Lon gạo giúp người nghèo của ông Bảy
Nhát búa của ông Bảy Lẹ đập tới đâu là dây mủ cứng thẳng ngay tới đó. Dây này rửa sạch rồi ông đan giỏ xách, thúng, nia... bán lấy ít tiền đong gạo lo chén cơm đầy vơi cho người nghèo bên bờ biển mặn Kiên Giang.
Công việc hổng giống ai này được ông Nguyễn Văn Lẹ (Bảy Lẹ, 77 tuổi, ở ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, Kiên Giang) làm ngót 3 năm qua. Làm việc này có lúc ông phải dùng sức già kéo, bẻ, đập... dây mủ cứng khiến đôi tay rộp phồng bóng nước, nhưng ông nghĩ: "Đỡ đần ít nào cho người nghèo là tôi hổng thấy cực khổ gì cả".
Mót dây mủ về đan lát
Mặc bộ đồ pijama giản dị rồi ra ngồi trước hàng ba, ông Bảy Lẹ kể hồi xưa gia đình ông đan cần xé, thúng và nia để đựng các vật dụng sinh hoạt trong nhà. Rảnh rỗi, đan nhiều rồi dư chút ít thì ông mang ra chợ bán kiếm lời ít ngàn đồng mỗi cái mà sinh sống.
"Nhớ hồi đó, gia đình đông con mà hổng có ai theo nghề đan đát của tía tui hết trơn. Tui có tánh hiếu kỳ, thấy gì cũng thích mần nên giờ thạo nghề luôn" - Nói xong, ông Bảy Lẹ bước vô hàng ba lấy mấy cái giỏ xách được đan bằng dây mủ cứng ra giới thiệu.
Cũng như cái duyên, ông Bảy Lẹ chia sẻ, năm 2019 bà Trần Thị Mờ (em vợ của ông Bảy Lẹ) làm công nhân công trình ở Phú Quốc thấy dây mủ cứng buộc gạch, sắt, thép rất nhiều mà không ai sử dụng nên đem về cho ông đan.
Do lúc đầu hổng thấy mẫu nên ông Bảy Lẹ đan thất bại hoài. Tuy nhiên, dần dà ông cũng kiên trì đan thành những chiếc giỏ xách, thúng, nia hay chậu hoa kiểng đẹp mắt với đủ cỡ lớn nhỏ khác nhau. Cái nào cái nấy ai nhìn thấy cũng ưng trong bụng.
Ở ấp Mương Chùa (xã Tây Yên A), con lộ làng giờ cũng được bêtông hóa thẳng tấp nên việc đạp xe đi mót dây mủ cứng của ông cũng đỡ vất vả hơn xưa. Tuy nhiên, cái nắng tháng 3 ở xứ biển luôn gay gắt hơn ở đồng bằng nên muốn có dây mủ nhiều ông Bảy Lẹ phải thức dậy sớm từ lúc 5h sáng rồi đạp xe ra những công trình gần nhà nhặt nhạnh, xin về.
Cũng đi mót dây mủ cứng như mọi ngày nhưng hôm nay nhờ "trúng mánh" nên ông Bảy Lẹ đạp xe được đoạn đường ngắn gần 1km ra chợ xã đã gặp ngay người cất nhà.
Đậu xe đạp sát mé đường, lau giọt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi ông Bảy Lẹ nói: "May mắn thiệt! Chứ mấy hôm trước tui đạp xe lã mồ hôi mẹ mồ hôi con nhưng vẫn hổng có được sợi nào. Dây này tui gom lại cũng đan được hai ngày. Đi mót dây cực, nhưng tui thấy rất vui. Đi quen, họ gặp mình có khi cho luôn hoặc chở về nhà cho".
"Bán được nhiêu tiền tui mua gạo cho người nghèo"
So với tre thì dây mủ vừa cứng vừa cong, rất khó đan giỏ xách nên ông Bảy Lẹ dùng búa đập để bẻ ngay. Sau đó, ông dùng kéo cắt sợi dây thành những đoạn phù hợp dễ kéo dây khi đan.
"Một chiếc giỏ xách, nia, thúng hay chậu hoa kiểng tui có thể đan xong trong vòng một ngày. Cái nào kích cỡ nhỏ nhỏ tui có thể làm 2 - 3 sản phẩm/ngày" - ông Bảy Lẹ vừa khoe vừa thoăn thoắt đôi tay kéo sợi dây đan giỏ xách.
Nói nào ngay, khi đan giỏ xách bằng dây mủ, ông Bảy Lẹ không bị đứt tay tứa máu như hồi còn đan bằng chất liệu là tre. Nhưng dây mủ cứng cũng có độ khó riêng vì chúng rất trơn, nên muốn đan được ông phải dùng kìm, búa để làm. Kéo, đan riết lâu ngày nên đôi tay của ông cũng nổi cộm những "ống gân" lực điền hay rộp phồng bóng nước, đau rát.
"Da thịt mà cắt nhẹ cũng đau chứ, nhưng tay tui đau mà người nghèo ở địa phương có ít gạo để ăn thì cũng xứng đáng lắm chứ" - ông Bảy Lẹ trải lòng.
Hiện ông Bảy Lẹ đan ra rất nhiều sản phẩm với nhiều mẫu mã bắt mắt khác nhau như giỏ xách, nia, thúng đựng vịt, cần xé đựng tôm, trái cây... Ban đầu, những sản phẩm này, ông làm ra chỉ bán cho hàng xóm ở xung quanh khi họ có nhu cầu sử dụng. Lâu ngày, sản phẩm đẹp, bền và giá rẻ 30.000 - 240.000 đồng/sản phẩm tùy loại nên nhiều người biết đến và hỏi mua nhiều.
Ông Bảy Lẹ khoe: "Tui làm ra nhiều lắm và bán được gần 1.000 sản phẩm rồi. Hôm Tết tới giờ, tui bán giỏ xách cũng được ngót 2 triệu đồng. Tiền này tui mua hơn 500kg gạo để biếu bà con nghèo trong xóm vào dịp rằm tháng 7 âm lịch tới đây".
Bà Nguyễn Thị Mận, trưởng ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A (huyện An Biên), cho biết chú Bảy Lẹ là người có sở thích tái chế, đặc biệt lượm lặt những dây mủ nhựa cứng bị vứt đi ở ngoài đường rồi mang về nhà "hô biến" chúng thành những chiếc giỏ xách, thúng, nia và chậu kiểng vừa đẹp mắt vừa góp phần bảo vệ môi trường.
"Nói về chú Bảy Lẹ ở đây có ai xa lạ gì đâu. Chú ấy giỏi, lại còn rất thương người. Những sản phẩm chú làm ra như vầy khi bán đi chú Bảy đều để tích góp ở đó rồi kết hợp với mần ruộng thêm mua gạo cho bà con nghèo. Việc làm của chú vừa tử tế vừa thiết thực và rất là đáng trân trọng" - bà Mận tâm sự.
Chậu kiểng bằng dây nhựa "siêu độc lạ"
Ngoài tấm lòng của ông, chúng tôi còn ấn tượng ông Bảy Lẹ ở độ khéo tay, nhất là khi ông tự tay đan 2 lớp để làm chậu kiểng trồng bông hoa vừa làm đẹp ngôi nhà vừa góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ông Bảy Lẹ bưng chậu hoa mười giờ đang nở hoa đỏ rực dưới nắng vàng, nói chậu hoa này ông tự tay làm khoảng hai năm trước. Đến nay, chậu vẫn còn đẹp sáng và rất bền mặc dù ông để chúng phơi mình dưới nắng mưa.
"Chiếc chậu này tui để ngoài trời 5 năm cũng không ăn thua gì nó. Người ta thấy tui trồng vậy họ mê lắm. Mọi người đặt hàng hoài nhưng tui làm không kịp vì không có đủ dây mủ cứng để đan" - ông Bảy Lẹ nói.
Vét sạch gạo trong nhà cho người khổ
Đi lên từ đôi bàn tay trắng và đồng cảm với những mảnh đời khổ, nên khi thấy ai trong xóm khó khăn, ông Bảy Lẹ cũng sẵn sàng giúp hết khả năng của mình.
Hôm nay khi biết được ông Đỗ Văn Phụng, một hàng xóm, rơi vào tình cảnh thắt ngặt, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, thiếu gạo ăn thì ông Bảy Lẹ gác lại việc đan giỏ xách rồi lật đật đi ra sau chái bếp xúc gạo đem cho.
Chúng tôi hỏi: "Gạo hết rồi, chú xúc hết lấy đâu gia đình mình ăn?". "Hai vợ chồng tui ăn bao nhiêu đâu. Gạo trong khạp hết rồi, nhưng tui còn lại ít lúa. Mình cứ cho hết phần gạo này đi. Lát nữa tui qua nhà con tui kế bên mượn đỡ lít nấu ăn. Chiều chiều tui kêu người ta vô mang lúa đi chà gạo" - ông Bảy Lẹ cười tươi rồi chỉ cho chúng tôi thấy bồ lúa gia đình ông còn chất hơn chục bao.
Ông Chín, anh của ông Đỗ Văn Phụng, cho biết: "Thiệt lòng gia đình tôi mang ơn chú Bảy lắm. Đau bệnh có gạo nấu cháo, nấu cơm ăn cũng no lòng, mau khỏe. Quý lắm tấm lòng của chú".
Chủ tiệm sửa xe 0 đồng hỗ trợ bà con hồi hương tại Quảng Ngãi, đăng tin bán chiếc xe máy mình thích nhất, lấy tiền hỗ trợ bà con từ miền Nam về quê tránh dịch. Hiện tại, anh đang nợ tiền mua phụ tùng và hết tiền nhập hàng.