Lợi thế phát triển thành phố sáng tạo ở Hà Nội
Hà Nội sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.
Là nơi gặp gỡ Đông – Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng với hệ thống di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, tiềm năng. Lợi thế này đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội.
Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, nhiều sáng kiến đang được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo , trong đó Hà Nội tập trung vào các chiến lược cốt lõi như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo, dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo. Ở đó, trung tâm thiết kế sáng tạo là nơi ươm mầm cho các tài năng thiết kế sáng tạo, hỗ trợ cho các dự án tiềm năng, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, để trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn và các hoạt động sáng tạo chất lượng. Thành phố cũng đang ấp ủ hình thành tổ hợp trưng bày, triển lãm làm việc chung, dự kiến nằm liền kề sông Hồng, kết nối khu phố cổ bằng một nhánh sống, tạo điểm đến hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch và người dân thông qua khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nghệ sĩ và các nhà thiết kế.
Hà Nội có kết cấu dân số vàng với hơn 51% dân số trẻ, gần 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo như không gian đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam… Đây chính là những thế mạnh của Hà Nội trong kết nối quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 tạo ra nhiều kỳ vọng với đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực này.
Tính đến nay có 246 thành phố trên thế giới tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Các thành phố thành viên có mức thu nhập, dân số khác nhau nhưng cùng hướng đến một sức mệnh chung là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm trọng tâm trong kế hoạch phát triển đô thị theo hướng an toàn, bền vững, toàn diện, gắn với Chương trình phát triển bền vững của UNESCO đến năm 2030.
Thời gian tới, Hà Nội cần hoàn thiện báo cáo định kỳ lần thứ 1 về việc đánh giá hiệu quả chương trình hoạt động gồm 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến cấp quốc tế như đã cam kết với UNESCO. Thăng Long Hà Nội là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, giữa bề dày văn hiến và dòng chảy sáng tạo vô tận. Tiếp nối truyền thống văn hiến, phát huy mạnh mẽ tiềm năng nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn ngàn năm qua và khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, xứng đáng là thủ đô, trái tim của cả nước, với vai trò đầu tầu, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo có ý nghĩa quan nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.