Lợi thế "mở" của chanh dây xuất khẩu chính ngạch sang Australia
Các hiệp hội, tổ chức cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật về vùng trồng theo yêu cầu của Australia để sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường này.
Cơ hội cho chanh dây xuất khẩu chính ngạch sang Australia
Báo Tiền Phong dẫn nguồn Cục Bảo vệ thực vật cho biết, vừa nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) về dự thảo yêu cầu nhập khẩu đối với quả chanh dây tươi của Việt Nam.
Theo đó, đơn vị này đã hoàn tất dự thảo báo cáo đánh giá đề xuất của Việt Nam về việc tiếp cận thị trường Úc đối với quả chanh dây tươi phục vụ mục đích tiêu dùng.
Cụ thể, DAFF cho biết chanh dây tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Úc. Tuy nhiên, sản phẩm phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học, trong đó có 11 loài dịch hại bao gồm ruồi đục quả, rệp, nhện và bọ trĩ, chanh dây Việt Nam cần phải đáp ứng.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngoài thị trường Úc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa thông báo sẽ tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang nước này để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư.
Theo đó, thời gian kiểm tra của GACC sẽ diễn ra vào giữa tháng 8 theo hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp với thực địa và tài liệu.
Trước những cơ hội xuất khẩu đầy tiềm năng, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, đây là tín hiệu tích cực giúp các sản phẩm nông sản Việt Nam mở rộng thị trường. Do đó, Cục đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực sẵn sàng để phối hợp với cục trong quá trình kiểm tra; cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của GACC.
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc, thông báo và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn tất hồ sơ, tài liệu và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia kiểm tra.
Thông tin thêm trên báo VOV, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương, hiệp hội và các tổ chức cá nhân liên quan đến sản xuất, xuất khẩu chanh dây tươi sang Australia đóng góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo được gửi kèm theo văn bản và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Bảo vệ thực vật tại địa chỉ http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn trước khi gửi lại phía Australia.
Địa phương nào trồng nhiều chanh dây nhất ở nước ta?
Theo số liệu trên VTV , Việt Nam có lợi thế gia tăng thị phần khi chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000 - 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam lại có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Không chỉ xuất khẩu quả tươi, chanh leo cũng là một trong những trái cây hiện đang có tỉ lệ chế biến cao. Điển hình như trong năm 2022, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu thì tỷ trọng của sản phẩm chế biến biến chiếm gần 30%, đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá.
Với lợi thế về xuất khẩu và tiềm năng thị trường, cây chanh leo cũng đang mang đến cho người trồng nguồn thu nhập khá. Tây Nguyên là vùng trồng chanh leo lớn nhất cả nước với diện tích gần 10.000 ha. Cụ thể, Tỉnh Gia Lai là địa phương đứng đầu diện tích chanh leo trên cả nước đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích cây trồng này từ 4.500 ha tăng lên 20.000 ha vào năm 2025. Song song với đó, địa phương cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng và tăng cường khâu chế biến để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thời gian gần đây, cây chanh leo (chanh dây) đang mang đến cho người trồng nguồn thu nhập khá cho người dân. Bởi chanh leo luôn nằm trong top những loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%.
Hiện chanh leo Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ...
Trên thị trường thế giới, chanh leo là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm.
Tăng tốc xuất khẩu nông sản trong 6 tháng cuối năm 2023
6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, 6 tháng cuối năm, các ngành hàng tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn về đơn hàng mới và khả năng mở rộng thị trường. Tập trung tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là giải pháp quan trọng để năm 2023 có thể cán đích mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 55 tỷ USD.
Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với báo Nhân Dân , Toàn ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Để hoàn thành được mục tiêu này, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Trúc Chi (t/h)