Lợi suất trái phiếu toàn cầu lên cao nhất nhiều năm
Giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm trong phiên 21/10, đẩy lợi suất của hầu hết loại trái phiếu lên cao nhất kể từ năm 2007, khi các nhà hoạch định chính sách của nước này đánh tín hiệu quyết tâm tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát.
Lợi suất trái phiếu toàn cầu lên cao nhất nhiều năm
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm của Mỹ lần đầu tiên vượt 4.5% kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4.34%. Xu hướng này lan rộng khắp thị trường trái phiếu thế giới, với giá trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm lên hơn 2.5% lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Các chiến lược gia tại Societe Generale cho biết: “Lạm phát toàn cầu tiếp tục gây lo sợ cho thị trường trái phiếu. Các ngân hàng trung ương vừa có thêm những động thái mạnh tay để thắt chặt chính sách tiền tệ của họ”.
Trong phiên sáng 21/10, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 – 5 năm giảm mạnh từ mức cao lúc đầu phiên. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm xuống 4.38%. Khi đó, Wall Street Journal đưa tin các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất ít hơn vào tháng 12 so với những lần tăng trước đó.
Việc các ngân hàng trung ương đồng loạt chuyển từ chính sách kích thích sang thắt chặt đang gây áp lực lớn lên các chính phủ và nền kinh tế trên toàn thế giới. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh càng thúc đẩy đà đi lên của đồng USD và kéo các đồng tiền khác như yên Nhật xuống mức thấp nhất hơn 30 năm.
Các quan chức Fed có khả năng tăng lãi suất lên hơn 4% trong năm nay và giữ chúng ở mức hạn chế để chống lạm phát, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho biết hôm 20/10.
Làn sóng bán tháo khiến giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm suốt 12 tuần qua, và cũng là đợt giảm dài nhất kể từ năm 1984, khi Chủ tịch Fed bấy giờ là Paul Volcker thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất nhanh chóng. Thị trường trái phiếu Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có chuỗi giảm dài kỷ lục 12 tuần.
Thị trường giao dịch hợp đồng hoán đổi đang dự đoán lãi suất tại Mỹ sẽ đạt đỉnh 5% trong nửa đầu năm 2023. Lãi suất của các hợp đồng hoán đổi chỉ số qua đêm vào tháng 03/2023 và tháng 05/2023 đều vượt 5% trong phiên 20/10 và dao động quanh mức đó trong phiên tiếp theo, trước khi giảm xuống khoảng 4.85% vì thông tin từ Wall Street Journal. Lợi suất cả hai hợp đồng này đều chưa tới 4.7% trong ngày 13/10, trước khi công bố lạm phát của Mỹ vượt ước tính.
Những dự đoán về việc chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt hơn nữa cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới 9 điểm cơ bản lên 1.82%, cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này sẽ khiến định giá cổ phiếu xuống thấp hơn nữa vì nó kéo giảm thu nhập của doanh nghiệp.
Ngoài Fed, giới đầu tư cũng đặt cược Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất, với hơn 90% khả năng họ sẽ tăng 0.75% trong cuộc họp chính sách vào tuần tới. Thị trường tiền tệ kỳ vọng lãi suất cơ bản tại châu Âu sẽ tăng lên 3.25% vào mùa hè năm 2023. Lợi suất trái phiếu tại khu vực này theo đó cũng được đẩy lên cao.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức càng có động lực tăng sau khi hạ viện thông qua kế hoạch vay 200 tỷ euro (195 tỷ USD ) để giải quyết khủng hoảng năng lượng cũng như tạm ngừng áp dụng đạo luật về giới hạn nợ ròng trong năm nay.
Cũng trong phiên 21/10, lợi suất trái phiếu chính phủ Australia kỳ hạn 3 năm tăng 0.15% lên cao nhất 10 năm ở 3.78%. Ở Nhật Bản, ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp lần thứ hai để cố gắng giữ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức trần 0.25% khi đồng yên xuống thấp nhất 32 năm so với USD .
Fed đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 3/2022 và thị trường đang kỳ vọng cơ quan này sẽ thực hiện một đợt tăng tương tự vào cuộc họp tháng 11.
Kim Dung (Theo Bloomberg)