Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ 'trọc đầu vì hóa trị': Được sống là một điều tuyệt vời

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 08:59:08

Hơn 1 thập kỉ qua, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn (65 tuổi) đã nắm lấy bàn tay bé xíu của những học trò mang bệnh ung thư, nắn nót từng nét bút.

"Bước vào cổng bệnh viện, con thấy nỗi bất hạnh của mình và các bạn cùng trang lứa..." - K.T (15 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) viết. Đọc những dòng chữ viết bằng mực tím của học trò mình, cô Đinh Thị Kim Phấn lặng người.

9 tháng sau, em gái T. gửi dòng tin vỏn vẹn: "Cô giáo ơi, anh trai con mất lúc 11h30 đêm"... Nước mắt tuôn rơi, cô Phấn lần giở quyển album ảnh có nụ cười thật tươi của T., cả những quyển vở có nét chữ cuối cùng dở dang của em.

Suốt 10 năm qua, lớp học lạ kì này là nơi cô gieo chữ cho những học trò trọc tóc vì hóa trị. Cô đã yêu thương chúng thật nhiều, bởi không biết rằng ngày mai, ngày kia, ngày nào sẽ là ngày cuối cùng của chúng trên cõi đời này.


Trái tim kiên cường

Năm 2009, cô Kim Phấn lần đầu tiên bước vào lớp học đặc biệt, nằm bên trong Bệnh viện Ung bướu TPHCM. "Gọi là lớp học nhưng nó thực chất đó là phòng bệnh. Chúng tôi kê những chiếc bàn nho nhỏ, những học trò bé xíu xiu bắt đầu nhổm dậy ngồi học. Ngày đầu tiên bước vào lớp, tôi chưa hình dung được mình sẽ dạy cái gì, nói chuyện với bọn nhỏ thế nào.

Tôi đảo mắt một vòng quanh lớp, các em đa phần đều đã trọc tóc sau những đợt hóa trị. Tôi thương chúng vô cùng. Vì căn bệnh mang trong người, nhiều em phải dang dở việc đến lớp nên thích học lắm. Tôi bắt đầu dạy Toán, dạy Tiếng Việt, chỉ cho chúng nắn nót những nét chữ đầu đời", cô Phấn nhớ lại.

Cô Phấn bên các em học sinh

Cô Phấn từng là giáo viên Tiểu học của trường Đuốc Sống (quận 1, TPHCM). Cứ cuối tuần, cô giáo lại đến căn phòng rộng chừng 30m2, nơi có bọn nhỏ một tay cắm kim truyền dịch, tay kia vẫn hí hoáy làm toán. Mỗi bài học đối với chúng đều rất quý giá, bởi đó là niềm vui duy nhất ở bệnh viện, sau những lần hóa trị đầy đau đớn.

Có những em học trò đến lớp ngày một, ngày hai... rồi chẳng thấy chúng nữa. Bài học trên giấy đã trở thành bài học cuối cùng, bởi em đã ra đi.

Cô Phấn nghẹn ngào: "Ban đầu, có nhiều giáo viên cùng dạy với tôi nhưng sau đó họ đã bỏ cuộc hết. Họ bỏ không phải vì khó khăn, mà vì đau lòng quá. Bạn thử nghĩ mà xem, mình yêu thương đứa học trò nhiều lắm.

Mỗi ngày được dạy các em học, nhìn các em chơi, rồi bỗng một ngày, bạn nhận được tin em không còn trên cõi đời này nữa, căn bệnh ung thư đã mang em đi, đau lòng lắm chứ. Chính bản thân tôi ngày đầu cũng không biết làm sao để vượt qua cảm giác buồn bã đó. Bây giờ, tôi đã mạnh mẽ hơn nhiều, không phải tôi không còn buồn được nữa, mà vì tôi biết tôi phải làm gì".

Để làm được điều đó, cô Phấn đã có một trái tim kiên cường và rộng mở. 13 năm qua là hành trình dài đằng đẵng, có đầy ắp nước mắt, nụ cười và cả những lần nghẹn ngào nói không nên lời. Cô giáo 65 tuổi vẫn nhớ từng gương mặt, từng cái tên, từng tính cách... của đám trò nhỏ.


Gìn giữ kỉ vật

8h tối, chúng tôi mới bắt đầu cuộc trò chuyện với cô Phấn bởi trước đó là thời gian "cho bài tụi nhỏ". Cô Phấn giải thích: "Nếu không cho bài tập về nhà, tụi nhỏ sẽ "đòi" dữ lắm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cô không được vào bệnh viện nữa mà dạy online. Bài tập cô sẽ chụp rồi gửi vào nhóm để các bạn làm".

Đối với bọn nhỏ đang ngày đêm chiến đấu với căn bệnh ung thư, được học, được sống, được yêu thương là một điều tuyệt vời. Cô Phấn đã không ít lần rơi nước mắt trước nghị lực phi thường từ những bệnh nhi bé xíu. Có em vì quá mệt không thể sang lớp được nên chốc chốc, em lại nhờ bố mẹ nhìn xem cô vào chưa, hôm nay cô giảng bài gì...

Thương con, bố mẹ sang lớp nhìn một lượt rồi về kể cho em nghe. Có em trước khi truyền dịch đã thỏ thẻ với y tá: "Cô ơi, cô truyền tay trái nha, tay phải lát nữa con viết bài".

Tất cả những điều đó đã trở thành động lực để cô Phấn bước tiếp trong hành trình giúp đỡ bệnh nhi ung thư. Trong hàng trăm học trò, cô Phấn vẫn nhớ N.K.L.T, một cậu bé ở Quảng Ngãi cùng mẹ vào TP.HCM chữa bệnh.

"Lần đầu tiên gặp T., tôi không tin rằng em 15 tuổi bởi trông em bé xíu như một cậu bé lớp 3. Bài tập làm văn giới thiệu bản thân đầu tiên tôi cho, T. đã viết rằng: "Bước vào cổng bệnh viện, em thấy nỗi bất hạnh của mình và các bạn cùng trang lứa nhưng em không buồn bã và tuyệt vọng. Nhờ sự động viên của bố mẹ và bác sĩ điều trị, em đã có thêm nghị lực chống trả với bệnh tật. Các bạn ơi, hãy cố lên, không có bệnh gì có thể vật ngã được chúng ta".

T. rất ngoan ngoãn, sáng dạ và chăm chỉ. Tôi vẫn nhớ mãi giọng nói Quảng Ngãi của em: "Cô giáo ơi cô giáo...". Từ một đứa bé nhanh nhẹn, em thu mình rồi trầm cảm vì thấy sức khỏe mình ngày một yếu dần.

Lớp học luôn ngập tràn niềm vui

Khi em về quê, tôi vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm gia đình. Tôi nghe mẹ em nói rằng: "T. mệt lắm rồi cô ơi" rồi sau đó tôi nhận được tin nhắn từ em gái của T. rằng em đã ra đi. Tôi hụt hẫng, đau lòng, bèn gom tất cả hình ảnh của em lại thành một album. Những quyển vở em đã viết tôi cũng giữ lại gửi cho gia đình như một kỉ niệm sau cuối".

Nhiều năm qua, cô Phấn vẫn luôn giữ gìn từng quyển tập, album ảnh của các em rồi đi xe về tận quê nhà, gửi lại cho người nhà. Lớp học đặc biệt của cô là nơi có nước mắt lẫn nụ cười, có sự chia ly đầy đau xót nhưng cũng là nơi thắp lên cho các em niềm vui sống, quên đi những đớn đau kéo dài và trả lại một tuổi thơ đầy trong trẻo.


Theo Lan Chi

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook