Lối thoát nào cho tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân?
Bị “treo” hàng thập kỷ, Dự án đường sắt Yên Viên – Cái Lân không những gây lãng phí mà còn khiến cho hàng nghìn người dân khổ sở. Hiện dự án lại đang ngày đêm mong mỏi chờ đợi được “hồi sinh”.
Được kỳ vọng “huyết mạch”
Ông Nguyễn Đức Tân – Trưởng ga Hạ Long cho biết, Ga Hạ Long được khởi công từ 5/2005 và đưa vào sử dụng từ 10/2014, là tiểu dự án ga Hạ Long - ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ với tổng vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Nhà ga này được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dạng bề thế nhất nhì miền Bắc, nằm trong dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, hứa hẹn là “cung đường vàng” kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này hiện nay gần như không có hàng hóa và hành khách lưu thông.
Lý giải cho nguyên nhân này, ông Tân cho biết: Đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,067m, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa nên chẳng ai dại gì mà vận chuyển bằng đường sắt.
Vừa qua, các cử tri tỉnh Quảng Ninh đã gửi kiến nghị tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phản ánh việc Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và triển khai từ năm 2005, đến nay đã 17 năm nhưng vẫn đang chờ đầu tư.
Việc Dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân dọc tuyến đường (từ thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí đến thành phố Hạ Long). Các cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu về tính khả thi của Dự án; sớm bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện hoặc hủy bỏ việc thực hiện Dự án.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từng được kỳ vọng là một trong những tuyến động lực trên của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có mục tiêu góp phần đảm nhận phần lớn luồng hành khách, hàng hóa từ Hà Nội tới Quảng Ninh, đồng thời tham gia kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài Hà Nội, tuyến đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, trước khi kết thúc ở ga Cái Lân (Quảng Ninh), trong đó có 43 km xây mới hoàn toàn.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1.435 mm và 1.000 mm) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/h cho tàu khách và 80 km/h cho tàu hàng. Khi tuyến đường sắt này hoàn thành, hành trình chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn xấp xỉ 2 giờ với tàu khách và gần 4 giờ với tàu hàng.
Khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 5/2005, Dự án gồm 4 tiểu dự án (Hạ Long - cảng Cái Lân; Lim - Phả Lại; Phả Lại - Hạ Long; Yên Viên - Lim), với tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, theo kế hoạch, dự án này sẽ phải hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ - CP của Chính phủ, công trình rơi vào tình trạng “tê liệt” suốt từ đó đến nay.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến Dự án Xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho hay, Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131 km (43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân.
Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Dự án được khởi công từ năm 2005, đến năm 2011 do khó khăn về nguồn vốn nên đã bị hoãn, giãn tiến độ.
Lay lắt kéo dài
Theo Bộ Giao thông vận tải, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục xác định hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương dọc tuyến.
Theo tính toán của Ban Quản lý dự án Đường sắt, để có thể đưa vào khai thác, Dự án cần thêm khoảng 5.268 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 không bố trí bất cứ khoản kinh phí nào để hoàn thiện Dự án, nên nguồn hy vọng duy nhất mà Ban Quản lý dự án Đường sắt trông vào để làm sống lại tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn là từ xã hội hóa đầu tư.
Cụ thể, để giải cứu Dự án, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT đưa công trình dang dở này nào danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư trong nước.
Được biết, hiện nay do lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi lợi thế về vận tải hành khách không còn sau khi trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Móng Cái hoàn thành đã khiến các nhà đầu tư cân nhắc rất kỹ khi bỏ vốn hoàn thiện Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Như vậy, trong khi chưa sinh lợi được đồng nào để góp phần hoàn vốn gốc, lãi cho hơn 4.322 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ đã tiêu suốt 8 năm qua, dự án tiếp tục ngốn thêm một nguồn chi phí đang kể nữa chỉ để trông coi những cấu kiện bê tông, thép… chơ vơ giữa sông, giữa đồng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư vẫn thiếu khoảng 110 tỷ đồng tiền đền bù cho công tác giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Việc nợ này đã kéo dài trong nhiều năm nay.
Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi Tiểu dự án Hạ Long - Cảng Cái Lân (5,6 km) hoàn thành vào tháng 10/2014, hiệu quả khai thác là rất hạn chế do phải đấu nối với tuyến đường sắt cũ khổ 1.435 mm từ Hạ Long về Kép (Bắc Giang) có tốc độ chưa cao. Do đó, tàu từ Hạ Long về Yên Viên (Hà Nội) vẫn phải chạy trên đường sắt Kép - Hạ Long, vừa chậm, vừa khó kết nối với các tuyến đường khổ 1.000 mm khác, khiến đường sắt từ Hạ Long tới Hà Nội lâm vào cảnh thiếu khách, đói hàng.
Nếu như việc gọi vốn tư nhân vào hạ tầng đường sắt không đạt kết quả, nhiều khả năng, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ tiếp tục phải “đóng gói” trong nhiều năm nữa với danh sách thiệt hại, lãng phí ngày một dài hơn.