Lối thoát cho xung đột Nga - Ukraine: Vũ khí hay đàm phán?
Những cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine tiếp tục được NATO đưa ra. Tuy nhiên, nhiều nước đồng minh NATO thừa nhận kho vũ khí dự trữ của họ đang dần cạn kiệt.
Mùa đông khắc nghiệt đang tới trên chiến trường Ukraine và Kiev cần thêm nhiều vũ khí. Đây là nội dung chính trong Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ) diễn ra trong hai ngày 20 và 30/11 tại Bucarest, Rumani.
Chính tại đây 14 năm trước, vào tháng 4/2008, các nước NATO đã gieo ý tưởng vào một ngày nào đó, Ukraine và Gruzia sẽ gia nhập NATO. Ý tưởng này làm gia tăng đối đầu với Nga. Và nay, sau 14 năm, các nước NATO lại nhóm họp để tìm cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Trong khi đó, kế hoạch trở thành thành viên NATO của Ukraine chưa tiến thêm được bước đáng kể nào.
NATO cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine
Cam kết hỗ trợ nhu cầu cấp thiết mà Ukraine cần cho mùa đông nhận được sự thống nhất và ủng hộ cao từ Ngoại trưởng các nước NATO sau 2 ngày thảo luận. Theo đó, NATO sẽ giúp Ukraine khôi phục hạ tầng năng lượng, cung cấp nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị mùa đông, thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái.
Theo Tổng thư ký NATO, việc hỗ trợ cho Ukraine là vì lợi ích an ninh của NATO. Trong dài hạn, NATO sẽ triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện cho quân đội Ukraine.
"NATO cam kết bổ sung gói hỗ trợ toàn diện của NATO dành cho Ukraine. Điều này sẽ tài trợ cho hỗ trợ phi sát thương khẩn cấp gồm nhiên liệu và máy phát điện, giúp Ukraine giải quyết hậu quả của các cuộc tấn công của Nga nhằm vào lưới điện của Ukraine"
Ngay sau tuyên bố của Tổng thư ký NATO, Đức cho biết sẽ chi khoảng 58 triệu USD còn Mỹ hỗ trợ 53 triệu USD, giúp Ukraine khôi phục hạ tầng truyền tải điện. Slovakia tuyên bố đang cung cấp 30 xe bọc thép cho Ukraine.
Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu thậm chí còn kêu gọi các đối tác NATO cam kết khoản hỗ trợ quân sự tương đương 1% GDP mỗi nước cho Ukraine, với hy vọng điều đó sẽ tạo ra "sự khác biệt chiến lược" để đối phó Nga.
Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ các nước NATO dường như chưa thoả mãn điều mà Ukraine mong muốn nhất hiện nay.
"Khi chúng tôi có hệ thống phòng không, chúng tôi có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Vì vậy, hệ thống phòng thủ Patriots và máy biến áp là những gì Ukraine cần nhất"
Trước yêu cầu từ Ngoại trưởng Ukraine, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ đang nghiên cứu cách tăng cường khả năng phòng không cho cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine. Liên quan vấn đề này, truyền thông châu Âu đăng tải khẳng định của Thư ký báo chí Lầu Năm Góc rằng, hiện nay Mỹ không có kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
NATO thực tế đã sắp hết vũ khí để cung cấp cho Ukraine
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine , các nước NATO đã viện trợ 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Hầu hết trong đó là vũ khí trong các kho dự trữ hiện có.
Mỹ đã chuyển khoảng 1/3 kho tên lửa chống tăng Javelin tới Ukraine và 1/3 kho tên lửa phòng không Stinger.
Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ, họ đã gửi cho Kiev hơn 6.900 tên lửa chống tăng, 16.000 viên đạn pháo, 120 Xe bọc thép chiến đấu và 6 xe Stormer được trang bị bệ phóng tên lửa. Điều này tương đương với nửa kho dự trữ tên lửa chống tăng hạng nhẹ của Anh đã được cung cấp cho Ukraine.
Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 cho Ukraine với tổng lượng vũ khí trị giá 2 tỷ Euro, trong đó có 22 triệu viên đạn cho vũ khí hỏa lực, 3.000 vũ khí chống tăng Panzerfaust, 7 hệ thống pháo tự hành GEPARD và đặc biệt là hệ thống Iris-T, hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, kho vũ khí cúa phương Tây không phải là vô hạn. Nó đang có dấu hiệu cạn kiệt, trong khi đó, năng lực sản xuất quốc phòng bị hạn chế, các dây chuyền sản xuất vũ khí không thể tăng tốc một sớm một chiều.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cho biết: "Các nước đồng minh NATO và đối tác đã cung cấp vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Và sẽ còn cung cấp thêm nữa" .
40 tỷ USD - số tiền này tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.
Cuối tháng 11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.
"Tôi hoan nghênh những nỗ lực của Liên minh châu Âu phối hợp để cung cấp vũ khí. Tôi nghĩ cần phải giảm chi phí để hướng đến những đơn hàng lớn hơn và có thể giải quyết đứt gãy của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu"
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của NATO cho hay, kho dự trữ vũ khí của ít nhất 20 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã gần như cạn kiệt.
Các nước nhỏ hơn như Litva đã không còn khả năng viện trợ vũ khí. Giới chức Đức hồi tháng 9 cho biết, khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine đã "tới hạn".
Trang Politico dẫn các nguồn giấu tên cho biết, Pháp đã kín đáo thừa nhận rằng, nước này không thể cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine do kho vũ khí đang hao hụt nhưng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev bằng những cách thức khác nhau.
Tờ Financial times thì cho rằng, cuộc chiến Ukraine phơi bày thực tế phũ phàng về năng lực vũ khí của phương Tây. Tờ báo trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và an ninh Hoàng gia London RUSI cho biết, với tỷ lệ tiêu thụ pháo của Ukraine, kho dự trữ của Anh chỉ có thể đáp ứng trong một tuần và các đồng minh châu Âu của Anh cũng không ở vị thế tốt hơn. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất vũ khí không thể tăng công suất trong một sớm một chiều. Tăng công suất đòi hỏi phải có đầu tư mà chẳng ai biết cuộc chiến này kéo dài bao lâu để đầu tư lâu dài.
Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay.
Phương Tây phát tín hiệu muốn thúc đẩy đàm phán
Vậy vũ khí hay đàm phán? Hay cả vũ khí và đàm phán? Bên cạnh những lời kêu gọi các nước tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine tại Hội nghị Bộ trưởng NATO, trong tuần qua, có nhiều tín hiệu muốn Ukraine và Nga nối lại hòa đàm xuất phát trừ các nước phương Tây.
Ngày 1/12, phát biểu trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine nếu nhà lãnh đạo Nga thực sự muốn kết thúc cuộc chiến này.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tiếp tục nhấn mạnh điều kiện Nga phải rút khỏi Ukraine.
"Tôi sẵn sàng nếu như ông Putin sẵn sàng nói chuyện, để tìm hiểu những gì mà họ sẵn sàng thực hiện. Nhưng tôi sẽ chỉ làm điều đó khi tham khảo ý kiến của các đồng minh NATO và tôi sẽ không làm điều đó một mình"
Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ tiếp tục nói chuyện với Tổng thống Putin để "cố gắng ngăn chặn leo thang (chiến tranh) và đạt được một số kết quả rất cụ thể", như sự an toàn của các nhà máy hạt nhân.
Đáp lại thông điệp đề nghị đối thoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine nhưng với điều kiện phương Tây chấp nhận các yêu cầu của Moscow. Điện Kremlin cũng cho rằng, việc Mỹ không công nhận các vùng của Ukraine mà Nga mới sáp nhập đã cản trở đàm phán giữa hai bên.
"Tất nhiên điều này làm phức tạp việc tìm kiếm một số điểm chung cho các cuộc đàm phán. Nhưng để đạt được mục tiêu của chúng tôi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã, đang và vẫn sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên"
Cũng liên quan đến vấn đề đàm phán, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc điện đàm với ông Putin ngày 2/12 cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Nga tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Dù vậy, Berlin cũng cho rằng, Nga cần rút khỏi Ukraine.
Cả Mỹ, phương tây và Nga đều mong muốn một cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột tại Ucraina. Tuy nhiên, các bên và cả Ukraine sẽ chấp nhận nối lại đàm phán với điều kiện như thế nào? Tình hình chiến sự sẽ tác động ra sao tới bàn đàm phán? Các bên sẽ phải thăm dò xem có thể nhượng bộ đến đâu trước khi đồng ý thương lượng. Đây là những câu hỏi không dễ trả lời.
Châu Âu chia rẽ trong việc hỗ trợ Ukraine
Triển vọng đàm phán khó khăn sau gần 10 tháng xung đột cùng với chi phí khổng lồ do tác động của cuộc chiến đã bắt đầu chia rẽ phương Tây. Lạm phát ở châu Âu tăng cao, nguyên liệu đắt đỏ và khan hiếm, gánh nặng hỗ trợ hàng triệu người tỵ nạn Ukraine đã làm nản lòng một bộ phận người dân châu Âu. Đã có những lời phàn nàn từ các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về việc Mỹ bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng, gấp 4 lần trước đây và Mỹ thu lợi nhiều từ các hợp đồng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Những điều này làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng cuộc chiến của Putin ở Ukraine có nguy cơ phá hủy sự thống nhất của phương Tây.
Cao Uỷ Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại từng cảnh báo, các kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên đã cạn, thậm chí cạn kiệt với tỷ lệ cao bởi vì châu Âu đã cung cấp rất nhiều cho Ukraine. Điều này khiến các bộ trưởng quốc phòng EU tranh luận về các cách để tối ưu hóa giữa viện trợ tài chính và quân sự, đặc biệt liên quan việc mua sắm số lượng lớn đạn dược và vũ khí như hệ thống phòng không mà Ukraine cần. Các quan chức quốc phòng châu Âu nhận định, tình trạng thiếu vũ khí của các nước phương Tây đang trở thành chủ đề cho các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để cân bằng giữa sự hỗ trợ cho Ukraine với kế hoạch phòng thủ trong tương lai.
Và trong khi các chính phủ châu Âu cam kết viện trợ tài chính và quân sự nhiều hơn cho Ukraine thì nhiều người lo ngại rằng, ngân sách của các nước gặp khó khăn vì lạm phát tăng cao, túi tiền của người dần cạn kiệt. Sự bất mãn trong lòng một bộ phận người dân châu Âu vì cuộc chiến này là có.
Một số cuộc biểu tình đã nổ ra ở Đức, CH Czech… để phản đối chiến tranh, phản đối gửi vũ khí cho Ukraine. Những khó khăn của Châu Âu hiện nay liệu có tạo động lực để họ thúc đẩy đàm phán giữa Nga và Ukraine?
Trong bối cảnh đối mặt với bài toán khó khi phải cân bằng giữa nhu cầu của mình và mức độ hỗ trợ cho Ukraine, nhất là khi mà kho vũ khí đang cạn kiệt nhưng xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, Chính phủ Hà Lan và các nước châu Âu đang thảo luận với ngành quốc phòng về các kế hoạch dài hạn nhằm tăng cường năng lực sản xuất. Còn các nước NATO cũng đang thảo luận về mức độ kho vũ khí cần thiết để đáp ứng các nghĩa vụ theo hiệp ước phòng thủ chung. Tổng thư ký NATO kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước bổ sung những vũ khí bị hao hụt.
Đến thời điểm hiện nay, dù có những lời kêu gọi nối lại đàm phán nhưng chưa có dấu hiệu các nước phương Tây gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.
Khó khăn nối lại đàm phán Nga - Ukraine
Những lời kêu gọi đàm phán từ các nước phương Tây được nghe thấy ngày càng nhiều trong những ngày gần đây, tuy nhiên, theo giới phân tích thì thời cơ chưa chín muồi.
Nga vẫn đang chuẩn bị cho những đòn đánh tiếp theo trong mùa đông còn Ukraine không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn nhượng bộ. Đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine sẽ chỉ diễn ra khi hai bên đạt được mục tiêu đặt ra trên bình diện quân sự.
Với Ukraine, hiện giờ là lấy lại tất cả các vùng đất, kể cả Krym. Chính sự kiên định về lập trường này ở cả Nga và Ukraine đang khiến Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu lo ngại về nguy cơ chiến tranh kéo dài, gây thêm những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Có một nhận thức ở thế giới phương Tây rằng, rất khó để giúp Ukraine chiến thắng Nga về mặt quân sự. Nhưng nếu vũ khí tiếp tục được bơm ra trên chiến trường thì không dễ có đàm phán. Chưa biết chừng, song song với các chuyến hàng quân sự, vẫn có các cuộc vận động ngoại giao trong hậu trường nhằm đưa hai bên trở lại bàn đàm phán. Cuộc chiến này đang ở giai đoạn bế tắc nên cần những lực đẩy tác động từ bên ngoài để tạo lối thoát cho các bên.