Luật Đấu thầu cần quy định cụ thể hơn để tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 5/11, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật, qua đó khắc phục hạn chế của Luật hiện hành.
Một trong những vấn đề liên quan đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
"Chúng ta cứ tranh cãi thuốc là mặt hàng thiết yếu, dẫn đến tình trạng khi đấu thầu các đơn vị họ từ chối không tham gia thầu, hoặc hủy thầu, thì chúng ta phải có cách gì giải quyết đặc biệt cho thuốc là như thế nào, lúc đó không thể khăn gói đấu thầu lại", bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
"Cần phải làm rõ quy định trường hợp khẩn cấp trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp khẩn cấp và hội đồng chuyên môn của các bệnh viện có được xác định trường hợp cấp bách để kịp thời mua sắm ngay lập tức điều trị cho bệnh nhân hay không", bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề xuất.
Các đại biểu cũng đề nghị, dự án luật cần phải quy định cụ thể, chi tiết hơn để tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng cài cắm thông tin ngay trong hồ sơ mời thầu.
"Hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là việc số lượng người tham gia rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng, bình quân hơn 1 hồ sơ/dự án. Điều này cho thấy tính cạnh tranh không cao. Nguyên nhân chính là do thông tin cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế đối tượng tham gia. Do đó tôi đề nghị phải quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu", ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, kiến nghị.
"Cần công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu đối với việc đấu thầu rộng rãi, danh sách các nhà thầu được tham gia mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, thông tin xử lý vi phạm về đấu thầu, làm cho môi trường đấu thầu ngày càng minh bạch hơn", bà Huỳnh Thị Hằng Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, nêu ý kiến.
Cũng trong ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với mức khởi điểm là 40 triệu đồng; thông qua kết Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).