lực tài chính… Đặc biệt là vấn đề đất đai, cần bàn thảo cụ thể vấn đề sở hữu, hạn điền, quyền tổ chức và cá nhân với đất đai, các nghĩa vụ liên quan…
Muốn huy động được tài chính công, theo ông, hệ thống tài chính quốc gia phải lành mạnh, minh bạch, kiểm soát lạm phát, ổn định đồng tiền. Đặc biệt khi tình trạng nóng lên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quản lý thị trường bất động sản… còn nhiều rủi ro.
Đối với quản lý thuế, ông Hiển cho rằng cần có cuộc cách mạng trên cơ sở tiếp tục rà soát theo hướng giảm tỉ trọng thuế gián thu và tăng tỉ trọng thuế trực thu. Hiện nay tỉ lệ huy động từ thuế, phí liên tục giảm, là từ 24,4%/GDP năm 2016 thì giờ còn 13 - 14%/GDP, theo ông là mức thấp.
"Đừng nghĩ giảm huy động, giảm thuế là kích thích nền kinh tế, bởi công cụ thuế nhạy cảm, nên phải nghiên cứu kỹ" - ông Hiển nói.
Thêm nữa, ông Hiển cho rằng chính sách chi phải thay đổi, nhà nước chỉ chi cho nhiệm vụ công còn các thành phần kinh tế khác tham gia. Ngay cả với chi cho an sinh, phúc lợi, an ninh đảm bảo cho ổn định cho xã hội, cũng cần thực hiện xã hội hóa.
Ông lưu ý, trong lúc khó khăn, vẫn phải kiên trì thực hiện cải cách tiền lương nhưng đáng tiếc là dừng lại, vì đây là nguồn lực đầu tư con người, kích cầu, khai thác nguồn lực con người hiệu quả hơn.
Gắn với đó cần đẩy nhanh hoạt động tài chính, giải ngân, làm sao để năm 2022 - 2023 tiêu hóa được 350.000 tỉ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, bởi với tình hình giải ngân hiện nay "khó có thể tiêu hóa được".
Giá vàng thế giới tăng trở lại và kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.958 USD/ounce, kéo giá vàng miếng SJC lên ngưỡng 69,45 triệu đồng/lượng. Liệu giá vàng miếng SJC có quay lại mức giá 70 triệu đồng/lượng trong tuần tới?