Lonely Planet giới thiệu cách thưởng thức cà phê Việt Nam ngon tuyệt vời

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 09:22:15

Cà phê Việt Nam vốn đã không còn quá xa lạ với bạn bè quốc tế, tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết về loại thức uống này ở Việt Nam. Tác giả Fabienne Fong Yan đã viết chi tiết về cà phê Việt, từ công thức ước đoán đến cách uống.

Cà phê phin trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Reuters


"Người Pháp có thể đã du nhập cà phê vào Việt Nam, nhưng tách cà phê buổi sớm mai đã trở thành một thói quen của người dân địa phương.


Với các biến tấu thêm sữa chua, trứng và thậm chí cả trái cây, cà phê Việt Nam đã phát triển theo một phong cách riêng", tác giả Fabienne Fong Yan viết trong một bài đăng trên Lonely Planet .

Theo Fabienne, quá trình chế biến cũng như phối trộn các loại hạt giúp cà phê Việt Nam mang một phong cách riêng.

"Điều gì làm cho cà phê Việt Nam có hương vị thơm ngon như vậy? Một số người sẽ cho rằng đó là do cách pha phin nhỏ giọt, nhưng cách rang truyền thống thực sự tạo nên hương vị đậm đà đặc biệt của cà phê Việt: người Việt có thể rang cà phê với rượu gạo, một chút muối và bơ.

Bơ là lý do tại sao cà phê pha phin ở Việt Nam có thể có kết cấu dầu nhẹ. Một số tiệm rang xay cà phê còn thêm các hương vị như sôcôla hoặc caramel, và tất cả đều rất phù hợp với khẩu vị của những người uống cà phê địa phương", tác giả giải thích.

"Cà phê xay thô được cho vào phin, đặt trên miệng cốc. Người ta dùng một cái nắp mỏng nén nhẹ cà phê xuống, sau đó cho nước nóng vào phin, cà phê theo nước từ từ nhỏ xuống cốc. Thao tác này nên được lặp lại ít nhất hai lần để có đủ cà phê để thưởng thức", Fabienne mô tả cách pha cà phê phin ở Việt Nam.

Trải qua 4 thế hệ, anh Hiếu - chủ nhân đời thứ 4 của cà phê Thái (Hà Nội) - vẫn giữ bí quyết gia truyền rang cà phê bằng bếp củi - Ảnh: HÀ THANH

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng ở cốc cà phê đậm đà đó, tác giả bài viết còn phát hiện ở Việt Nam người ta còn dùng cà phê để tạo nên những món thức uống thơm ngon khác.


Cà phê nâu hay cà phê sữa

Hầu hết mọi người uống cà phê đậm đặc pha với sữa đặc có đường. Ở miền Bắc, hỗn hợp cà phê đen và sữa đặc có đường được gọi là cà phê nâu, còn ở miền Nam gọi là cà phê sữa.

Mặc dù món này chủ yếu được phục vụ lạnh với đá, nhưng bạn cũng có thể gọi cà phê nóng nếu muốn.

Cà phê sữa pha vợt, thêm chút bơ Bretel, là món "đinh" của Cheo Leo, quán cà phê lâu đời nhất TP.HCM - Ảnh: NGỌC ĐÔNG


Sữa chua cà phê

Ở Việt Nam, người ta ăn sữa chua với nhiều loại topping khác nhau, từ xoài tươi đến nếp cẩm, và thậm chí cả cà phê. Nghe có vẻ là một sự kết hợp kỳ quặc, nhưng sữa chua béo ngậy thêm một tí cà phê đen lại là sự kết hợp tuyệt vời - bạn chỉ cần khuấy và nhâm nhi thôi.


Cà phê trứng

Lòng đỏ trứng gà đánh bông với sữa đặc tạo thành lớp kem, kết hợp cùng cà phê đậm đặc là cách để diễn tả món thức uống này. "Tưởng tượng nó như món tiramisu theo kiểu Việt Nam vậy đó", Fabienne so sánh.

Món uống này là một "phát minh" của người Hà Nội, cà phê trứng lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940, khi sữa trở nên khan hiếm và lòng đỏ trứng là một sự thay thế tiện lợi.

Quán cà phê Giảng ở phố cổ Hà Nội, nơi phát minh ra cà phê trứng, vẫn phục vụ cà phê trứng cho đến ngày nay, nhưng ở Hà Nội hiện cũng có những tiệm khác làm món này theo công thức riêng của họ.

Cà phê trứng ở quán Giảng, Hà Nội - Ảnh: Quỳnh Chi


Cà phê cốt dừa

Trong vài năm trở lại đây, món này rất được giới trẻ Việt Nam yêu thích. Đây là món đá xay có cà phê đen với sữa đặc được pha với nước cốt dừa.

Một phiên bản khác của món này có cà phê nâu làm nền, thêm nước cốt dừa và sữa tươi (chỉ khuấy lên uống chứ không xay).


Sinh tố cà phê

Trong những năm gần đây, cà phê thậm chí còn được đưa vào các món sinh tố. Nhiều cửa hàng nước trái cây nổi tiếng phục vụ hỗn hợp trái cây tươi với một chút cà phê, đôi khi còn cho thêm sữa chua hoặc hạt điều.

Ở Hà Nội, hãy thử sinh tố cà phê trộn chuối và bơ, còn ở TP.HCM, đừng bỏ qua món sinh tố cà phê sapoche. Cả hai đều là những cách ngon miệng để giúp bạn nạp được cả caffein và vitamin cùng một lúc.


Một vài "bí kíp" để uống cà phê ở Việt Nam

Khách đến thưởng thức cà phê trứng ở quán Giảng, Hà Nội - Ảnh: Quỳnh Chi


Trong khi các quán cà phê phong cách hiện đại ngày càng trở nên phổ biến, thì các quán cà phê vỉa hè truyền thống vẫn đông khách từ sáng đến tối. Tuy nhiên, dù là ở đâu, bạn vẫn có thể tìm cho mình một ly cà phê chất lượng trên khắp Việt Nam.

Đừng tìm cà phê decaf (cà phê tách caffeine). Nếu bạn thích vị cà phê nhẹ, hãy làm như người Việt Nam là gọi món bạc xỉu, cà phê thêm nhiều sữa đặc. Món này có hương vị giống như kem cà phê và sẽ làm dịu cơn thèm ngọt của bạn.

Sữa đặc thường ngọt nên sẽ không có ly cà phê sữa nào không đường đâu. Những người sành cà phê thực sự nên chọn cà phê đen. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đảm bảo rằng đồ uống của mình không quá ngọt, hãy yêu cầu ít đường.

Mỗi máy rang cà phê hiện có giá từ 50 - 60 triệu đồng, anh Hiếu có thể mua và rút ngắn thời gian rang. Nhưng không, cà phê Thái vẫn trung thành với bếp củi truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Chia sẻ Facebook