Lòng người tâm phục bởi đức, không tâm phục bởi lực

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 09:24:50

Trong trị quốc hay đối nhân xử thế, chỉ dùng đức mới có thể thật sự làm cho lòng người phục còn dùng vũ lực mà áp chế thì tương lai...


Trong sách “Văn Tử” viết rằng: Con người tâm phục bởi đức, không phục bởi lực. Cho nên các bậc thánh hiền minh quân, người có đạo đức cao thượng và người hiền tài trong lịch sử đều dùng đức thu phục lòng người.

(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)


Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên ghi rằng: “Thị đức giả xương, thị lực giả vong” , nghĩa là người dựa vào đạo đức tốt lành nhất định sẽ được hưng thịnh, kẻ dựa vào bạo lực nhất định sẽ bị diệt vong. Lật lại lịch sử có thể thấy, trong các triều đại, những cá nhân hay minh quân nào kính trọng trời đất, hiền lương, dùng đạo đức trị vì thì chắc chắn có thể thu được nhiều lợi ích. Gia đình của cá nhân ấy cũng bình an và dân chúng của vị vua ấy cũng nhờ đó mà được hưởng cuộc sống mưa thuận gió hòa, sung túc an vui. Trái lại, những cá nhân hay hôn quân nào dựa và bạo lực để cai trị thì bản thân người ấy, gia đình người ấy gặp họa, vương triều của vị vua ấy chết yểu, dân chúng sống lầm than, oán thán. Cổ nhân lấy đó làm bài học cho nên họ luôn tôn sùng đức, dạy rằng làm người làm việc phải thuận theo đạo.


Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: Người tôn trọng lễ nghĩa phải dùng thái độ khiêm tốn thành khẩn mới gia tăng thêm hòa khí, mới không dẫn đến tai họa ngầm sinh ra bởi tranh giành kịch liệt. Người công thành danh toại phải bảo trì mỹ đức kiêm cung hòa ái thì mới không khiến người khác ghen ghét đố kỵ và tránh được tai ương.


Bởi vậy có thể thấy, trong đối nhân xử thế, một người chỉ có tuân theo đạo lý, khiêm cung nhường nhịn, tìm chỗ khoan dung mà độ lượng thì mới khiến lòng người khuất phục mà thành được nghiệp lớn. Rất nhiều khi “hồ đồ” là đại trí tuệ không chỉ thu phục được lòng người mà còn giúp mình tránh tai họa.

Vương Sưởng thời Tào Ngụy từng nói:

“Sinh vật lớn nhanh thì thường cũng sẽ chết nhanh, còn sinh vật phát triển chậm thì thường suy vong cũng tương đối chậm. Ví như có một vài loại thảo cỏ, buổi sáng khai hoa thì buổi chiều đã héo tàn. Còn loài tùng bách, tuy sinh trưởng chậm, nhưng dù trải qua ngày đông giá rét, cũng vẫn có thể bảo trì lâu dài không bị tàn lụi. Do vậy, khi làm việc, không nên hấp tấp mong cầu thành công. Nếu khi làm việc có thể lấy bước lùi là bước tiến, khiêm nhường là hoạch lợi, mềm yếu là cương cường, thế thì sẽ rất ít bị thất bại.

Khi có người phê bình, trước tiên chúng ta cần phải xét lại hành vi của chính mình xem có thật sự đã sai lầm không. Nếu như có, minh chứng rằng người ta đã nói đúng. Nếu không có, cũng chỉ chứng minh rằng người ta đã nói không đúng mà thôi. Nếu người ta nói đúng, đương nhiên chúng ta cần phải khiêm tốn tiếp thu. Nếu người ta nói không đúng, đối với chúng ta cũng không có gì là tổn hại. Chúng ta có gì đáng phải oán hận đây?”


Cổ ngữ giảng: “Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy tất tràn”, “Khiêm nhường thu được lợi ích, ngạo mạn chiêu mời tổn hại”. Từ xưa tới nay khiêm tốn chính là một đạo đức tốt đẹp mà mỗi người nên tuân theo. Làm người hiền hòa độ lượng, đối đãi khiêm tốn với mọi người, làm gì cũng tuân theo đạo thì không chỉ giúp tu dưỡng bản thân mà còn tránh được các tai họa không cần thiết.

Thuần phác đôn hậu, bảo trì hòa khí là một phẩm cách đáng trân quý. Càng là người có địa vị cao, tầm ảnh hưởng trong xã hội càng lớn, thì càng phải tu dưỡng loại tâm này. Bởi vì nó có thể khiến con người bình tĩnh và lý trí mà suy xét, đối diện giải quyết vấn đề. Lùi một bước biển rộng trời cao, ngược lại, hành động theo cảm tính, cậy tài khinh người, cậy địa vị cao mà ức hiếp người thấp thì thường lại chiêu mời tai họa. Lịch sử đã có rất nhiều tấm gương như vậy.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Chuyện xưa ngẫm lại: Đức không xứng với địa vị, tất gặp tai họa


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook