Lớp chuyên sĩ số 45 thì 40 người du học, người ở lại áp lực không kém

Chia sẻ Facebook
29/06/2023 16:41:07

Những năm trở lại đây, học sinh các trường chuyên thường có xu hướng chọn đi du học nước ngoài. Có những lớp học hơn 90% các em đều muốn ra nước ngoài học tập. Số người chọn ở lại cũng có những áp lực không kém.


Du học hiện tại đã trở thành xu hướng được không ít học sinh và phụ huynh hướng đến. Đặc biệt, đối với học sinh các trường chuyên, đa số khi được hỏi về dự định của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT đều cho biết rằng: "Em sẽ đi du học" . Một lớp có sĩ số 45, có đến 40 em mong muốn khi đủ 18 tuổi sẽ ra nước ngoài học tập, thử thách bản thân ở một vùng trời mới. Số ít còn lại quyết định học tập trong nước, quyết tâm thi vào những trường đại học top đầu. Nhiều người cho rằng không đi du học sẽ bớt áp lực hơn, nhưng thực tế, những học sinh chọn ở lại cũng có "cái khó" cần vượt qua.

Khi gần như cả lớp đi du học, người ở lại cũng gặp nhiều áp lực.

"Học sinh trường chuyên kiểu gì chẳng đỗ đại học top cao"

Trong mắt mọi người, học sinh trường chuyên được đặt nhiều kỳ vọng. Trước đó, các em đã trải qua những kỳ thi tuyển chọn gắt gao, vượt qua nhiều "đối thủ" để ghi danh vào trường chuyên của tỉnh, thành phố. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều người chọn ra nước ngoài học tập là điều dễ hiểu, vì các em có quyền và đủ khả năng để khám phá những chân trời kiến thức mới. Việc đi du học với học sinh trường chuyên đã trở thành lẽ tất nhiên, còn việc chọn ở lại học tập trong nước lại là quyết định được chú ý hơn cả.

Sự kỳ vọng là một trong những áp lực với học sinh trường chuyên.


Hà Linh, một thành viên của Cột sống Gen Z đã chia sẻ câu chuyện của mình khi quyết định không đi du học như các bạn cùng lớp: "Cuối năm lớp 12, cả lớp thi nhau hỏi xem đi du học nước nào, học bổng ra sao. Nào là đi Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan,... Mình bỗng dưng cảm thấy lạc lõng trong tập thể ấy vì mình quyết định không đi du học. Khi biết lựa chọn của mình, các bạn cùng lớp rất bất ngờ, vì ai cũng nghĩ đã học trường chuyên như tụi mình sẽ chọn ra ngoài học tập, phát triển bản thân. Mình quyết định sẽ học tập trong nước, phần vì sở thích, phần vì muốn được ở cạnh gia đình.


Dù không đi du học, không áp lực chọn trường để xin học bổng, nhưng mình lại áp lực phải đỗ trường đại học top đầu. Nhiều người xung quanh đều nói với mình rằng: 'Học sinh trường chuyên kiểu gì chẳng đỗ đại học top cao'. Dù mình có học lực tốt nhưng vẫn cảm thấy lo lắng, nhiều khi học tài thi phận."

Mỗi học sinh sẽ có một định hướng học tập khác nhau. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Những kỳ thi là bước ngoặt quan trọng. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)

Câu chuyện của Hà Linh có lẽ cũng không phải hiếm gặp. Học sinh tại các trường chuyên của tỉnh, thành phố luôn được ngưỡng mộ vì sự thông minh, kết quả học tập nổi trội, dẫn đến việc gia đình, họ hàng, thậm chí là hàng xóm cũng kỳ vọng vào các em sẽ có một kết quả thi thật rực rỡ. Điều này vô tình trở thành một áp lực lớn cho học sinh chuyên trước mỗi kỳ thi. Trên thực tế, không phải không có chuyện học sinh trường chuyên trượt đại học hay không thể đỗ vào những trường top cao như kỳ vọng.

Những câu chuyện buồn mùa thi. (Ảnh minh họa: vieclam123)


Lo lắng vì đi ngược số đông


Khi tất cả bạn bè xung quanh đều đi du học, tâm lý bồn chồn của những người ở lại cũng là điều không thể tránh khỏi. Vì lựa chọn khác biệt với số đông khiến nhiều học sinh trường chuyên cảm thấy lo lắng, lạc lõng khi bạn bè đều nói về những suất học bổng tiền tỷ, những dự định khi học tập tại nước ngoài, là ánh mắt tò mò: "Tại sao cậu lại không đi du học?", "Học sinh chuyên ngữ ra nước ngoài học tập mới nhiều cơ hội phát triển",...


"Mình thậm chí đã từng dao động. Dù trước đó, mình quyết định sẽ thi đại học trong nước, nhưng lớp của mình là lớp chuyên Anh của một trường chuyên có tiếng. Gần như 100% lớp đều quyết định tìm học bổng để đi du học. Khi biết mình sẽ học tập trong nước, bạn bè đã rất bất ngờ. Mình đã từng nghĩ hay là cứ đi du học như các bạn, nhưng sau khi tìm hiểu, mình nghĩ bản thân nên kiên định với sở thích và sự lựa chọn ban đầu" - Thanh Hằng, một độc giả của YAN chia sẻ.

Nhiều lựa chọn học tập khiến không ít học sinh, phụ huynh hoang mang. (Ảnh minh họa: Gia đình)

Dù học ở đâu "chìa khóa" thành công vẫn do nỗ lực và sự ham học hỏi

Nỗ lực là chìa khóa thành công.

Quyết định học trong nước hay nước ngoài hoàn toàn là do mỗi người. Bạn nên cân nhắc tất cả các lựa chọn cũng như yêu cầu riêng của bản thân. Dù học ở đâu, đây cũng chỉ là bước đầu tiên trong hành trình học tập sắp tới của bạn. Bạn bè xung quanh có thể trúng những suất học bổng tiền tỷ, đỗ vào những trường đại học top đầu thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn thua kém. Mỗi học sinh đều có một con đường học tập riêng, bạn chỉ cần kiên định và nỗ lực với hành trình của riêng mình.

Mỗi người sẽ có một định hướng học tập khác nhau, đi du học hay ở lại trong nước là quyết định của từng học sinh và cần được tôn trọng. Đứng trước những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, hy vọng rằng các em sẽ luôn vững tin, kiên định với ước mơ của mình. Dù học ở đâu, bạn cũng có thể thành công nếu luôn cầu tiến, nỗ lực.


Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook